Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng: “Hơn lúc nào hết, vấn đề đạo đức đang được đặt ra cho tất cả các dân tộc.
Vấn đề đạo đức hôm nay không còn bó hẹp trong phạm vi một nền văn hóa, một bộ phận xã hội theo quan niệm của đạo đức và luân lý truyền thống mà được đặt ra trong mối quan hệ phức hợp của muôn vàn mối quan hệ giữa các nhóm cộng đồng, giữa các quốc gia, giữa các hình thái hoạt động của con người và giữa con người với thiên nhiên. Nó liên quan đến nhận thức, hành vi ứng xử và các quyền lợi của các bộ phận, các sắc tộc, các tôn giáo và các quốc gia có sắc thái văn hoá vốn khác nhau trên thế giới. Nhân loại hôm nay hơn bao giờ hết cần quan tâm hơn đến một “nền đạo đức” được đặt trong mối quan hệ tổng hoà để có thái độ ứng xử tích cực và phù hợp.
Đạo đức toàn cầu chính là kim chỉ nam, là chiếc chìa khoá giúp các quốc gia hướng đến mục tiêu bảo vệ hòa bình thế giới và phát triển bền vững.”
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp đoàn đại biểu LH các Hội UNESCO Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu hội nghị.
Cũng đồng quan điểm với ông Thắng, Ông George On. Christophides, Chủ tịch Danh dự Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới cũng bày tỏ: Trước tình hình mới và hoàn cảnh mới, chúng ta có thể chung tay góp sức với lòng quyết tâm và nhận thức rằng, nếu không chung sức trên tinh thần thiện chí, chúng ta sẽ không thể đạt được hoàn bình và an ninh bền vững trong một xã hội toàn cầu hóa. Như vậy, không có nghĩa chúng ra gạt sang một bên vấn đề bản sắc dân tộc ở những khía cạnh lên quan đến cuộc sống hàng ngày, tín ngưỡng hay tôn giáo. Tuy nhiên, cần phải thiết lập một nền tảng cơ bản tối thiểu để mọi người có thể kề vai sát cánh bất kể mọi khác biệt và vấn đề nhạy cảm về văn hóa, dân tộc và tôn giáo, từ đó hoạt động vì nền hòa bình và an ninh thế giới.
Trong tham luận của mình, bà Nam Hee Kim, Chủ tịch tổ chức Phụ nữ Thế giới vì Hòa Bình (IWPG) lại nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ. Bà Kim cho rằng người phụ nữ, người mẹ cần chung vai gánh vác sứ mệnh chấm dứt nỗi đau chiến tranh và để lại di sản hòa bình cho thế hệ tương lai. Ngừng chiến tranh và mang đến cho trẻ thơ một thế giới an toàn hạnh phúc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đó là lý do chúng ta rất cần có các công cụ quốc tế đắc lực để làm chậm lại các xung đột vũ trang. Đó không phải các hiệp ước mà là sự nhận thức trên toàn thế giới vì các lý tưởng hòa bình.
Ban điều hành Hội nghị
Trong khuôn khổ hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã có buổi gặp gỡ thân mật các thành viên quốc tế đến tham dự hội nghị và lãnh đạo Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tại Phủ Chủ tịch.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Phó chủ tịch nước vui mừng và đánh giá cao nội dung của hội nghị, đồng thời bà cũng khẳng định Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là một tổ chức quan trọng, là cánh tay nối dài của Nhà nước, thông qua các hoạt động trong nước và quốc tế đã thể hiện trách nhiệm và đóng góp của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đối với phong trào UNESCO phi chính phủ trên thế giới, đóng góp vào công tác ngoại giao nhân dân và ngoại giao văn hóa của Nhà nước.