Lính nghe đọc sách trên đảo Vạn Hoa

Nhà văn Lê Hoài Nam (phải) và các sĩ quan Nhà Văn hóa Hải quân, những người từng nhiều lần ra đảo
Nhà văn Lê Hoài Nam (phải) và các sĩ quan Nhà Văn hóa Hải quân, những người từng nhiều lần ra đảo
TP - Lính đảo chú ý lắng nghe tiếng đọc sách với một thái độ thành kính, trang trọng. Họ bị cuốn hút vào số phận của các nhân vật. Có người khỏi được cả bệnh “ốm tư tưởng”.

> 'Đặc sản' Tết ở Sư đoàn 2

Vân Đồn hôm nay
Vân Đồn hôm nay.
 

Quần đảo ấy có tên là Cái Bầu. Đảo Vạn Hoa chỉ là một phần của quần đảo rộng lớn ấy. Cái Bầu nằm trên vịnh Bái Tử Long. Vạn Hoa là nơi chóp mũi của Cái Bầu, sát biên giới biển đông bắc. Vạn Hoa gồm một cụm đảo đá rất đẹp, có một hải cảng cổ và những ngôi biệt thự Pháp xây từ đầu thế kỷ làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức sang khai thác vùng than.

Những ngôi biệt thự đứng uy nghi dưới chân núi, soi mình xuống mép nước biển như khoe vẻ kiều diễm. Vạn Hoa đẹp, lại ở vị trí địa đầu Tổ quốc nên có hẳn một tiểu đoàn Hải quân canh giữ.

Tháng 2 năm 1979, tôi đang làm việc ở Trường Văn hóa Hải quân thì nhận quyết định chuyển lên Nhà Văn hóa - Cục Chính trị quân chủng. Người tiếp nhận tôi là ông Ngô Thế Lãng, chủ nhiệm Nhà Văn hóa. Ông cứ soi cặp kính vào mấy tờ báo và tạp chí mới đăng những truyện ngắn đầu tay của tôi (mà chẳng hiểu ông kiếm đâu ra) rồi bảo:

- Chúng tôi điều cậu về Nhà Văn hóa là để chuyên tâm viết văn viết báo, cậu thấy sao?

- Dạ, báo cáo thủ trưởng tôi đã sẵn sàng - tôi đáp.

- Tốt! - ông Lãng tỏ ra rất hài lòng về tinh thần nhận nhiệm vụ của tôi. - Thế thì ngay chiều nay cậu theo tàu quân trang ra đảo Vạn Hoa nhé. Hãy “cắm” ở ngoài đó lâu lâu thì mới có cái để mà viết.

Vậy là tôi chuẩn bị xuống tàu. Tàu nhổ neo từ quân cảng Hải Phòng lúc chập tối, trưa hôm sau thì ra tới đảo.

Dịp ấy, biên giới phía nam đã tạm im tiếng súng, nhưng biên giới phía bắc thì chiến sự đang rất nóng bỏng. Đảo Vạn Hoa nằm ở địa thế cách tầm đạn pháo của đối phương không bao xa. Đứng ở cầu cảng chúng tôi vẫn nhìn thấy những đụn khói đạn pháo quầng lên và những âm thanh lục bục phía Hà Lầm, Hà Cối. Tuy vậy, khi tôi bước vào một căn biệt thự cổ, nơi đặt làm trụ sở của ban chỉ huy tiểu đoàn thì vẫn thấy tràn ngập không khí Tết.

Mặc dù hôm ấy đã sắp sang Nguyên Tiêu nhưng bánh chưng, bánh mật, hoa quả vẫn đang còn bày biện trên bàn. Không có hoa đào, nhưng hoa phong lan thì rất nhiều. Phong lan bám trên thân cây, trên vách núi, bám cả vào những khung cửa sổ gỗ rêu phong trên bức tường phía sau ngôi biệt thự cổ. Chim họa mi ở đây rất nhiều, chúng không chỉ hót vào lúc sáng sớm như ta thường thấy mà cả ngày lẫn đêm.

Ban chỉ huy tiểu đoàn đã bố trí cho tôi ở trong ngôi biệt thự nhưng tôi đề nghị được xuống đại đội để được sống với lính. Vậy là tiểu đoàn trưởng đích thân chèo xuồng đưa tôi sang đại đội hải pháo 100 ly đóng trên một bán đảo nhỏ, với ba mặt sườn đồi mọc um tùm cỏ gianh, cao lút đầu người. Tôi và người tiểu đoàn trưởng cứ vén cỏ gianh mà đi. Đến được lán đại đội, tôi đưa tay lên xoa mặt thấy có máu thấm đỏ vì bị lá cỏ gianh cứa ngang dọc.

Nhà văn Lê Hoài Nam (phải) và các sĩ quan Nhà Văn hóa Hải quân, những người từng nhiều lần ra đảo
Nhà văn Lê Hoài Nam (phải) và các sĩ quan Nhà Văn hóa Hải quân, những người từng nhiều lần ra đảo.
 

Ba cỗ hải pháo to kềnh càng bố trí ở các vị trí khác nhau, nòng đều hướng ra biển. Bên cạnh hầm pháo là những chiếc lán thưng tường bằng phên nứa, mái lợp cỏ gianh. Lán của ban chỉ huy đại đội ở quãng giữa, phía trên gần đỉnh đồi. Tôi được bố trí ở căn lán này. Hàng ngày tôi thường cùng cán bộ đại đội xuống thăm anh em pháo thủ dưới các khẩu đội.

Tôi nhận thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu của anh em rất cao, đời sống vật chất cũng không đến nỗi quá thiếu thốn, nhưng đời sống tinh thần thì quả là quá nghèo nàn. Cả đại đội chỉ có một chiếc đài bán dẫn dùng để nghe chung. Cứ tối đến anh em thay nhau đến lán ban chỉ huy nghe chương trình thời sự, chương trình ca nhạc. Khi về khẩu đội thì chẳng có gì giải trí nữa.

Vậy rồi, anh em phát hiện ra trong ba lô của tôi có hai cuốn tiểu thuyết. Một cuốn có tên là Phục sinh, hai tập, của Lev Tolstoy. Cuốn kia có tên Một thời để yêu và một thời để chết của Remarque, một nhà văn nổi tiếng của Đức. Thế là họ đề nghị tôi cứ mỗi buổi tối sau giờ đọc báo, nghe đài, họp hành thì phải đọc cho họ nghe một vài chương tiểu thuyết. Tôi đem cuốn Phục sinh ra đọc. Thoạt tiên tôi chỉ đọc cho một ít người nghe. Đọc đến tối thứ hai, anh em từ các khẩu đội biết tin kéo đến rất đông.

Đại đội trưởng buộc phải chia đại đội làm hai ca. Một ca trực chiến, một ca nghe tôi đọc tiểu thuyết.

 

Đại đội trưởng buộc phải chia đại đội làm hai ca. Một ca trực chiến, một ca nghe tôi đọc tiểu thuyết. Sau một tiếng thì ca này đổi cho ca kia. Ngày ấy lính ở đại đội này hầu hết chỉ mới học hết cấp hai, một số ít học hết cấp ba. Nhưng khi tôi đọc tác phẩm Phục sinh thì tất cả đều chú ý lắng nghe với một thái độ thành kính, trang trọng. Họ bị cuốn hút vào số phận của các nhân vật.

Tôi đọc xong hai tập Phục sinh thì anh em đề nghị đọc tiếp cuốn còn lại. Cuốn này khi ấy đã dịch và xuất bản ở miền Bắc, lấy tên là Một thời để yêu và một thời để sống. Còn bản dịch đang có trong tay, tôi mua ở một hiệu sách cũ Sài Gòn, họ dịch tiêu đề là Một thời để yêu và một thời để chết. Anh đại đội trưởng đọc cái tiêu đề sách như thế có vẻ ái ngại, sợ rằng sách có nội dung xấu làm anh em bi quan, mất tinh thần chiến đấu.

Tôi nói với anh rằng, cuốn sách này đã dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, ở đâu cũng được bạn đọc yêu thích, mến mộ. Vẫn chưa chịu tin, anh thảo một bản cam đoan rồi bảo tôi ký vào “cho chắc ăn” rồi mới cho tôi đọc. Đúng như tôi dự đoán, cuốn này viết về chiến tranh nên rất được những người lính đảo quan tâm. Họ hồi hộp theo dõi cuộc tình đầy cảm động của anh lính chiến với cô bạn gái. Có người ngày nào cũng mong trời chóng tối để còn được nghe tôi đọc tiếp phần sau.

Ai có trà, thuốc lá đều mang đến mời tôi thưởng thức. Họ quý tôi ra mặt, cứ y như tôi là người viết ra tác phẩm tuyệt vời ấy. Khi đọc đến những trang cuối cuốn sách nói về cái chết đầy bi tráng của người lính, một thoáng nhìn xuống, tôi thấy mắt những người lính đảo long lanh ngấn nước.

Sáng hôm sau họ thịt một đôi gà tự nuôi, xuống bãi đá bắt thêm mớ ốc hương làm một bữa tiệc thịnh soạn. Họ gọi bữa đó là “tiệc ăn tết muộn chúc mừng nhà văn trẻ” (ngày ấy tôi mới 26 tuổi).

Tôi đọc xong hai cuốn tiểu thuyết rồi mở lịch ra xem, vậy là đã hơn một tháng tôi sống ở đại đội hải pháo. Tạm biệt bán đảo cỏ gianh, tôi trở về cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng.

Hà Nội, mùa đông 2011

Đọc sách khỏi “ốm tư tưởng”

Trong đại đội có một chiến sĩ tên là Bình, quê Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Bình học hết cấp ba hẳn hoi nhưng ra đảo được một tuần thì bắt đầu “ốm tư tưởng”. Bình bỏ cơm, ăn cháo đã hai tháng liền. Đại đội đặt cho Bình một biệt danh là Bình “cháo”. Đến phiên trực, Bình bước đi chệnh choạng ra hầm pháo một lát, kêu chóng mặt rồi quay về lán, trùm chăn nằm rên hừ hừ. Người Bình gầy đét lại, mặt xanh như tàu lá.

Đại đội đang chuẩn bị làm thủ tục gửi Bình về đơn vị thu dung trong đất liền để học tập và “cải tạo” tư tưởng. Buổi tối tôi đọc tiểu thuyết, Bình lẻn ra đứng nấp bên ngoài lán đại đội nghe trộm. Nghe trộm mấy tối, rồi chẳng hiểu Bình đã chui hẳn vào lán cùng ngồi nghe với mọi người từ lúc nào.

Gần mười năm sau, vào dịp áp tết, tôi ra cảng Chùa Vẽ tiễn chân một người bạn là thuyền trưởng. Con tàu của anh đang chuẩn bị chở một chuyến hàng tết ra các đảo ở vùng biển phía bắc. Tôi đang đứng bên cầu tàu bắt tay người bạn thì bỗng nghe có người gọi tên tôi. Tôi quay lại, thấy người vừa gọi tên mình đeo quân hàm thượng úy, vai vác một cây đào bích với những chiếc nụ đang e ấp chuẩn bị nở hoa. Tôi còn đang ngờ ngợ thì anh ta đã nói:

- Anh không nhận ra em à? Bình “cháo” đây mà! Sau khi anh về đất liền là em bỏ cháo ăn cơm, người khỏe lên rất nhanh. Từ đó em phấn đấu rất tích cực. Tập luyện môn nào cũng đạt thành tích cao, được phân công ngồi vị trí pháo thủ số một. Ba năm sau em được đơn vị gửi đi học sĩ quan. Học xong em trở lại đảo Vạn Hoa làm đại đội phó, rồi lên đại đội trưởng…

- Hôm nay Bình chuẩn bị về quê ăn tết hay sao? - tôi hỏi.

- Không, em đi tập huấn mới về thăm nhà rồi, bây giờ em đang chuẩn bị xuống tàu trở ra đảo đây - Bình giơ cây bích đào lên cho tôi ngắm, rồi nói tiếp - Cây đào này em mang ra cho anh em đón giao thừa đỡ nhớ nhà.

Thấy tôi cứ nhìn vào cái túi vuông vuông cõng sau lưng, Bình giải thích:

- Tác phẩm văn học em mang ra đảo. Em lên Hà Nội mua ở hàng sách vỉa hè đấy. Hàng vỉa hè mà chọn được toàn sách hay, giá rất rẻ. Có hơn trăm ngàn mà mua được rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn! Ở đất liền bây giờ em thấy người ta suy giảm tình yêu văn học, nhưng lính đảo bọn em thì vẫn thích.

Em nghiệm ra chẳng có thứ gì giúp con người ta yêu đời, yêu người, chống lại nỗi buồn tẻ, nhàm chán bằng văn học. Em bắt chước anh, thường hay đọc truyện cho lính nghe vào các buổi tối…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG