Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kiên quyết không để xảy ra tình trạng thất thu. |
Ảm đạm
Là đầu tàu về thu ngân sách từ hoạt động thương mại, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, hiện tại, một số cửa khẩu cảng TPHCM, hàng hóa nhập khẩu đã tăng so với những tháng trước nhưng vẫn rất ảm đạm, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tại cảng Cát Lái, nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước nhưng hiện chỉ tăng rất ít, không sôi động như những năm trước đây. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, thông thường những năm trước đây, vào tháng 12 là cao điểm các DN nhập khẩu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng, rượu, bia… Tuy nhiên, năm nay những mặt hàng này được nhập về cảng rất ít nên thu ngân sách của đơn vị suy giảm đáng kể.
Trước tình hình thu ngân sách giảm, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho hay, đang tập trung mọi nguồn lực để thu nợ, tạo thuận lợi thương mại và chống thất thu…Đơn vị đang triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng có thuế suất cao và hàng hóa xuất, nhập khẩu có trị giá cao.
Tại Hải Phòng, từ trước đến nay, nguồn thu từ nhập khẩu ô tô là nguồn thu lớn của Cục Hải quan này. Đặc biệt, lượng xe nhập khẩu vào dịp cận Tết tăng mạnh nên tháng cuối năm thu ngân sách thường tăng vọt. Thế nhưng năm nay, thu nhập người dân giảm sút, dẫn đến sức mua èo uột, khiến hoạt động nhập khẩu ô tô về các cảng Hải Phòng trở nên trầm lắng hẳn.
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, chỉ riêng số thu từ mặt hàng ô tô trong năm nay đã giảm hơn 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng loạt mặt hàng như đồ nội thất; thiết bị trò chơi và dụng cụ thể thao, bia rượu…hụt hàng trăm tỷ đồng. Đến hết tháng 11 thu của Cục Hải quan Hải Phòng chỉ đạt 60.007 tỷ đồng, giảm khoảng 17,5% so với cùng kỳ.
“Trong tháng cuối năm, để thu đạt gần 20.000 tỷ đồng là nhiệm vụ rất khó”, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho hay.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc cũng chia sẻ: so với chỉ tiêu được giao, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ phải thu thêm gần 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại, tình hình hoạt động của các DN lớn trên địa bàn vẫn thông báo khó khăn về đơn hàng còn hiện hữu.
Để đạt được kết quả cao nhất, đơn vị tập trung rà soát, phân loại, quản lý chặt chẽ các nguồn thu liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp thu, đòi nợ thuế, đồng thời tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các loại hàng hóa thuộc diện miễn thuế nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội, đơn vị này cũng đang chỉ đạo sát sao đến từng tổ, đội trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho công tác xuất nhập khẩu giảm thời gian thông quan, thực hiện thủ tục hải quan trên tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”. Đặc biệt, đơn vị tập trung đối thoại với DN, làm việc trực tiếp với các DN lớn, có quy mô ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngày 13/12, tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Trong năm 2023, số tiền thuế được gia hạn nộp khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tính đến hết ngày 12/12, tổng thu ngân sách đã đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 97% dự toán. Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm gần 2,7 tỷ USD
Theo số liệu thống kê mới nhất Tổng cục Hải quan vừa công bố, sau khi giữ đà tăng trưởng 6 tháng liên tiếp, xuất khẩu trong tháng 11 có dấu hiệu hụt hơi khi kim ngạch ước đạt hơn 31 tỷ USD, giảm 3,6 % so với tháng trước đó. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu chỉ tăng nhẹ 1%, ước đạt 29,8 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch thương mại của cả nước ước đạt hơn 619 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động thương mại suy giảm đã tác động không nhỏ đến công tác thu ngân sách của ngành Hải quan. Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 11, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 335.100 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán và giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm hơn 66.100 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD).
Lý giải về nguyên nhân, Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan cho biết, do một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh. Điển hình như nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch có thuế nhưng kim ngạch giảm đến 18,8%, khiến thu ngân sách giảm khoảng 32.800 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhóm xăng dầu nhập khẩu do tác động ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các thị trường nên DN chuyển hướng thị trường, chủ yếu nhập khẩu từ ASEAN (với thuế suất 5%) thay vì nhập khẩu từ Hàn Quốc với mức thuế suất 8%. Do đó, trong 11 tháng dù khối lượng nhập khẩu tăng mạnh nhưng giảm về trị giá đã khiến giảm thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Còn mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, năm nay thu ngân sách hụt khoảng 4.700 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 11, thu ngân sách của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố lớn nhất chỉ đạt gần 295.000 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Cục Hải quan TPHCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bình Dương…giảm mạnh. Chỉ có riêng Cục Hải quan Quảng Ninh có kết quả tăng được nguồn thu khi đạt khoảng hơn 15.700 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt số thu ngân sách cao nhất, được biết Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ... kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, phân loại các nhóm nợ và xử lý nợ thuế đảm bảo nợ thuế đến 31/12/2023 thấp hơn thời điểm 31/12/2022.