Liên minh quân sự do Nga dẫn đầu sẽ đối phó biểu tình ở Kazakhstan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên minh quân sự do Nga dẫn dắt cho biết sẽ cử lực lượng gìn giữ hoà bình đến “ổn định” tình hình ở Kazakhstan trong bối cảnh đợt biểu tình quy mô lớn đang đẩy quốc gia từng là thành viên Liên Xô cũ vào khủng hoảng.
Liên minh quân sự do Nga dẫn đầu sẽ đối phó biểu tình ở Kazakhstan ảnh 1

Lực lượng vũ trang Kazakhstan được điều động trấn áp biểu tình. (Ảnh: DW)

Lâu nay vẫn được coi là một trong những nước ổn định nhất trong nhóm các quốc gia từng là thành viên Liên bang Xô viết ở Trung Á, quốc gia nhiều dầu mỏ Kazakhstan nay đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong mấy thập kỷ khi những người biểu tình bất mãn với giá nhiên liệu tăng cao đã xông vào trụ sở chính quyền.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nói trong bài phát biểu trước cả nước vào sáng sớm 6/1 rằng ông đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), bao gồm 5 nước là thành viên Liên Xô cũ, vào cuộc để xử lý “những tổ chức khủng bố” đã “tiếp nhận huấn luyện từ nước ngoài”.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan - Chủ tịch CSTO – viết trên Facebook rằng liên minh sẽ gửi “lực lượng gìn giữ hoà bình tập thể đến trong một thời gian để ổn định và đưa tình hình trở lại bình thường”, đồng thời cho rằng những rối loạn hiện nay là do “can thiệp từ bên ngoài”.

Ông Tokayev nói rằng “những kẻ khủng bố” đang chiếm đóng các toà nhà công quyền, hạ tầng và “những cơ sở đặt một số lượng vũ khí nhỏ”.

Ông cho biết đã điều 5 máy bay đến Almaty - thành phố lớn nhất của Kazakhstan, trong khi không quân Kazakhstan đang tham gia vào “một trận chiến ngoan cường” gần thành phố này.

“Tôi định hành động cứng rắn nhất có thể. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn đen tối này trong lịch sử Kazakhstan”, ông Tokayev tuyên bố.

Những video được đưa lên mạng xã hội cho thấy người biểu tình giành được vũ khí, trong khi đường phố hầu như trống trơn thỉnh thoảng vang lên tiếng súng nổ sau khi chính quyền thông báo sẽ bắt đầu chiến dịch “chống khủng bố”.

Biểu tình nổ ra khi dư luận ở quốc gia 19 triệu dân nổi giận trước việc giá nhiên liệu dùng cho xe cộ tăng cao. Hàng ngàn người đã kéo xuống đường phố Almaty và tỉnh Mangystau ở miền tây vì cho rằng việc tăng giá là không công bằng, vì nước này có nguồn dự trữ dầu khí khổng lồ.

Sau một đêm biểu tình khiến hơn 200 người bị bắt, vài ngàn người biểu tình đã kéo vào văn phòng thị trưởng ở Almaty vào chiều 5/1 và có vẻ đã chiếm được quyền kiểm soát toà nhà.

Cảnh sát ném lựu đạn khói và hơi cay để đối phó với đám đông, nhưng không thể ngăn họ xông vào toà nhà.

Báo chí địa phương nói rằng người biểu tình đã để mắt đến khu dinh thự tổng thống ở Almaty.

Báo chí địa phương cho biết ít nhất 8 cảnh sát và binh lính đã thiệt mạng trong đợt bất ổn.

Chính quyền đã ngắt internet trên cả nước, chặn dịch vụ nhắn tin trực tuyến và sóng di động để ngăn biểu tình lan rộng.

Làn sóng lần này là mối đe doạ lớn nhất đối với chính quyền do cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev sáng lập. Ông Nazarbayev đã thôi lãnh đạo từ năm 2019 và chọn ông Tokayev làm người kế nhiệm.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.