Lênh đênh trên làng chài di sản

Những xóm chài xôm tụ, quây quần trên những chiếc thuyền cũ nát, họ sống thu mình đơn sơ, giản dị bên sự náo nhiệt, hối hả của phồn hoa phố thị
Những xóm chài xôm tụ, quây quần trên những chiếc thuyền cũ nát, họ sống thu mình đơn sơ, giản dị bên sự náo nhiệt, hối hả của phồn hoa phố thị
TP - Nay đây mai đó, từ bao đời ngư dân các làng chài trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) xem Tết Nguyên Đán là Tết duy nhất trong năm. Đối với họ, Tết là lúc được thảnh thơi, là lúc được gác mái chèo, dừng tay lưới để nhìn lại 1 năm sóng gió, lênh đênh đời du thủy.  

“Tết 0 đồng”

Nằm bên bờ vịnh Hạ Long, những xóm chài xôm tụ, quây quần trên những chiếc thuyền cũ nát, họ sống thu mình đơn sơ, giản dị bên sự náo nhiệt, hối hả của phồn hoa phố thị. Trên mỗi chiếc thuyền cũ nát ấy, ít ai biết trong đó đang chứa đựng cả một “bảo tàng” văn hóa về làng chài cổ giữa vùng di sản.

Từ sáng sớm, như đã hẹn, tôi cùng một người bạn tay xách nách mang nào quần áo ấm cũ, bánh kẹo, sách vở cho hơn chục hộ ngư dân thường neo thuyền ở bến cá Hòn Gai. Không quên mang theo một cành đào vừa nhú nụ làm quà cho cả xóm đón Tết. Nhìn thấy tôi từ xa, bé Lan reo ầm lên ra hiệu cho mọi người rồi nhảy tót lên chiếc thuyền neo cạnh đó khua vội mái chèo đến đón chúng tôi.

Lênh đênh trên làng chài di sản ảnh 1 Vợ chồng Nhặt có 6 người con cùng chung sống trên 1 chiếc thuyền cũ nát

“Quý hóa quá, áo này mà mặc đi câu đêm thì gọi là sư của ấm” - Nói đoạn, anh Duy cư dân làng chài cầm mấy quyển vở trao cho bọn trẻ trong xóm. Nhưng điều ai cũng xuýt xoa nhất là cành đào đang nhú nụ, vì đã rất lâu rồi họ không nhìn thấy hoa đào trong ngày Tết. Không phải vì họ không chơi đào ngày Tết mà vì không đủ tiền mua.

Tết của nhưng cư dân làng chài trên vịnh Hạ Long ngày nay vô cùng đơn giản. Thức ăn chính trong mấy ngày Tết là cá, thức ăn phụ cũng là cá, thậm chí đồ cúng ông bà tổ tiên cũng là cá. Khi gặng hỏi về điều này, không ít ngư dân ngậm ngùi không muốn nói, nhưng sâu trong thâm tâm tôi tự hiểu, cuộc sống của họ còn quá khó khăn để có một cái Tết sung túc, đủ đầy.

“Hiện giờ có hơn chục nhóm ngư dân sống lênh đênh trên vùng vịnh. Mỗi nhóm độ hơn chục con thuyền quần tụ cùng nhau nay đây mai đó. Họ không cố định neo đậu một chỗ vì chính quyền không cho phép ngư dân sinh sống trên thuyền như trước".

Ông Vũ Văn Hùng

“Trước đây, Tết Nguyên đán được dân chài chúng tôi chuẩn bị rất kỹ, ít nhất từ đầu tháng Chạp. Trước hết là lo tích trữ lương thực, thực phẩm, dầu, muối, củi... Gạo nếp, gạo tẻ đong đầy thùng, cá sống trong khoang, hà sú hà cồn chất đống... Sau đó lên chợ, lên phố mua sắm quần áo mới, cùng rượu thịt, bánh trái, hương vàng... Giáp Tết, giữa vụ cá bắc, cá theo đàn vào lộng, có tham đến mấy thì chiều 28 Tết cũng quay về neo đậu cùng họ hàng ăn Tết” - Cụ Bính lão ngư bồi hồi nhớ lại Tết của cách đây gần chục năm.

Tay thoăn thoắt vát từng bẹ chuối, Nhặt, người được coi là trưởng nhóm thuyền chài giải thích, cứ chiều 30 Tết, mỗi gia đình làm 2 đến 4 chiếc thuyền bằng bẹ chuối. Thuyền không mui, trên cắm 6 lá cờ đuôi nheo bằng giấy xanh đỏ. Trong lòng thuyền trải một tờ giấy đỏ, đặt một nhúm gạo, một nhúm muối, cắm 3 nén nhang. Gia chủ thắp nhang trên bàn thờ gia tiên ở ngăn giữa trong thuyền rồi ra thắp hương trên cái mâm đặt ngoài sạp cúng trời đất, khấn xin Hà Bá - Thủy thần phù hộ, xin các thần sông thần biển độ trì cho an lành và phát lộc. Cuối cùng gia chủ thắp hương trên mấy con thuyền rồi đứng ở đằng lái thả xuống biển. Vàng mã ở mâm cúng được đốt đổ tro xuống biển, kết thúc năm cũ.

Lênh đênh trên làng chài di sản ảnh 2 Anh Duy nâng niu cành đào Tết như “vật báu” của xóm chài

“Mấy năm nay, tết của làng chài không còn được như xưa. Chỉ còn lại vài ba chiếc thuyền cùng hơn chục người xôm tụ cùng nhau đón tết. Trước đây, cứ mỗi lần tết đến, cả làng chài vài trăm con người quây quần bên nhau, trên thuyền dưới nước ăn uống linh đình. Cùng hát đối, cùng đua thuyền, cùng nhau làm lễ tạ trời đất cầu cho năm mới bình yên, được mùa tôm cá” - Cụ Bính, cư dân cũ của làng chài Cửa Vạn kể.

Với dự án di dân làng chài trên vịnh Hạ Long lên bờ, hàng nghìn ngư dân được cấp nhà ở kiên cố để định cư lâu dài. Nhưng trong số đó vẫn còn nhiều người kém may mắn không thuộc diện cấp nhà, họ vẫn lênh đênh trên biển. Nhiều ngư dân khi lên bờ không quen với cuộc sống mới cũng tìm đường quay về với biển, họ tiếp tục những hành trình lênh đênh nay neo bến này mai neo bến khác.

Ước mơ Tết đủ đầy

Hỏi Lan, cô bé tôi quen qua 1 lần thuê thuyền ra thăm làng chài về Tết. Lan cười tươi nói – “Cháu chẳng muốn gì nhiều, chỉ ước sao cứ đến tết là không phải làm việc, được ăn những món ngon và sướng nhất là trẻ con cả xóm được mặc áo mới”.

Theo tài liệu khảo cổ học thì cư dân trên vịnh Hạ Long chính là “hậu duệ” của người Việt cổ cư trú ở đây từ cách hàng ngàn năm trước. Từ dấu tích ở các di chỉ Soi Nhụ (cách khoảng 7.000 năm), đến Văn hoá Hạ Long (khoảng trên dưới 4.000 năm), Đầu Rằm (khoảng trên dưới 2.000 năm).

Lênh đênh trên làng chài di sản ảnh 3 Vào những ngày cuối cùng của năm, đàn ông tranh thủ đánh bắt cuối vụ, phụ nữ sẽ lo việc cúng thờ tổ tiên

Chính sự kế thừa này mà ngư dân trên Vịnh Hạ Long đã gìn giữ, tiếp nối được nhiều phong tục, tín ngưỡng đặc trưng của cư dân thuỷ cư của cha ông để lại. Cuộc mưu sinh lênh đênh trên biển của họ tạo ra những nét văn hoá độc đáo, với các phong tục, tập quán, nghi lễ thờ cúng, cưới hỏi, tang ma, các hình thức hò hát giao duyên trên biển. Đặc biệt là văn hóa ngày tết của cư dân các làng chài.

Nhưng giờ đây, để lo từng bữa ăn qua ngày đối với họ là điều còn khó. Nguồn lợi từ thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, mức sống của xã hội ngày cao, những cộng đồng cư dân làng chài nay không còn, đến nghề nuôi cá lồng của ngư dân cũng bị dẹp bỏ. Cuộc sống của họ cứ chung chiêng như sóng tắc. Lên bờ hay ở lại đều quá chật vật đối với nhưng ngư dân chân chất quanh năm chỉ biết đến con cá, mớ tôm.

“Hiện giờ có hơn chục nhóm ngư dân sống lênh đênh trên vùng vịnh. Mỗi nhóm độ hơn chục con thuyền quần tụ cùng nhau nay đây mai đó. Họ không cố định neo đậu một  chỗ vì chính quyền không cho phép ngư dân sinh sống trên thuyền như trước. Cuộc sống vô cùng vất vả, chỉ trông chờ vào chiếc thuyền nhỏ bé thì khó để thoát khỏi đói nghèo”- Ông Vũ Văn Hùng, phó chủ nhiệm HTX Du lịch Làng chài Hạ Long cho biết.

Trong bữa cơm thân mật cuối năm trong khoang thuyền, vừa nâng ly rượu Nhặt vừa nói như thông báo với cả xóm chài – “Mọi thứ để cúng chiều 30 tôi đã chuẩn bị xong, sáng mồng 1 sẽ ra đền Bà Men, mồng 2 xuất hành vụ mùa mới”. Mọi người ai cũng trầm tư, họ nghĩ về một năm mới với những tháng ngày lênh đênh lại tiếp tục. Ngoài boong, mấy đứa trẻ vẫn nhảy nhót vui đùa, với chúng Tết đang đến, những niềm vui con trẻ vẫn ùa theo tiếng cười thơ dại. 

“Cỗ Tết của dân chài ngoài thịt gà, thịt lợn, chủ yếu là cá. Các loài cá cúng phải là cá tươi ngon, không dùng cá màu đen, rửa sạch để nguyên con (không mổ) kẹp tre nướng chín hoặc để sống trong chậu đặt lên mâm cúng. Dân chài cũng thường gói bánh chưng, làm bánh rán, nấu xôi, còn các loại bánh khác như bánh dày, bánh gai, bánh gio... phải mua trên chợ” – Các cao niên làng chài nhớ về hương vị ngày tết.

MỚI - NÓNG