Liên tiếp ngộ độc ở Quảng Nam: Cảnh báo không chỉ món cá chép chua

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau những vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam), ngành chức năng phát đi thông báo khẩn, yêu cầu người dân trên địa bàn không sử dụng thực phẩm cá chép ủ chua, đồng thời khuyến cáo cần thay đổi hành vi, thói quen ăn uống.

Món truyền thống

Hai vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp do ăn cá ủ chua làm 1 người tử vong, nhiều người nguy kịch đang cấp cứu khiến người dân vùng cao Quảng Nam sửng sốt. Họ không nghĩ rằng món ăn truyền thống bao đời nay lại thành món ăn gây độc đến chết người.

Ông Hồ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Phước Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) chia sẻ, những ngày này người dân địa phương rất hoang mang khi biết thông tin có người tử vong do ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua. Bởi đây là món ăn truyền thống lâu đời, quen thuộc trong những bữa ăn của đồng bào Giẻ Triêng.

Liên tiếp ngộ độc ở Quảng Nam: Cảnh báo không chỉ món cá chép chua ảnh 1

Những món ăn truyền thống của đồng bào thiểu số được bày biện trong các lễ hội (ảnh: Đăng Nguyên).

Món cá ủ chua được người dân chế biến bằng các nguyên liệu cá tươi sống, muối và cơm nguội. Cá sau khi làm sạch, cắt khúc hoặc để nguyên con, sau đó ủ với muối và cơm nguội, rồi đựng vào hũ ủ khoảng một tuần thì đem ra sử dụng. Tùy sở thích, có người đem cá ủ chua nấu, chưng lên, hoặc chỉ nêm thêm gia vị để ăn liền.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, phòng ngừa vụ ngộ độc tương tự, UBND huyện Phước Sơn phát đi thông báo khẩn cấp, yêu cầu người dân trên địa bàn huyện không sử dụng thực phẩm cá chép ủ chua, đồng thời khuyến cáo cần thay đổi hành vi, thói quen ăn uống.

Trước kia người dân tự đi bắt những con cá tươi dưới sông suối để về làm, có thể là cá niêng, cá bống, cá chép hay rô phi. Tuy nhiên, cá suối nay dần hiếm nên nhiều người dùng cá mua ở chợ để về chế biến. “Từ trước tới giờ chưa từng xảy ra việc ngộ độc do ăn cá chua. Bản thân tôi cũng ăn món này từ bé đến giờ. Nghe tin có người ngộ độc do ăn cá chua người dân ai cũng bàng hoàng. Khả năng do nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo”, ông Điền nói.

Với người dân tộc Ve, Tà Riềng (một nhánh của Giẻ Triêng) sinh sống ở huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam thì món cá chua thường được nấu chín trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Chị Zơ râm Thị Tý, dân tộc Ve ở xã Đăc Pre, huyện Nam Giang, nói rằng mình biết ăn món này từ bé. Tuy nhiên, người dân khi chế biến món ăn này thường làm sạch cá, lấy ruột rồi trộn với muối và thính (bột bắp) sau đó ủ khoảng 3 ngày. Trước kia, cá sau khi trộn muối và thính sẽ được ủ trong ống tre, nhưng nay nhiều người thường đựng trong lọ, hũ kín để lên men. Khi ăn, người ta thêm chút gia vị như tiêu rừng, lá rang rây rồi nấu chín lên. Món ăn đặc sản này chỉ được chế biến từ cá niêng hoặc cá suối chứ tuyệt nhiên không chế biến bằng cá đồng như một số nơi khác. Cá niêng ủ chua nay thành đặc sản, nhiều người dân đi bắt về được nhiều sẽ ủ để bán với giá 250 ngàn đồng/kg.

Anh A Lăng Ngước (người Cơ Tu, ở huyện Đông Giang, Quảng Nam) chia sẻ, cũng với cách làm trên nhưng người Cơ Tu muối cá chua bằng bột sắn và muối rồi đựng trong ống nứa khiến cá có mùi vị thơm ngon, có vị chua ngọt của cá xen vị bùi của sắn. “Đây là món ăn truyền thống bao đời của đồng bào miền núi, thường dùng trong các bữa ăn gia đình, tiệc tùng cộng đồng. Ngộ độc xảy ra có thể do người dân chế biến sơ sài, chưa đảm bảo vệ sinh hoặc do ăn sống. Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để người dân không hoang mang”, anh Ngước bày tỏ.

Tuyên truyền thay đổi thói quen ăn uống của người dân

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Xơ Đăng, Gié - Triêng, Co… Ẩm thực truyền thống của đồng bào rất phong phú, nhất là các dịp lễ tết, người dân sẽ chuẩn bị các món “đặc sản” truyền thống dọn đãi khách. Các món ăn thường được chế biến từ cá, thịt, rau rừng...

Trong đó, tương tự món cá chua, người dân chế biến món ăn ủ chua từ thịt heo, da trâu, da heo hoặc da bò. Những món ăn này khiến người ăn có cảm giác lạ miệng, đỡ ngán. Những dịp lễ hội, tết người dân thường tự tay đi bắt cá suối, vào rừng bắt sóc, chuột núi hay heo rừng để chế biến các món ăn đặc trưng của đồng bào.

“Địa phương liên tục tuyên truyền với người dân trong các cuộc họp thôn, ngày hội đại đoàn kết thì chính quyền đều tuyên truyền vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thức ăn được làm từ những thực phẩm không đảm bảo, không rõ nguồn gốc”, Chủ tịch UBND xã Phước Đức cho hay.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, cùng với việc phối hợp để nỗ lực điều trị các bệnh nhân ngộ độc, sở này đề nghị các địa phương vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

MỚI - NÓNG