Tính chất hai vụ việc tại Sơn La và Hà Giang hoàn toàn khác nhau nhưng có thể thấy đang có lỗ hổng rất lớn trong quy trình chấm thi hiện nay. Dư luận băn khoăn với hai câu hỏi: Vai trò của thanh tra cắm chốt đã bị vô hiệu hóa và lỗi có phải tại công nghệ hay không?
Theo quy trình chấm thi trắc nghiệm, bài thi sẽ không rọc phách, được máy quét quét thành file ảnh. Từ file ảnh sẽ được chuyển sang file text. File text này (cụ thể là file excel) sẽ được dùng làm dữ liệu cho máy chấm bài. Nhưng cũng chính file text là điểm yếu “chết người” đối với chấm thi trắc nghiệm. Vì khi đã là file text, con người sẽ dễ dàng can thiệp.
Mấy ngày nay một số chuyên gia cho rằng, một trong những lỗ hổng của chấm thi trắc nghiệm chính là phần mềm chấm thi. Tuy nhiên, là một chuyên gia về CNTT, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị trường ÐH FPT cho rằng không hẳn như thế. Ông Tùng khẳng định sự việc này, cần xét cả khía cạnh là phần mềm, quy trình và con người. Trong đó, có liên quan đến con người, quy trình là nhiều hơn so với phần mềm.
Ông Tùng phân tích: “Trước hết, vụ việc ở Hà Giang, sai phạm được can thiệp trong quá trình đưa vào máy quét sau khi file quét dữ liệu gốc đã được gửi về Bộ GD&ÐT. Việc để đối tượng có thể thực hiện sai phạm trước hết phải kể đến việc để phách và thông tin của thí sinh”. TS Lê Trường Tùng giả định bây giờ rọc phách thì người chịu trách nhiệm sửa lỗi này không biết bài này là của ai khi đó gian lận sẽ đỡ hơn. Vì cuối cùng vẫn phải ghép phách mới lên điểm.
Hay như nhiều người đề xuất khi chuyển từ file ảnh sang file text dữ liệu cần phải được mã hóa và “chìa khóa” là Bộ GD&ÐT giữ. Nhưng ông Tùng cho rằng khi đã có khóa thì ắt sẽ có chìa. Người ta có thể can thiệp vào bài thi trước khi quét thì việc mã hóa sẽ không còn tác dụng (Sơn La là một ví dụ).
Chính vì vậy, TS Lê Trường Tùng khẳng định điều này liên quan đến cách thức tổ chức thi chứ không liên quan đến phần mềm. Bên cạnh đó, dường như quy trình chấm thi đang bất cập khi chỉ có một người làm công tác xử lí kĩ thuật. Mặc dù có giám sát nhưng nhiều khi những người quan sát không phải lúc nào cũng nhìn hoặc đủ trình độ để biết là người đó đang làm đúng hay làm sai. Vì thế, ông Tùng nhấn mạnh một lần nữa khâu quan trọng nhất vẫn luôn là con người thực hiện.
Còn ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ÐT thì cho biết với máy chấm thi trắc nghiệm mới ông chưa được tiếp xúc nên không thể nhận định là có bị lỗi ở phần mềm như mọi người vẫn nói hay không. Tuy nhiên ông Ngọc khẳng định dù phần mềm có thông minh hay tinh vi như thế nào đi nữa cũng đều do con người điều hành. Vì thế, dù có tin tưởng cán bộ, nhân viên đến bao nhiêu cũng cần sự giám sát chặt chẽ, nhất là những người nắm giữ được “yết hầu”, nắm giữ những thông tin và những khâu quan trọng nhất.
Các trường ÐH phải tham gia sâu
Trước câu hỏi của phóng viên về vai trò của thanh tra do Bộ GD&ÐT ủy quyền tại các hội đồng chấm thi có phải đã bị vô hiệu hóa, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ cho hay, vụ việc tại Hà Giang rõ ràng là hai thanh tra cắm chốt nhưng đã “bỏ chốt”, Bộ cũng đã yêu cầu giải trình và sẽ xử lý kỷ luật. Còn tại Sơn La, thanh tra cắm chốt không có nhiệm vụ trực 24/24. Chính vì vậy, nếu tiêu cực diễn ra vào ban đêm thì thanh tra không thể phát hiện được. Tuy nhiên, từ sự việc năm nay, sắp tới, thanh tra cũng sẽ có tổng kết đánh giá và có những rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho năm sau.
Nhìn lại hai vụ gian lận điểm thi tại Sơn La và Hà Giang có thể thấy, ở khâu chấm thi, vai trò của các trường ÐH hết sức mờ nhạt. Mỗi hội đồng chấm thi chỉ có hai thanh tra cắm chốt đến từ trường ÐH. Trong khi đó, ở tổ chấm trắc nghiệm, thanh tra cắm chốt lại là người của Sở GD&ÐT sở tại. Ðây cũng chính là điểm yếu, tạo điều kiện cho một số cán bộ chấm thi của các sở “hoành hành”. Năm tới, thiết nghĩ, ngoài việc phải xem lại quy trình chấm trắc nghiệm, chấm thi, Bộ GD&ÐT cần tăng cường lực lượng thanh tra đến từ các trường ÐH. Họ phải được tham gia vào tất cả các khâu chấm của Sở GD&ÐT chứ không thể chỉ là thanh tra vòng ngoài như những năm vừa qua.
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ÐH Bách khoa đưa ra quan điểm của riêng ông rằng nếu vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay thì nên quay về cách thức tổ chức thi trước năm 2017. Tức là các Sở GD&ÐT chịu trách nhiệm tổ chức thi cho các thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp. Các trường ÐH lớn có trách nhiệm tổ chức thi cho những thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ÐH.