> Xem lại phát biểu của Bộ trưởng GTVT
Những đề xuất này không khỏi khiến dư luận băn khoăn, bất an. Bài toán giao thông gồm nhiều ẩn số, nên cần nhiều giải pháp đồng bộ với mục tiêu hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông vốn được xác định là “thảm họa”.
Biện pháp kinh tế cũng là một giải pháp được đặt ra như tăng thuế nhập khẩu, phí đăng kiểm, trước bạ và nhiều loại phí khác đang áp dụng hiện nay.
Người sở hữu ô tô, xe máy đang chịu gần chục loại thuế, phí và, từ 1-6 này sẽ thêm một loại phí nữa đánh vào đầu phương tiện là Phí Bảo trì đường bộ.
Do vậy, cũng dễ hiểu khi chủ sở hữu ô tô, xe máy chưa đồng tình với đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngoài mục tiêu hạn chế phương tiện thì hai loại phí mới còn giúp tạo nguồn thu để đầu tư hạ tầng giao thông.
Đóng phí để thêm nguồn thu đầu tư cho giao thông, cải thiện hạ tầng giao thông là mục đích tốt. Nhưng cũng như một gia đình, trong chi tiêu, mua sắm phải “liệu cơm gắp mắm”, tính toán từng đồng.
Năm nay tích cóp mua được chiếc tủ lạnh, ti vi thì năm sau mới dự định mua thêm chiếc xe máy cho con đi học đỡ vất vả.
Nếu Bộ GTVT suy nghĩ cho người dân, đặt mình vào hoàn cảnh từng gia đình thì sẽ cân nhắc hơn về thời điểm đề xuất các loại phí mới này.
Đó là chưa tính đến chuyện, nguyên tắc của phí và lệ phí là người dân đóng góp để được hưởng dịch vụ, còn trong trường hợp này, người dân đóng phí để hạn chế quyền đi lại của mình.
Lý giải rằng, người dân được hưởng lợi gián tiếp từ việc hạ tầng tốt hơn, đường sá thông thoáng hơn khi hạn chế phương tiện cá nhân, cũng khó thuyết phục.
Bởi nếu không giảm tải trong nội đô, những khu đô thị mới có quy mô dân số bằng cả một phường vẫn đang triển khai tại những quận nội thành Hà Nội, thì khó có khả năng thu phí sẽ giúp đường thông thoáng hơn.
Hệ thống xe bus thiếu kết nối, chất lượng dịch vụ thấp, có hành khách bị lái, phụ xe đánh chảy máu đầu thì người dân làm sao yên tâm đi xe bus. Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao còn là mơ ước xa.
Không có lựa chọn thay thế nên có đánh phí cao đến đâu người dân vẫn phải lưu hành bằng phương tiện cá nhân. Khi đó, mục đích việc thu phí không đạt được mà chỉ thêm gánh nặng chi phí cho mỗi gia đình.
Bởi thế Bộ GTVT cũng cần “liệu cơm gắp mắm”!