Liên Hợp Quốc dự kiến tài trợ 40 triệu USD cho dự án Chuyển đổi ĐBSCL

TPO - Mục đích của dự án Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhân rộng chuyển đổi sinh kế của nông hộ nhỏ sang những mô hình chống chịu khí hậu và tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị dựa vào lũ…

Dự án Chuyển đổi ĐBSCL là một phần của Chương trình tổng thể vùng Đồng bằng sông Mekong cho Việt Nam và Campuchia. Quỹ Khí hậu xanh (CGF) của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tài trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện xây dựng dự án.

Liên Hợp Quốc dự kiến tài trợ 40 triệu USD cho dự án Chuyển đổi ĐBSCL ảnh 1

Hội thảo tham vấn xây dựng dự án Chuyển đổi ĐBSCL. Ảnh: CK

Thông tin trên được nêu ra tại hội thảo tham vấn "Xây dựng dự án Chuyển đổi ĐBSCL, vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu xanh” diễn ra tại Đồng Tháp ngày 26/3.

Mục tiêu của dự án Chuyển đổi ĐBSCL là nhân rộng chuyển đổi sinh kế của nông hộ nhỏ sang những mô hình chống chịu khí hậu và tăng cường sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị dựa vào lũ ở các khu vực được chọn. Tại Việt Nam, dự án tập trung vào các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL, cụ thể là ở các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.  

Bà Anjali Acharya - Chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới cho biết dự án có 3 hợp phần. Hợp phần 1 là hỗ trợ thực hiện chính sách liên quan đến Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hợp phần 2 là cung cấp nguồn tài chính cho các nghiên cứu khả thi và các phân tích khác để chuẩn bị các dự án liên tỉnh cũng như cho cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ để nông hộ/cộng đồng có thể chuyển đổi hiệu quả sang sinh kế chống chịu khí hậu tốt hơn. Hợp phần 3 là sẽ hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.

Trong đó, hợp phần 1 được chia ra làm 4 tiểu hợp phần gồm: hỗ trợ điều phối liên tỉnh và cấp vùng; hỗ trợ cơ chế tài chính cho vùng ĐBSCL; cải thiện môi trường, tạo điều kiện cho tư nhân và doanh nghiệp tham gia cấp vốn; tăng cường dịch vụ cung cấp thông tin khí hậu và phối hợp xuyên biên giới trong vùng Đồng bằng sông Mekong.

Còn hợp phần 2 sẽ có 3 tiểu hợp phần gồm: đầu tư nguồn vốn tự nhiên ở Đồng Tháp Mười; đảm bảo bền vững lâu dài ở Tứ giác Long Xuyên; thí điểm đổi mới trong quản lý sạt lở bờ sông.

Liên Hợp Quốc dự kiến tài trợ 40 triệu USD cho dự án Chuyển đổi ĐBSCL ảnh 2 Lũ tại Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đầu nguồn ĐBSCL. Ảnh: CK

Dự án Chuyển đổi ĐBSCL là một phần của Chương trình đa quốc gia bao gồm Việt Nam và Campuchia nhằm tăng cường cách tiếp cận tổng hợp về không gian trên khắp vùng Đồng bằng sông Mekong ở hai quốc gia này để tăng khả năng chống chịu khí hậu, xác định khoản đầu tư đổi mới cho những giải pháp dựa vào tự nhiên, góp phần vào sự chuyển đổi mô hình trong phát triển thích ứng với rủi ro khí hậu.

Dự án cũng góp phần quy hoạch dài hạn, điều phối thể chế và các nỗ lực tài chính bền vững ở Việt Nam và Campuchia. Cách thức tiếp cận là tiếp cận theo chuỗi dự án, trong đó, dự án ở Việt Nam được chuẩn bị trước.

Theo ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Tháp, đối với hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước nông thôn và điện, nên đầu tư vào các dự án hỗ trợ nâng cấp đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng chống chịu biến đổi khí hậu, các dự án phát triển năng lượng tái tạo…

MỚI - NÓNG