Lo ngại cao tốc Bắc-Nam ngốn vốn ngành khác

Đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư cao tốc khiến chi phí vận tải tăng, giá thành hàng hoá cao so với các phương thức vận tải khác (ảnh chụp cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ)
Đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư cao tốc khiến chi phí vận tải tăng, giá thành hàng hoá cao so với các phương thức vận tải khác (ảnh chụp cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ)
TPO - Trong thảo luận về phân bổ ngân sách, tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, cao tốc Bắc - Nam ngốn vốn các ngành khác, không tận dụng được lợi thế vận tải giá rẻ, làm tăng chí phí vận tải.

Chả lẽ đổ hết tiền vào cao tốc Bắc - Nam

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thống nhất cao với việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nhưng đề nghị Quốc hội chỉ ghi vốn ở một tỷ lệ nhất định, ưu tiên để hoàn chỉnh những tuyến đường ở vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng huyết mạch nối các tuyến quốc lộ.

“Chúng ta đầu tư dang dở, nhiều công trình đã khởi công nhưng phải dừng lại. Tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên cho việc đầu tư hoàn thiện các huyết mạch giao thông đó, tạo điều kiện đời sống của người dân phát triển tốt hơn” – ĐB Học nói.

Trong bài phát biểu chính thức tại hội trường, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên bày tỏ sự không đồng tình với cao tốc Bắc – Nam vì ngốn hết vốn các lĩnh vực khác.

ĐB Kiên cho rằng, đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa trình ra Quốc hội, nhưng trong dự toán chi đầu tư công ghi tổng vốn bố trí cho đường bộ cao tốc là 70 nghìn tỷ. Trong khi 5 năm tới, trái phiếu chính phủ có 75 nghìn tỷ để đầu tư cho giao thông, nếu chi cho cao tốc Bắc – Nam và 5 nghìn tỷ để giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành thì không còn vốn chi cho các lĩnh vực khác. “Như vậy, các ngành hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt là không còn, đề nghị phải cân đối lại”.

Tổng thể không bằng đường sắt, đường biển

Cũng bàn về hiệu quả kinh tế của cao tốc Bắc – Nam, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng: Khi ngân sách chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của ngành giao thông đưa ra (Bộ GTVT đề nghị tổng vốn có nguồn gốc ngân sách đầu tư cho giao thông trong 5 năm tới hơn 952 nghìn tỷ đồng; sau thẩm tra, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết chỉ bố trí được gần 187 nghìn tỷ - PV), chưa thể nói vốn đầu tư cho ngành “đi trước mở đường này” là quá nhiều.

Tuy nhiên, với tình hình ngân sách eo hẹp như hiện nay, tỷ lệ vốn dành cho ngành giao thông chiếm không ít. Vì vậy, phải sử dụng vốn giao thông thật sự hiệu quả để góp phần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực khác cũng như góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

ĐB Cảnh cho rằng, hiện nay chi phí vận chuyển hàng hoá của Việt Nam chiếm 20% GDP; trong khi các nước đang phát triển chi phí này khoảng 7-10%. Điều đó làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đối với các nước. Theo ĐB Cảnh, nguyên nhân do chưa tận dụng được hiệu quả các phương thức giao thông vận tải có chi phí thấp, cụ thể là đường thủy và đường sắt.

ĐB Cảnh đề nghị cần tập trung nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để nâng cao tốc độ, tăng công suất chạy tàu, nối dài đoàn tàu... từ đó nâng cao năng lực vận tải hàng hoá của đường sắt và giảm chi phí vận tải. “Bên cạnh những lỗi chủ quan về quản lý và điều hành của ngành đường sắt, tôi nghĩ trách nhiệm không ít là của toàn ngành giao thông, khi đã đầu tư không cân đối giữa các chuyên ngành” – ĐB Cảnh nói.

Bên lề các phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: Hiện tại năng lực vận tải của đường bộ với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, QL 14 vừa được nâng cấp chưa sử dụng hết, có thể thay thế nhau khi ngập lụt. Vì thế, cần đầu tư cho các ngành có chi phí vận tải giá rẻ, là thế mạnh của Việt Nam và tập trung kết nối các phương thức vận tải. “Chúng ta phải kết hợp hài hòa các phương thức dựa trên thế mạnh của đất nước; đấy là vận tải hàng hải và vận tải đường sắt. Chúng ta đều nói vận tải đường sắt rất lạc hậu nhưng không bổ trí vốn tương xứng để phát triển ngành này” – ông Kiên nói.

“Hiện nay chi phí vận tải của Việt Nam chiếm 20% GDP trong khi các nước đang phát triển chi phí khoảng 7-10%; điều đó làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đối với hàng hóa của các nước” – ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

MỚI - NÓNG