Từ những việc đơn giản như cứ đi ra ngoài là mang khẩu trang, tới việc khai báo y tế đầy đủ, nghiêm chỉnh chấp hành cách ly, hay cập nhật chi tiết và kịp thời lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc nếu không may trở thành các F…
Tháng trước đang thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại với diễn biến rất phức tạp, một nam tiếp viên hàng không thiếu ý thức, không tuân thủ quy định, đã bị nhiễm bệnh từ một bệnh nhân khác tại cơ sở cách ly. Sau đó, bệnh nhân này lại tiếp tục không thực hiện nghiêm việc cách ly tạị nhà, tiếp tục tiếp xúc, gặp gỡ bạn bè, làm lây lan dịch bệnh cho chính bạn mình. Sự việc kéo theo rất nhiều lo lắng, hoang mang, gây bức xúc trong cộng đồng. Người này sau đó đã bị khởi tố về tội “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác”.
Sự việc được áp dụng hình thức xử lý cao nhất là khởi tố, xử lý hình sự, thế nhưng dường như một số bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức với chính bản thân và cộng đồng, coi rẻ tính mạng mình và mọi người trước bệnh dịch.
Tại Lục Ngạn, Bắc Giang, cách đây mấy ngày, một phụ nữ sinh năm 1988, thuộc diện phải cách ly tại nhà do có liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng đã trốn tránh, không thực hiện cách ly theo quy định. Người này bị phát hiện sau khi Công an huyện Lục Ngạn, rà soát qua mạng xã hội, thấy người phụ nữ này đang livestream ở một địa chỉ không phải nhà riêng.
Và mới sáng qua (16/2), tại Quảng Ninh, hai người phụ nữ bị phạt 50 triệu đồng và bị đưa đi cách ly tập trung về hành vi trốn khai báo y tế, thuê đò vượt sông từ Hải Dương để vào Quảng Ninh.
Không hiểu sao, những hành động thiếu ý thức trách nhiệm như vậy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ cho dù Chính phủ và các địa phương đã có những quy định và biện pháp nghiêm trong phòng, chống dịch; Cho dù các phương tiện truyền thông vẫn đều đặn kêu gọi ý thức tự giác của mỗi cá nhân, trách nhiệm của mỗi người dân trong công cuộc chống dịch như chống giặc hiện nay.
Nhiều người đặt câu hỏi và tỏ ra lo ngại, không phải sự thiếu ý thức trách nhiệm nào cũng được cơ quan chức năng phát hiện. Cũng không phải sự cố tình vi phạm pháp luật nào cũng được kịp thời ngăn chặn. Vậy thì, ngoài kia, đâu đó trong chúng ta, dịch có thể theo chân một người không có ý thức mà bùng phát bất cứ lúc nào!
Một sáng đầu năm mới, khi người dân bắt đầu quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết, Hà Nội yêu cầu người đi từ vùng dịch như Hải Dương đến, phải chủ động khai báo y tế bắt buộc; khuyến cáo người dân tự cách ly tại nhà. Riêng đối với người dân từ huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương khi đến Hà Nội, phải khai báo, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế bắt buộc.
Cùng thời điểm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên 200 người mỗi ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất, đối với hành khách bay đến từ Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi.
Nhiều tỉnh thành khác đều áp dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân trước tình hình dịch bệnh có thể bùng lên sau Tết như kiểm soát người về từ vùng dịch, thậm chí cách ly 14 ngày; cho học sinh tạm thời nghỉ học tập trung và áp dụng hình thức học online… để chặn dịch lây lan. Tất cả chấp nhận hy sinh nhiều thứ, kể cả lợi ích kinh tế của đất nước để đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, các biện pháp trên có đạt hiệu quả hay không luôn đòi hỏi ý thức từ mỗi người dân. Vì vậy, “lỗ hổng” ý thức của mỗi cá nhân cần được bịt lại để công sức phòng, chống dịch của Chính phủ và các cơ quan chức năng có kết quả.