Liên kết trồng sâm quý dưới tán rừng già, lâm dân thu bạc tỷ

0:00 / 0:00
0:00
Sâm Ngọc Linh được xem như quốc bảo Việt Nam thời gian qua và đang được nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kon Tum tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đánh thức tiềm năng sâm Ngọc Linh Việt Nam

Hiện nay, giá bán sâm Ngọc Linh từ 100 - 200 triệu đồng/kg, sâm càng lớn tuổi giá trị càng lớn. Chính vì vậy, tại Kon Tum, một số doanh nghiệp đã hợp tác, liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để trồng sâm Ngọc Linh.

Do đặc điểm cây sâm Ngọc Linh chỉ sống dưới tán rừng già, nơi có độ che phủ rừng trên 80%, nhiệt độ dưới 25 độ C, nên việc doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân trồng sâm đang mang lại lợi ích kép, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa góp phần bảo vệ rừng.

Liên kết trồng sâm quý dưới tán rừng già, lâm dân thu bạc tỷ ảnh 1

Sâm Ngọc Linh chỉ phát triển tốt dưới tán rừng nguyên sinh. Ảnh: T.L

Đánh giá về tiềm năng phát triển cây sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Tuấn Vũ – Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam cho biết: “Tôi đã đi thăm và khảo sát nhiều vùng trồng sâm của đất nước Hàn Quốc; cũng như tôi đã từng hỏi một số chuyên gia Hàn Quốc về cây sâm. Họ nói với tôi rằng, cây sâm Ngọc Linh của Việt Nam ở trên đầu, còn cây sâm Hàn Quốc thì chỉ tới… chân thôi. Giới chuyên gia về sâm cũng đã xếp sâm Ngọc Linh là một trong 5 cây sâm quý nhất trên thế giới”.

Do tính đặc hữu và giá trị kinh tế to lớn, hiện nay tỉnh Kon Tum đã xác định sâm Ngọc Linh là cây chiến lược trong phát triển kinh tế, là một trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh cần được đầu tư phát triển. Vì vậy, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum là một vấn đề cấp thiết gắn với mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

Theo thống kê sơ bộ, hiện các doanh nghiệp, người dân đã phát triển khoảng trên 600ha sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, tập trung chủ yếu ở 6 xã của huyện Tu Mơ Rông (Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng), 3 xã của huyện Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp).

Ngoài các doanh nghiệp, ước tính toàn tỉnh Kon Tum hiện có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất trồng sâm Ngọc Linh. Trong đó, nhiều diện tích sâm đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập tiền tỷ cho người trồng.

Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh tại Kon Tum hiện còn hạn chế, chưa hình thành và kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá thành còn cao…

Mặc dù sở hữu giống sâm quý, được ví là quốc bảo của Việt Nam, nhưng để xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam, biến cây sâm thành sản phẩm hàng hoá, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như đưa tên tuổi giống sâm quý này ra thế giới, rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Liên kết trồng sâm quý

Liên kết trồng sâm quý dưới tán rừng già, lâm dân thu bạc tỷ ảnh 2

Sâm được ông Tú nghiên cứu.

Trước tiềm năng kinh tế lớn từ cây sâm Ngọc Linh, thời gian qua tỉnh Kon Tum đã tạo nhiều điều kiện đẩy mạnh phát triển các HTX, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh cũng như các loại dược liệu khác.

Tại hội nghị họp bàn giải pháp củng cố, phát triển cây sâm Ngọc Linh và dược liệu khác, tổ chức ngày 16/12, Sở Nông nghiệp và PTNT Kon Tum cho biết, năm 2022, tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh (huyện Đăk Glei 10ha; huyện Tu Mơ Rông 490 ha); các cây dược liệu khác trồng mới 2.000 ha.

Hiện, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty cổ phần Vingin, Công ty TNHH Lâm nghiệp Đăk Tô có vườn ươm giống sâm quy mô lớn. Còn lại, các HTX chủ yếu tham gia trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, quy mô nhỏ do thiếu vốn; một số đơn vị trồng và chế biến theo hình thức thu mua sản phẩm của người dân, do vậy thị trường không ổn định và giá cả bấp bênh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Vũ – Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam, từ năm 2019 công ty đã liên kết, hợp tác đầu tư và phát triển vườn sâm Ngọc Linh với một số tổ chức, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum.

Liên kết trồng sâm quý dưới tán rừng già, lâm dân thu bạc tỷ ảnh 3

Ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư sâm Việt Nam tại một trong những vườn sâm do doanh nghiệp đầu tư và phát triển tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, phía doanh nghiệp cam kết bỏ vốn, chi phí giống, chi phí chăm sóc, bảo vệ vườn cây; các hộ nông dân bỏ công chăm sóc, theo dõi và bảo vệ vườn cây. Toàn bộ thành phẩm thu hoạch được, doanh nghiệp sẽ bao tiêu.

Ông Nguyễn Tuấn Vũ cho biết: Từ khi biết về cây sâm quý Ngọc Linh Việt Nam và được coi như quốc bảo, tôi đã linh cảm cuộc đời còn lại của mình sẽ gắn bó với loại cây này.

“Tôi đã bán nhà ở TP.HCM, đổ vốn rất nhiều để thành lập doanh nghiệp chuyên về đầu tư, phát triển cây sâm nói riêng và một số loại cây thảo dược khác ngay tại tỉnh Kon Tum – thủ phủ của cây sâm quý” – ông Vũ chia sẻ.

Năm 2019, Công ty cổ phần dược liệu Núi Ngọk (tiền thân của Công ty cổ phần đầu tư sâm Việt Nam) đã ký hợp đồng hợp tác thuê đất với 1 công ty tại Tu Mơ Rông để đầu tư trồng cây dược liệu trên diện tích 3ha, tại làng Moza, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, với thời hạn 20 năm. Hiện hợp đồng trên vẫn đang có hiệu lực, việc hợp tác đầu tư diễn ra bình thường.

Liên kết trồng sâm quý dưới tán rừng già, lâm dân thu bạc tỷ ảnh 4

Chính thế mà rừng ở huyện Tu Mơ Rông luôn được được người dân bảo vệ, gìn giữ cẩn thận. Ảnh: T.L

Từ năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần đầu tư sâm Việt Nam ký hợp đồng liên kết đầu tư, phát triển vườn sâm với 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số người Xơ Đăng, nhằm đầu tư và phát triển các vườn sâm ở xã Ngọc Lây, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).

Hiện nay, những vườn sâm do Công ty cổ phần sâm Việt Nam liên kết với các hộ dân đang phát triển rất tốt. Các vườn sâm được dựng hàng rào bảo vệ, đầu tư giống, được chăm sóc kỹ càng…

Nỗ lực phát triển cây sâm thành loại cây hàng hóa, phổ biến cho người dân cùng tham gia đầu tư, phát triển, vừa như một phương cách tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói – giảm nghèo, vừa góp phần bảo vệ rừng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và được chính quyền địa phương khuyến khích đầu tư, đối với cây sâm Ngọc Linh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.