Liên tiếp tai nạn giao thông kinh hoàng: Cần có phiên giải trình trách nhiệm

TP - Chia sẻ với PV Tiền Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vừa qua cũng chẳng khác gì một vụ khủng bố quốc tế. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân có rất nhiều, nhưng công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông có vấn đề, thiếu đồng bộ, thiếu khoa học và trách nhiệm không rõ ràng.
Quản lý kiểu phong trào

Thống kê cho thấy, mỗi năm nước ta xảy ra hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Đặc biệt, với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, ông nghĩ sao về thực tế này?

Liên tiếp tai nạn giao thông kinh hoàng: Cần có phiên giải trình trách nhiệm ảnh 1 Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng 

Về con số, Quốc hội đã giao chỉ tiêu, hằng năm phải giảm cả ba tiêu chí, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương. Theo báo cáo của Chính phủ, ba tiêu chí này hằng năm có xu hướng giảm, nhưng trong quá trình thẩm tra, vẫn còn nhiều ý kiến nêu ra: Chúng ta vẫn chưa có cơ sở khoa học để xác định chính xác về con số thống kê. Ba tiêu chí có giảm nhưng mức độ giảm thế nào? Có ý kiến nói, Chính phủ phải sớm có tiêu chí để đưa ra con số thống kê chính xác, bởi thực tế số liệu giữa ngành y tế, giao thông và công an đưa ra còn khác nhau.

Mục tiêu cũng đề ra là giảm số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Tuy nhiên, vào tháng đầu năm này, lại xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người như vậy. Thậm chí, có những vụ mới nghe mà chúng ta cứ tưởng như vụ khủng bố xảy ra ở châu Âu chứ không phải tai nạn giao thông do hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo ông, nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này?

Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng theo tôi, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông có vấn đề, thiếu đồng bộ, thiếu khoa học và trách nhiệm không rõ ràng. Với những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, ai và cơ quan quản lý nhà nước nào phải đứng ra chịu trách nhiệm? 

Tất nhiên về mặt trách nhiệm hình sự thì nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn đó là lái xe. Những vụ tai nạn vừa qua tại Hải Dương có nguyên nhân là lái xe sử dụng chất ma túy. Vấn đề này không phải bây giờ mới nói đến, mà chúng ta đã nói nhiều năm nay rồi. Có những đợt thậm chí chúng ta làm rất ráo riết, nhưng rồi lại bỏ bẵng đi, chỉ làm theo phong trào. Quản lý trật tự an toàn giao thông hiện nay vẫn là phong trào, không căn cơ, bài bản. Cứ mỗi lần ra quân chiến dịch thì tình hình lại ổn định, nhưng cứ hết chiến dịch, tình hình lại phức tạp.

Các nước, quan chức từ chức ngay, còn chúng ta chỉ thăm hỏi

Nói về trách nhiệm quản lý nhà nước, rõ ràng ở chúng ta còn khác nhiều so với nhiều quốc gia, ông có thấy thực tế này?

Mặc dù luật pháp của chúng ta tương đối đầy đủ, nhưng chúng ta lại không xác định rõ trách nhiệm. Tất nhiên, trước yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội có những vấn đề phát sinh nhưng cũng không phải vấn đề mới, không phải không xử lý được, mà chính là do nội tại yếu kém trong quản lý nhà nước. Chúng ta cứ nói về trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nhưng bất cập ở chỗ, có phải xe của địa phương đó gây tai nạn đâu, mà do xe của địa phương khác đến gây tai nạn. Bây giờ bắt ông chủ tịch tỉnh đó chịu trách nhiệm thì có hợp lý không?

Liên tiếp tai nạn giao thông kinh hoàng: Cần có phiên giải trình trách nhiệm ảnh 2 Có những vụ tai nạn giao thông mà cứ như vụ khủng bố

Chính vì vậy, vấn đề cơ bản vẫn là quản lý nhà nước và xác định trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Ở các nước, khi xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, người đứng đầu ngành giao thông, hoặc người đứng đầu ngành nào đó phải từ chức. Còn chúng ta, đến thăm hỏi, rồi có chỉ đạo “xử lý nghiêm”, nhưng cuối cùng cũng chỉ xử lý được người gây tai nạn thôi, còn về trách nhiệm quản lý nhà nước thì không có.

Hay chuyện tham nhũng nói chung, chúng ta đều biết cả, nhưng “tham nhũng vặt” đối với lực lượng quản lý nhà nước về giao thông cũng góp phần làm cho trật tự an toàn giao thông ngày càng phức tạp. Chẳng hạn như tình trạng bến cóc, xe dù; lừa đảo ở Bến xe Giáp Bát, hay Mỹ Đình, tại sao lại không giải quyết được? Chúng ta bất lực à? Thực tế đã có nhiều quyết tâm, nhiều người có trách nhiệm của Hà Nội đứng lên giải quyết, nhưng cuối cùng lại đâu vào đấy. Vậy có vấn đề gì ở đây? Liệu có tình trạng bảo kê không?

Một vấn đề khác rất cần suy nghĩ là quá nhiều lực lượng làm nhiệm vụ ra đường. Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường… đều ra đường hết, mỗi anh có một chức năng nhiệm vụ khác nhau, nhưng lại có thể gây trùng lắp lên nhau. Có phải do chúng ta thiếu lực lượng không? Không phải. Có phải do chúng ta thiếu luật không? Cũng không phải. Chế tài của chúng ta có nhẹ không? Tôi nghĩ cũng không nhẹ, thậm chí còn liên tục sửa đổi theo hướng tăng nặng. Thế nhưng các vi phạm diễn ra ngày càng nhiều. Nên vấn đề cốt lõi nhất để giải quyết căn cơ phải là vấn đề về quản lý nhà nước. 

Cụ thể, theo ông vướng mắc nằm ở những khâu nào?

Trước tiên là việc quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn xe cơ giới. Hiện vẫn còn rất nhiều tiêu cực ở đó mà báo chí đã nêu ra hàng loạt vụ việc. Ma túy nói chung là chất gây nghiện và đang là một tệ nạn gây tác động rất lớn đến xã hội. Nhưng trong lĩnh vực vận tải thì liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người và những phương tiện này là nguồn nguy hiểm cao độ. Sử dụng ma túy trong lái xe, đặc biệt với lái xe khách, xe container thì mức độ càng trầm trọng hơn, như vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người chết vừa qua, có thể coi như một thảm họa.

Nguồn nguy hiểm cao độ này có trách nhiệm của nhà xe. Luật quy định rõ, đối với những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, nhà xe phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải đứng ra bồi thường, rồi sau đó yêu cầu lái xe bồi thường lại. Nhưng hiện nay chúng ta chưa đặt trách nhiệm đúng mức về người sử dụng lao động. Rồi với cơ chế cạnh tranh trong giao thông vận tải hiện nay, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lái xe không tuân thủ đúng quy định, mà cơ quan quản lý nhà nước lại không giám sát được.

Có thể tổ chức phiên giải trình

Với vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như ở Hải Dương vừa qua, ngoài trách nhiệm trực tiếp, nhiều ý kiến còn cho rằng, có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí có thể khởi kiện sau vụ việc này?

Vụ tai nạn này tôi không được tiếp cận hồ sơ đầy đủ, song mỗi vụ tai nạn xảy ra bao giờ cũng có những nguyên nhân cả trực tiếp và gián tiếp, rồi điều kiện không gian, thời gian, hạ tầng… Qua báo chí phản ánh, với dòng người đi ngược chiều với phương tiện, rõ ràng việc tổ chức giao thông như vậy là bất hợp lý. Còn về khởi kiện, cũng hoàn toàn có thể, nếu có nguyên nhân thuộc về cơ quan quản lý đường bộ. 

Để giảm được các tiêu chí một cách thực chất, đặc biệt hạn chế các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cần có sự rà soát tổng thể, từ hệ thống giao thông đường bộ, đến tình hình sức khỏe của nhà xe, đặc biệt tình trạng sử dụng chất ma túy của lái xe?

Rà soát hệ thống giao thông phải là việc làm thường xuyên và là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Với tình trạng sức khỏe của lái xe, điều này phải làm một cách thực chất, tránh hình thức như hiện nay. Nhiều khi do cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà, nhưng đôi khi lại bỏ đi các thủ tục quan trọng, dẫn tới không kiểm soát được tình hình.

Còn việc rà soát lái xe có sử dụng ma túy hay không cũng chỉ là tình thế, về lâu dài thì phải có giải pháp căn cơ. Tôi đã đề xuất Ủy ban Quốc phòng An ninh tới đây phải tổ chức một phiên giải trình. Và Quốc hội cũng phải vào cuộc, vì lâu nay, với nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhưng vẫn chưa thấy động thái gì từ phía Quốc hội cả. Ủy ban có thể tổ chức ngay phiên giải trình và đến năm 2020, Quốc hội có thể giám sát tối cao về việc này cho đồng bộ với việc sửa Luật Giao thông đường bộ.

Cảm ơn ông.

 “Ở các nước, khi xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, người đứng đầu ngành giao thông, hoặc người đứng đầu ngành nào đó phải từ chức. Còn chúng ta, đến thăm hỏi, rồi có chỉ đạo “xử lý nghiêm”, nhưng cuối cùng cũng chỉ xử lý được người gây tai nạn thôi, còn về trách nhiệm quản lý nhà nước thì không có”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban An ninh Quốc phòng

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.