Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game) đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 30/3.
Tại báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính nêu rõ: Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt giới trẻ tham gia.
Từ đó, Bộ Tài chính đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.”
Bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc SohaGame - cho biết, việc áp thuế TTĐB không đạt được mục đích định hướng tiêu dùng và hạn chế dịch vụ. Trên thị trường đang tồn tại trò chơi được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định cấp phép, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam và trò chơi không phép do nhà phát triển nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới.
“Việc đánh thuế TTĐB chỉ có thể triển khai với trò chơi có phép thông qua doanh nghiệp trong nước, làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ do người dùng chi trả, triệt tiêu sức cạnh tranh của trò chơi có phép. Nhu cầu giải trí của con người không bao giờ mất đi, mà sẽ dịch chuyển sang khu vực khác có chi phí sử dụng thấp hơn. Nếu như chính sách thuế TTĐB được áp dụng, người dùng chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép do chi phí tiêu dùng thấp. Doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trò chơi có phép sẽ có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản. Như vậy, chính sách này đang gián tiếp khuyến khích người dùng sử dụng trò chơi không phép”, bà Dung phản ánh.
Cùng quan điểm, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến Công ty VNGGames - cho biết, tại Việt Nam, game là ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Game đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Thắng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3-5% trên doanh thu. Đặc biệt, doanh thu ở mảng thị trường game di động của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 22%, phần còn lại thuộc về doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam.
Hội thảo doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến, DN lo "game lậu" vào Việt Nam. |
“Trong trường hợp bị áp thêm thuế TTĐB, game do công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn. Việc này sẽ có 2 hệ luỵ: Không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game và doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt nam như kỳ vọng của Chính phủ”, ông Thắng cho biết.
Với những lý do như trên, doanh nghiệp game đề xuất trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB như trong dự thảo.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI - cho biết, chưa có quốc gia nào đánh thuế TTĐB với game. Nếu Bộ Tài chính áp thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành game Việt Nam.
ông Lê Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam - cho biết, game không phép, game xấu đang tạo ra ảnh hưởng xấu vẫn hoạt động tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các game tốt được cấp phép.
Theo thống kê của Data.ai, đơn vị cung cấp dữ liệu hàng đầu thế giới, trong số 10 tựa game di động có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam, hơn một nửa số này được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài (không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế, với Việt Nam). Số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình (Bộ TTTT) cho thấy, hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số doanh nghiệp hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị (Còn lại là gần như không còn hoạt động vì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài).