Rải tiền như mưa vì đam mê
Giải VĐQG thể dục nghệ thuật 2014 mới đây đã là năm thứ 8 liên tiếp, Linda Trương được gia đình đưa về nước dự tranh trong sự nể phục, cảm kích, xen lẫn kinh ngạc ngay từ giới chuyên môn. Đơn giản vì mỗi lần, gia đình đều phải tự lo toàn bộ chi phí di chuyển, ăn ở cho cô, chưa kể còn thêm bố hay mẹ theo cùng rồi có khi còn mời HLV sang luôn.
Tốn kém mấy trăm triệu đồng, ngang với một chuyến du đấu quốc tế, trong khi giải tại VN thực chất chỉ giống như một cuộc kiểm tra bình thường ở một trường học tại Ukraine - mảnh đất của thể dục nghệ thuật - nơi Linda Trương định cư với lèo tèo 13 VĐV tham dự, tính cạnh tranh và chất lượng cực thấp.
Thực tế, chỉ cần thể hiện như trong một buổi tập nhẹ nhàng, tuyển thủ Việt kiều này cũng đã vượt quá xa các đối thủ, theo kiểu lấy bao nhiêu HCV cũng được. Thậm chí, cô còn “tế nhị” bỏ qua từ 1 đến 2 trong số 5 nội dung để… nhường lại cho các bạn.
Nhiều người bảo, Linda Trương đang làm việc của một VĐV “hâm tỷ độ” vì chẳng có bất cứ thu hoạch gì, kể cả tính chất cọ xát thuần túy. Một số khác còn ác ý cho rằng đó chẳng qua là một lần về thăm quê, tiện thể đấu giải luôn.
Tuy nhiên, ai đã từng gặp cô và người nhà sẽ hiểu rõ, với việc bỏ ra mấy trăm triệu cho một giải phần nào đó “vô nghĩa”, cô không nhắm đến mục tiêu chuyên môn, thành tích mà gốc rễ sâu xa của nó là một tình yêu đặc biệt với quê hương, với thể dục nghệ thuật Việt Nam. Cả quá trình ròng rã 8 năm, tốn kém tới vài tỷ đã quá đủ chứng minh nhiều điều.
Nữ tuyển thủ “2 không”
Tình yêu đó của Linda Trương có gì đó đúng nghĩa vô điều kiện. Sau khi về nước dự giải lần đầu vào 2006, được sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình, cô “công chúa nhỏ” khi ấy mới 10 tuổi đã quyết định luôn đăng ký tham dự các giải đấu quốc tế với tư cách một đại diện của Việt Nam. Càng đáng nể hơn bởi Nhật Linh đã làm việc đó hoàn toàn tự nhiên không cần, mà chính xác hơn không có bất cứ đề nghị nào từ giới chức thể dục trong nước.
Đến nay, Linda Trương đã thi đấu ở 15 giải quốc tế, giành cả chục huy chương các loại với tư cách tuyển thủ quốc gia Việt Nam. Trong đó, riêng giải Hungary mở rộng 2012, cô đã đoạt tới 1 HCV, 3 HCB. Và đó là lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay, tên Việt Nam, được xướng lên trên đỉnh cao nhất tại một đấu trường thể dục nghệ thuật quốc tế. Nó càng trở nên vô cùng ý nghĩa bởi từ 2005, Việt Nam đã không cử ĐTQG tham gia giải nào, vì lực lượng quá mỏng yếu, kinh phí thiếu.
Trên danh nghĩa là ngôi sao thể dục nghệ thuật số 1, song Linda Trương lại là tuyển thủ duy nhất của TTVN không có quyết định, không được tập huấn và không nhận bất cứ một khoản lương thưởng nào.
Trong số những người đã giành huy chương quốc tế, chưa kể lại có vai trò và đóng góp độc đáo như thế, cũng chỉ mỗi cô chưa từng nhận được một tấm bằng khen nào của ngành thể thao. Thế nhưng, với Linda Trương và gia đình, điều đó chẳng có gì phải băn khoăn và câu nệ cả.
Muốn về Việt Nam làm HLV
Khẳng định mình sẽ còn trở lại dự tranh nhiều giải VĐQG nữa, cũng như tiếp tục đại diện cho VN tại các giải quốc tế, Linda Trương còn gây sốc cho làng thể dục Việt Nam và chính gia đình mình khi bày tỏ ý định muốn về nước để làm HLV.
Bố của cô, ông Trương Văn Hùng - một doanh nhân có tiếng trong cộng đồng người Việt tại Ukraine - cho biết đó là một suy nghĩ nghiêm túc mà cô con gái rượu đã nhiều lần đề cập, chứ không phải phát biểu bột phát nhất thời. Cả nhà cũng chưa biết tính toán như thế nào, bởi thực tâm đều muốn sau này Linda Trương theo nghề kinh doanh của bố, hay tiếp bước anh trai cả đang làm giảng viên trường Đại học Cambridge của Anh.
Linda Trương đang giữ sứ mệnh của “người Mohican cuối cùng” cho thể dục nghệ thuật Việt Nam trên các đấu trường quốc tế bằng một tình yêu vô điều kiện và đơn phương. Có nghĩa là, môn này hoàn toàn có thể đặt hy vọng chị sẽ trở thành một “cứu tinh” với một tư cách khác trong tương lai: một HLV.
Thông tin:
“Tranh thủ” học vẫn đỗ 3 trường Đại học
Đẳng cấp của tuyển thủ Linda Trương chắc chắn đã cao hơn rất nhiều nếu như cô không học quá… giỏi. Từ năm 5 tuổi, cô đã theo tập thể dục nghệ thuật tại Học viện chuyên ngành lừng danh của Odessa mà ở đó chương trình học văn hóa chỉ chiếm một tỷ lệ vừa đủ.
Gần như chỉ mang tính tranh thủ, song, cô lại học giỏi toàn diện. Năm 16 tuổi, Linda Trương đã thi đỗ vào tới ba trường Đại học gồm Đại học Tổng hợp Odessa (Ukraine)), Đại học Cornell, Học viện Điện ảnh New-York (Mỹ) và đều có học bổng.
Cuối cùng cô đã chọn học ngay tại Đại học Tổng hợp Odessa cho gần nhà, lại vẫn theo được thể dục nghệ thuật. Cũng chính vì phải song hành cả chương trình học Đại học lẫn tập luyện thi đấu nên sự ưu tiên tập trung cho thể thao của cô không còn được như cũ, ít nhiều bị ảnh hưởng.
Sao 9X lặng lẽ làm từ thiện
Kết thúc giải thể dục nghệ thuật VĐQG 2014, dù lịch trình gấp gáp để trở lại Ukraine ngay nhưng Linda Trương vẫn không quên thực hiện tâm nguyện của mình là lặng lẽ tìm đến trao tặng 10 triệu đồng cho Quỹ “Trái tim cho em” nhằm góp một phần nhỏ trong chiến dịch mổ tim bẩm sinh cho các em nhỏ. Số tiền này được trích ra từ khoản thưởng thành tích của cô. Kể từ 2006, việc làm từ thiện tại quê cha đất mẹ đã luôn là một nếp quen của cô. Linda Trương luôn có một khoản riêng “đúc lợn” để làm từ thiện mỗi khi về nước.
Vài nét về Linda Trương
Sinh 1996 tại TP Odessa (Ukraine), Linda Trương có bố mẹ đều là người Việt gốc Hà Nội sang định cư làm việc. Bố của cô đang là một chủ doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại đây. Tên Việt đầy đủ của cô là Trương Mai Nhật Linh. Linda Trương đã có 13 năm tập luyện thi đấu thể dục nghệ thuật, hiện là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Tổng hợp Odessa. Nói thành thạo tiếng Nga, tiếng Việt và tiếng Anh.