Lo biệt thự công thành tư dinh

Quản lý yếu kém nên nhiều biệt thự Pháp trên phố Trần Hưng Đạo bị biến dạng. Ảnh: Minh Tuấn.
Quản lý yếu kém nên nhiều biệt thự Pháp trên phố Trần Hưng Đạo bị biến dạng. Ảnh: Minh Tuấn.
TP - Tranh luận về quản lý quỹ nhà biệt thự Pháp đã làm nóng phiên chất vấn hôm qua tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội. Nhiều đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi: Tại sao cứ mỗi khi vấn đề quản lý nhà biệt thự Pháp được nêu ra thì thành phố lại nói sẽ giao thanh tra, kiểm tra nhưng mãi vẫn chưa xong!.

Chậm nhất ngày 15/12 phải báo cáo

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị lãnh đạo UBND trả lời căn cứ nào đưa 312 biệt thự Pháp ra khỏi danh mục quản lý theo Nghị quyết 18 của HĐND thành phố? ĐB Nam cho rằng trả lời của UBND chưa đúng với nội dung chất vấn. UBND thành phố giải thích là do khối lượng công việc lớn, phức tạp nên chưa thể hoàn thành được. “Tôi cho rằng giải thích như vậy là chưa thỏa đáng vì sau 4 tháng thanh tra rồi mà vẫn chưa xong”, ông Nam nói. Cũng theo ĐB Nam, Thanh tra Nhà nước báo cáo là rất khó tiếp cận được các tài liệu liên quan đến các căn biệt thự này. Tuy nhiên, Hà Nội  có hẳn một đội ngũ cán bộ “hùng hậu” từ thành phố đến quận, phường và  Công ty TNHH nhà nước MTV Quản lý và Phát triển nhà làm công việc quản lý nhà thì phải có hồ sơ.

Một số ĐB cho hay, căn nhà là một bất động sản, không phải là tài sản có thể thay thế nhanh chóng được. Khi sửa chữa hay mua bán, cấp phép đều phải qua các cơ quan có thẩm quyền. ĐB Nam nêu nghi vấn về việc có hay không chuyện có tổ chức hay cá nhân nào đang tìm cách cản trở quá trình thanh tra và tình trạng biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đang có dấu hiệu bị hợp lý hóa thành nhà tư nhân. ĐB Nam chất vấn tiếp: “Khó khăn trong thanh tra là vì chưa được cơ quan chức năng cung cấp đủ hồ sơ. Vậy thành phố có giải pháp gì, trách nhiệm gì để yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ này. Bao giờ thành phố có báo cáo đầy đủ về việc này?”.

“Nếu vẫn thấy khó khăn thì phải thanh tra trách nhiệm công vụ của các cơ quan liên quan. Nếu cần thì phải chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ việc này. Hệ thống biệt thự Pháp tại Hà Nội là tài sản rất lớn phải được quản lý, theo dõi chặt chẽ chứ không thể nói là không nắm được”.

ĐB Nguyễn Hoài Nam

Trả lời ĐB Nguyễn Hoài Nam, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Liên quan đến Quyết định 7177 về quản lý biệt thự mà đại biểu có ý kiến tại kỳ họp trước, UBND thành phố đã giao Sở Tư pháp kiểm tra, xin ý kiến Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp đã có kết luận gửi UBND thành phố, theo đó UBND thành phố ban hành Quyết định 7177 là phù hợp thẩm quyền được giao.

Ông Khanh cho rằng, thanh tra, phân loại quỹ nhà biệt thự Pháp có khối lượng công việc lớn, khó khăn, phức tạp và lãnh đạo UBND thành phố đã 3 lần chủ trì họp về nội dung này. Về tổng thể, hồ sơ tương đối đầy đủ, tuy nhiên có những bộ hồ sơ tồn tại tới 70 năm qua. Trong thực tế quản lý nhà nước về hồ sơ đã có những sai sót, có yếu tố lịch sử để lại. “Tôi đã yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan chậm nhất ngày 15/12 phải có văn bản báo cáo chính thức với Thanh tra và UBND thành phố về thực trạng hồ sơ biệt thự Pháp. Trường hợp không có hồ sơ cũng phải báo cáo để thành phố quyết định”, ông Khanh khẳng định.

Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra

 Về những trường hợp sai sót, thiếu trách nhiệm trong quản lý biệt thự, ông Vũ Hồng Khanh cho hay, sẽ xem xét trách nhiệm của các đơn vị quản lý trong việc để xảy ra thất thoát hồ sơ. Thực tế việc phân loại, đánh giá biệt thự Pháp là việc không hề đơn giản, liên quan đến thẩm định về kiến trúc, văn hóa, tính nguyên bản… Tập thể UBND thành phố sẽ nghe báo cáo từng biệt thự, trường hợp khó khăn sẽ mời cơ quan tư vấn, Bộ Xây dựng cùng tham gia thẩm định.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho biết định hướng của HĐND thành phố là đeo bám đến cùng những nội dung chất vấn mà chưa được giải quyết. Quyết định 7177 về quản lý nhà biệt thự liên quan đến thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đến Nghị quyết HĐND mà UBND thành phố là cơ quan chấp hành. Liên quan đến danh mục 312 biệt thự, ông Nam khẳng định không thỏa mãn với trả lời của UBND thành phố và sẽ tiếp tục trao đổi với Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh. Cũng theo ông Nam, nếu trong quá trình triển khai rà soát, xử lý mà thấy rằng các biệt thự đó không còn đủ điều kiện quản lý theo tiêu chí mà UBND thành phố đã trình trước đây thì lẽ ra phải báo cáo lại với HĐND thành phố. Trên cơ sở đó, HĐND mới có quyền xem xét và đồng ý để UBND thành phố đưa các biệt thự đó ra khỏi danh mục chứ không thể “làm tắt” được.

Ông Nam cho rằng, bất hợp lý nằm ở chỗ: Chính UBND thành phố là người trình ra HĐND thành phố xem xét thông qua danh mục biệt thự trước đây, tức là UBND thành phố đã có hồ sơ. Đến khi chất vấn thì lại bảo mới đang đi tìm kiếm hồ sơ. Như vậy khi các ngành trình lên đã không có hồ sơ và UBND thành phố đã ký trên cơ sở nghe các ngành mà không kiểm tra hồ sơ! Liên quan đến thanh tra, dứt khoát đã thanh tra thì phải có thời hạn, xác định trách nhiệm. Theo quy định của Luật Thanh tra, việc thanh tra nhà biệt thự đã quá hạn. Được biết, HĐND thành phố đã giám sát tại Thanh tra thành phố và khó khăn vì các cơ quan chức năng, cụ thể là Công ty TNHH nhà nước MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng theo chức năng, thẩm quyền của mình chậm cung cấp hồ sơ cần thiết cho cơ quan thanh tra.  “Nếu vẫn thấy khó khăn thì phải thanh tra trách nhiệm công vụ của các cơ quan liên quan. Nếu cần thì phải chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ việc này. Hệ thống biệt thự Pháp tại Hà Nội là tài sản rất lớn phải được quản lý, theo dõi chặt chẽ chứ không thể nói là không nắm được”, ĐB Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

Trả lời chưa thỏa đáng

Theo ĐB Nguyễn Xuân Diên, vấn đề quản lý quỹ biệt thự được rất nhiều cử tri và đại biểu quan tâm nhưng phần trả lời của đại diện UBND TP vẫn chưa giải quyết thấu đáo những nội dung chất vấn của đại biểu, nhất là đối với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước. “Tôi cho rằng, phần trả lời chưa thật rõ, chưa thật thỏa đáng khi mà các đại biểu chất vấn về quản lý nhà biệt thự muốn nói tới công tác tham mưu của các cơ quan cho UBND TP. Ở đây, ông Phó Chủ tịch TP cũng đã trả lời nhưng để trả lời thấu đáo trách nhiệm cá nhân, đơn vị nào thì vẫn lại phải chờ thanh tra”, ông Diên nói.

Theo ĐB Diên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh không đưa ra được thời hạn thanh tra vì việc quản lý biệt thự hiện còn nhiều vấn đề, nhiều bất cập. Như việc kiểm đếm biệt thự, trước đây là do Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường sau đó là Sở Xây dựng rồi Công ty quản lý nhà, như vậy là chưa rõ đơn vị chính được giao trách nhiệm quản lý nhà biệt thự. “Theo tôi, việc bất cập trong quản lý nhà, trách nhiệm đầu tiên là của cơ quan tham mưu. Các đại biểu và HĐND TP mong muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Diên nhấn mạnh.

Tú Anh-Minh Tuấn

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.