Lo ngại lạm phát cao trở lại

Giá thực phẩm tăng, tỷ giá tăng sẽ tác động đến chỉ số CPI cuối năm Ảnh:  Như ý
Giá thực phẩm tăng, tỷ giá tăng sẽ tác động đến chỉ số CPI cuối năm Ảnh:  Như ý
TP - Theo các tổ chức nghiên cứu, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, tỷ giá tăng cuối năm và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ là những yếu tố gây sức ép đối với lạm phát cuối năm nay của Việt Nam. Lạm phát năm 2019 sẽ vượt mức 4% cũng là yếu tố được cảnh báo trong bối cảnh nhiều mặt hàng, dịch vụ sẽ tiếp tục được điều chỉnh giá trong năm tới.

Cảnh báo lạm phát tăng cao cuối năm

Báo cáo kinh tế Việt Nam quý III/2018 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cách đây ít ngày cho thấy, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm nay chắc chắn thực hiện được. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cho thấy có những nguy cơ mới sẽ khiến lạm phát tăng cao trong năm 2019 và các năm sau.

Theo nghiên cứu của VEPR, tính chung 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,57%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng của CPI trong năm nay là giá lương thực, thực phẩm đã tăng mạnh so với năm 2017. Cụ thể, sau khi chạm mức đáy trong vòng 30 năm, giá thịt lợn trong năm 2018 đã phục hồi rất mạnh do mất cân đối cung-cầu khi nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ nuôi lợn sau khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái. Việc các dịch vụ công như giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư 02 của Bộ Y tế cũng góp phần làm tăng CPI trong 9 tháng đầu năm và kéo theo giá mặt hàng này tăng tới 18,26%. Tăng giá dịch vụ y tế cũng làm CPI chung tăng 0,71%. Việc các địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình cũng làm CPI nhóm hàng giáo dục tăng 7,02% và tăng CPI tổng 0,36%.

Với mặt hàng xăng dầu, đánh giá của các nhà nghiên cứu cho thấy, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng thời gian qua sẽ kéo theo vòng xoáy tăng giá nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, việc tăng 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường vào giá xăng có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng một năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm. “Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây. Về sức ép lạm phát năm 2019, thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao. Ngân hàng Nhà nước cần rất thận trọng trong điều tiết cung tiền và tín dụng, nếu không muốn lạm phát vượt tầm kiểm soát”, TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Kiểm soát chưa bền vững

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho hay, theo các nghiên cứu của ADB, từ nay đến cuối năm, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với một số thách thức lớn. Trong đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và tỷ giá tăng cao cuối năm sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam.

Theo ông Cường, áp lực lạm phát sẽ gia tăng cũng là vấn đề nhìn thấy rõ nhất với kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm và trong các tháng đầu năm tới.  Cụ thể, tiền VND đã yếu đi kể từ tháng 7 và có thể tiếp tục bị áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng và đồng đô la Mỹ mạnh lên. Bên cạnh đó, nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với đồng USD thì có thể gây thêm áp lực lên VND, làm tăng lạm phát.

“Giá dầu thế giới với xu hướng tăng như hiện nay sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát, cũng như việc tăng giá lương thực. Các số liệu thống kê cho thấy, sự tác động của lạm phát với kinh tế Việt Nam khá lớn khiến ADB buộc phải điều chỉnh các dự báo liên quan đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2018 và cả cho năm 2019”, ông Cường nói.

Cũng theo đại diện ADB, trong các mặt hàng trong rổ tính giá hàng hóa, lạm phát giá lương thực là yếu tố cần quan tâm khi chiếm tới 1/3 rổ tính giá cả hàng hóa tiêu dùng. Trong thực tế, giá lương thực đã tăng 2,3% trong 8 tháng đầu năm, đảo ngược xu hướng giảm trong cùng kỳ năm ngoái.

“Càng về cuối năm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất và Trung Quốc điều chỉnh giảm đồng tiền thì áp lực đối với Việt Nam là mang tính 2 chiều. Khi đó, Việt Nam sẽ phải cùng lúc đối phó với việc USD tăng giá và NDT giảm giá. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần thận trọng hơn với các chính sách của mình, do rủi ro với triển vọng kinh tế có xu hướng gia tăng”, ông Cường nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc các cơ quan quản lý kiểm soát không cho tăng giá điện, hạn chế tăng giá xăng dầu có những điểm tích cực trước mắt với nền kinh tế nhưng điều này cũng bộc lộ các điểm yếu. Việc “nén” không cho tăng giá theo đúng quy luật thị trường với các mặt hàng quan trọng trong năm 2018 sẽ tạo áp lực lớn cho năm sau. “Kiểm soát lạm phát nhưng lại bằng cách kiểm soát các nhân tố, không cho tăng giá điện, hạn chế tăng giá xăng dầu cho thấy rằng, việc kiểm soát chưa thật bền vững”, ông Long nhận định.

“Giá năng lượng trên thế giới vẫn ở mức cao và việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng) kể từ 1/1/2019 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát cho năm sau”, báo cáo của VEPR cảnh báo.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.