Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 21

Lính quân khí sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Nguyễn Minh
Ảnh: Nguyễn Minh
TPO - Được Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội lần thứ 21 lựa chọn, đề nghị trao giải cao, hai sáng kiến của Thiếu tá Lê Anh Tuấn và Đại uý Khuất Duy Biên là minh chứng tiêu biểu về sức sáng tạo của những người trẻ ở Tổng cục Kỹ thuật.

Cải tiến thiết bị quân sự

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Lê Anh Tuấn được phân công về công tác tại Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (KTCGQS) - nơi anh được truyền cảm hứng đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác kỹ thuật trong quân đội. Bởi, Viện KTCGQS là cơ quan có chức năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo đảm kỹ thuật, thiết kế chế tạo mới, phục hồi, cải tiến, hiện đại hoá phương tiện cơ giới và thiết bị động lực dùng trong quân sự.

Nói về sáng kiến “Ứng dụng nguyên lý Peltier trong chế tạo tủ bảo quản khí tài quang học chuyên ngành biên phòng” được hội đồng giải thưởng đề nghị trao giải Nhất, Thiếu tá Tuấn kể: Sáng kiến này của anh được hình thành giai đoạn từ những năm 2013-2015. Thời điểm đó, Viện KTCGQS phối hợp với Cục Kỹ thuật Bộ đội Biên phòng đánh giá về các loại thiết bị Peltier có ưu điểm trong việc hạ nhiệt độ và độ ẩm cho một không gian nhất định.

“Đến năm 2019, tôi đăng kí đề tài cấp Viện về nghiên cứu thiết kế chế tạo tủ bảo quản khí tài quang học chuyên ngành biên phòng, với tính toán thiết kế cân bằng độ ẩm và cân bằng nhiệt cho tủ bảo quản. Từ đó lựa chọn thiết bị Peltier phù hợp với loại tủ bảo quản dung tích 700 lít, đáp ứng nhu cầu bảo quản theo thiết bị khí tài chuyên ngành được biên chế của các đơn vị biên phòng”.

Lính quân khí sáng tạo ảnh 1

Thiếu tá Lê Anh Tuấn (bên phải) trao đổi với đồng đội về tính năng của tủ bảo quản khí tài quang học chuyên ngành biên phòng

Ngoài sáng kiến này, giai đoạn 2010-2020, Thiếu tá Tuấn còn chủ trì 8 đề tài, nhiệm vụ khoa học và sáng kiến cấp Viện. Đồng thời, anh trực tiếp chủ trì nhiều nhiệm vụ kỹ thuật khác phối hợp hợp tác với các đơn vị trong quân đội, tất cả các đề tài và sáng kiến của anh đều được áp dụng vào thực tế.

Năm 2019, anh Tuấn đồng chủ trì sáng kiến “Nghiên cứu, cải tiến lắp đặt hệ thống cung cấp nhiệt tự động bằng phương pháp đốt dầu cho dây chuyền nhuộm đen vũ khí trang bị kỹ thuật của trạm bảo dưỡng sửa chữa cấp chiến dịch, kho cấp chiến lược”, được triển khai tới các đơn vị bảo dưỡng sửa chữa quân khí (kho, xưởng) trong các đơn vị trong toàn quân. Sáng kiến này đã thay đổi hoàn thoàn phương thức cấp nhiệt cho dây chuyền nhuộm đen vũ khí trước đây bằng đầu đốt diesel, tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất, giảm nhân công, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Chia sẻ về đam mê khoa học của mình, Thiếu tá Tuấn nói: “Để chinh phục những đỉnh cao tri thức khoa học”, tôi cùng các đồng đội không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ, kịp thời cập nhật các nguồn thông tin khoa học công nghệ tiên tiến. Thời gian tới, tôi ấp ủ những dự định về ứng dụng cơ giới hóa trong bốc xếp, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị nổ tại trong các nhà kho đảm bảo an toàn, khoa học”.

Tự hoàn thiện bản thân

Theo đuổi ước mơ vào quân đội từ nhỏ, sau 3 năm "văn ôn, võ luyện" tại trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự, chàng sĩ quan kỹ thuật Khuất Duy Biên về công tác tại Kho K854 thuộc Cục Quân khí. Với nhiệt huyết một sĩ quan trẻ, anh luôn khát khao tìm tòi, suy nghĩ về việc làm sao có thể nâng cao năng suất, chất lượng công việc, đặc biệt là anh rất quan tâm đến môi trường làm việc của người lao động trực tiếp nơi đây.

Về trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí làm giảng viên từ cuối năm 2017, đầu năm 2019, anh nảy ra ý tưởng “Thiết kế, chế tạo thiết bị thu hồi bụi sơn dùng trong sửa chữa nhỏ đạn dược”. Nghiên cứu này, nhằm giải quyết triệt để lượng bụi sơn dư thừa bay ra trong quá trình phun sơn cho đạn, làm giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời khắc phục tình trạng ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết.

Sau gần một năm nghiên cứu và thử nghiệm, thiết bị đã thành công, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập, thực hành của học viên. Thiết bị có thể cơ động đến các vị trí thực hiện phun sơn và cất giữ bảo quản một cách thuận tiện.

Lính quân khí sáng tạo ảnh 2

Đại uý Khuất Duy Biên tìm tài liệu nghiên cứu khoa học trên internet

“Trước khi thử nghiệm sản phẩm thật, tôi đã xây dựng các mô hình 3D để đánh giá tổng quan, dự kiến các tình huống xảy ra và cũng tranh thủ xin ý kiến phản biện của những người đi trước. Sau khi xây dựng mô hình 3D tối ưu, tôi đưa vào hoàn thiện mô hình thực tế sản phẩm. Khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu chính là thời gian, vì nhiệm vụ chính của tôi là giảng dạy”, Đại uý Biên chia sẻ về sáng kiến được đề nghị trao giải Nhì của mình.

Trước đó, trong quá trình công tác tại Kho K854, anh đã có sáng kiến “Thiết kế, chế tạo buồng phun sơn di động phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa đạn” được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn., giúp cải thiện môi trường làm việc, bảo vệ sức khỏe người lao động và nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Sáng kiến đã đạt giải Nhì Giải thưởng TTST Tổng cục Kỹ thuật năm 2014.

Luôn cầu thị và tự hoàn thiện bản thân, hiện Đại uý Biên đang theo học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Cơ Kỹ thuật - Đạn dược tại Học viện Kỹ thuật Quân sự., nhằm trang bị cho mình nhiều nhất kiến thức có thể. “Công việc chuyên môn của tôi là giáo viên giảng dạy cho các đối tượng trình độ sơ cấp, trung cấp để sau khi ra trường học viên có thể đảm nhiệm trên cương vị là nhân viên kỹ thuật, thợ sửa chữa hay là thủ kho tại các đơn vị thuộc ngành kỹ thuật quân khí trong toàn quân”, anh Biên nói.

Năm 2020, tuổi trẻ Tổng cục Kỹ thuật có 101 công trình tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 21, trong đó, có 39 công trình được đề nghị trao giải (1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 13 giải Ba, 22 giải Khuyến khích). Các công trình đều được hình thành, xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí trang bị kỹ thuật, đổi mới quy trình công nghệ, tiết kiệm thời gian sản xuất, vật tư thay thế, nâng cao năng suất lao động…

MỚI - NÓNG