Lênh đênh thuyền chữ ở 'Hồ trên núi'

Lênh đênh thuyền chữ ở 'Hồ trên núi'
TP - Lênh đênh là thật, là nghĩa đen, và “Hồ trên núi” cũng là thật. Không hề lãng mạn như trong ca khúc “Hồ trên núi” viết về hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) của nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhiều đứa trẻ 8-9 tuổi sống ven cái hồ nổi tiếng này vẫn phải ngày ngày chèo thuyền giữa mênh mang sóng nước, đánh cược mạng sống với thủy thần để học cái chữ…

> Những 'thầy cô' 9X lớp học đặc biệt
>Ngày Nhà giáo Việt Nam ở Trường Sa

Từ TP Bắc Giang về đến trụ sở xã Sơn Hải (Lục Ngạn) khoảng 80km. Từ đây có thể nhìn thấy Trường Tiểu học Sơn Hải ở cách đó vài km nhưng đi ô tô cũng phải mất gần 5 km trèo qua những con đường bé xíu, ngoằn ngoèo vắt qua những ngọn núi lởm chởm đất đá. Đồng hồ chỉ 9 giờ 30 phút, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thạo giục khách: Phải đi nhanh mới kịp vào Đồng Mậm trước khi các em tan học.

Bước chân xuống thuyền, ngước nhìn lá cây im lìm, chúng tôi chắc mẩm là sóng yên bể lặng. Nhưng chỉ vài phút sau, chiếc thuyền máy nhập vào một vùng mênh mông sóng nước, chúng tôi bị choáng ngợp trong vẻ hùng vĩ của lòng hồ Cấm Sơn với diện tích hơn 2,5 nghìn ha. Thi thoảng mới gặp một mái nhà trơ trọi nép dưới tán lá xanh đến lạnh lùng.

“Thuyền trưởng” Giáp Văn Đạt, 10 tuổi và 2 hành khách nhí từ trường học về nhà. ảnh: nguyễn trường
“Thuyền trưởng” Giáp Văn Đạt, 10 tuổi và 2 hành khách nhí từ trường học về nhà. ảnh: nguyễn trường.

Hồ Cấm Sơn đẹp vẻ hoang sơ với bờ hồ chính là những ngọn núi chồng lên nhau nối tiếp, những dải rừng phòng hộ ngun ngút tầm mắt. Nhưng đó cũng là lúc những đợt sóng liên tục quất vào thuyền chao đảo, lắc lư, gió lạnh rít qua tai lạnh buốt. Cái hào hứng ban đầu về một chuyến đi lãng mạn giữa lòng hồ đã không còn.

Anh Kiên, cán bộ văn phòng nhà trường kiêm lái thuyền cười bảo: Như thế này chưa là gì cả, có những ngày gió lớn, sóng đánh vào thuyền quay quắt, nước bắn ướt hết người nên dù “trời không mưa vẫn mặc áo mưa”. Nhiều cô giáo không dám mở mắt, về đến nơi mới biết mình còn… sống. Mấy năm trước, chưa có thuyền máy, các thầy cô phải chèo thuyền đến tận Đồng Mậm mất khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, nên nhìn chân tay thầy cô nào cũng một bên to, một bên bé…

Lớp học “2 trong 1”

Lớp học của học sinh Đồng Mậm
Lớp học của học sinh Đồng Mậm.

Gần 1 tiếng đồng hồ trên sóng nước chúng tôi mới đặt chân lên bờ. Vượt qua mấy thửa ruộng khô nứt nẻ, chúng tôi vào tới ngôi trường tiểu học dành riêng cho học sinh của thôn Đồng Mậm. Đón chúng tôi là một thầy giáo và ba cô giáo.

Tương ứng với số giáo viên thì khu Đồng Mậm có 3 phòng học và học sinh phải học ghép với nhau. Lớp 1 và lớp 2 do cô Nguyễn Thị Nga phụ trách, lớp 3 và 4 của thầy Lâm Văn Thức. Riêng cô Luân Thị Thêu được dạy các học sinh lớp 5 ở một phòng độc lập.

Các lớp học ghép được bố trí ngồi ngược nhau trong cùng một phòng, ở hai đầu phòng có hai chiếc bảng riêng. Cô Nga cho biết: “Mỗi người phải chuẩn bị 2 giáo án của 2 khối để dạy trong cùng một tiết. Khi cho lớp này làm bài tập thì lớp kia lập tức chuyển sang dạy lý thuyết”.

Khu Đồng Mậm của Trường Tiểu học Sơn Hải mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2006. Mỗi năm, nhà trường chỉ có vài chục học sinh. Năm học này, trường đang có 27 học sinh nhưng sang năm chỉ còn khoảng 21 học sinh. Gắn bó ở đây, các thầy cô giáo tại Trường Tiểu học Sơn Hải phải luân phiên phân công nhau vào dạy, mỗi người 1 năm.

Có những người như cô Nguyễn Thị Nga đã có 4 năm gõ đầu trẻ giữa vùng rừng núi, sông nước này. Cô giáo Luân Thị Thêu cho biết, cô vừa mới cưới chồng được vài ngày nhưng được phân công vào đây dạy, cô không nề hà gì.

Chỉ tội ở đây buồn quá, không điện, không ti vi, không internet… Cũng không có chợ, thức ăn các thầy cô giáo phải chuẩn bị từ ở nhà và phần lớn là đồ khô như lạc, cá khô, trứng. Đầu tuần, các thầy cô giáo lại lên thuyền máy của nhà trường, lênh đênh trên hồ gần một giờ đồng hồ để vào khu lẻ, cuối tuần mới lại có thuyền đón về.

Thuyền trưởng U10

11 giờ rưỡi, học sinh của khu lẻ Đồng Mậm cũng tan học như các nơi khác. Một số ít đi bộ về nhà, còn lại trực chỉ bến đò. Giáp Văn Đạt khoảng 10 tuổi loay hoay đẩy chiếc thuyền bằng xi măng ra giữa dòng. Trên thuyền là 2 em nữa đang ríu rít chuyện trò.

Tôi giúp Đạt đẩy thuyền và bất ngờ khi thấy cậu nhảy phắt lên thuyền cầm mái chèo bơi đi. Trên một chiếc thuyền khác, Nguyễn Thị Thanh Quế, 9 tuổi, cũng đang hối hả chèo thuyền. Mẹ của Quế ngồi trên thuyền bế cháu nhỏ, cùng đi còn có một học sinh nữa.

Một cô giáo cho biết, hoàn cảnh gia đình Quế rất khó khăn, bố mất sớm, gia đình nghèo khó. Việc các em tự chèo thuyền đến trường, về nhà đã không quá xa lạ với người dân nơi đây. Gần chục em phải tự chèo thuyền đến trường với quãng đường vài cây số. Trung bình các em chèo khoảng 30 phút mới về đến nhà.

Nguy hiểm nơi lòng hồ luôn rình rập các em. Cách đây không lâu, do các em đùa nghịch trên thuyền nên đã xảy ra tai nạn lật thuyền, may mắn có người đi qua cứu được. Bây giờ, các em đều được trang bị loại cặp sách đặc biệt nổi được trên nước, nên phụ huynh yên tâm hơn phần nào.

Còn lại khoảng hơn 10 em tiếp tục lên một chiếc thuyền máy do anh Trương Văn Mừng cầm lái để đi vào khu xa nhất của thôn Đồng Mậm - khu Suối Khoan. Anh Mừng cho biết, vào đó mất gần 30 phút chạy thuyền máy, còn chèo tay phải mất hàng tiếng đồng hồ. Thế mà cách đây 2 năm, các gia đình đều phải tự chèo thuyền đưa các em đến trường. Sau đó, có một đoàn khách đến thăm thấy cảnh ấy đã tặng các hộ ở đây một chiếc thuyền máy.

Từ đó, các gia đình phân công mỗi người một ngày đưa đón các em. Ròng rã suốt bao ngày, chiếc thuyền nay đã khá xuống cấp. Thi thoảng, các em lại phải nghỉ học vì… hỏng thuyền. Ngay hôm chúng tôi đến Suối Khoan, đang đi giữa hồ, chiếc thuyền lại giở chứng khiến chúng tôi một phen toát mồ hôi vì lênh đênh giữa bốn bề sóng nước. May mà lúc sau, anh Mừng xử lý được. Ngồi trên thuyền, mấy em bỏ mì tôm sống ra bóp vụn ăn ngon lành. Món ăn ấy đã gắn với các em hằng ngày…

Học hết tiểu học ở Đồng Mậm, các em được về học tại Trường THCS Sơn Hải, gần trung tâm xã. Lại tiếp tục những cuộc hành trình lênh đênh của bố mẹ, thầy cô giáo đưa đón. Vất vả là thế nhưng có một điều lạ là nhà nào ở Đồng Mậm cũng cho con đi học đến cùng. Anh Trương Văn Quảng, Trưởng thôn Đồng Mậm cho biết, tỷ lệ học sinh khá giỏi ở Đồng Mậm là 70%, không có học sinh yếu kém. Tỷ lệ vào cấp 3 của thôn cũng vào khoảng 70%. Những lứa học sinh đầu ở Đồng Mậm đã có 2 em đỗ Đại học, 1 em đỗ Cao đẳng.

Sóng và sóng

Điện thoại để trong ống bơ nhà Bí thư thôn Đồng Mậm
Điện thoại để trong ống bơ nhà Bí thư thôn Đồng Mậm.
 

Ấn tượng với chúng tôi khi về Đồng Mậm là câu chuyện của sóng điện thoại di động. Tại nhà Bí thư chi bộ thôn, điện thoại di động của hai vợ chồng ông được đặt trong một chiếc… ống bơ treo ở trước cửa.

Ông giải thích, đấy là chỗ có nhiều sóng nhất và chỉ có thể đứng ở đó mới có thể nghe, gọi điện thoại được. Anh Quảng kể, trước đây gia đình anh làm hẳn một chiếc hộp gỗ đựng điện thoại của nhiều nhà xung quanh, dựng ở giữa sân bởi mọi người phát hiện ra chỉ ở đó mới có sóng. Khi có điện thoại của ai thì gọi người đó đến nghe.

Tối nhập nhoạng, chúng tôi mới rời Đồng Mậm. Bóng đen vây kín chiếc thuyền máy không đèn. Anh Kiên men theo những đảo cây để về trường. Trong câu chuyện không đầu không cuối, anh kể, vừa mới mấy hôm trước thôi khi đi đón các thầy cô giáo về, nửa đường thì thuyền gãy chân vịt.

Xung quanh không một bóng thuyền qua lại. Điện thoại mất sóng. Mọi người cứ thay nhau nhắn tin để may ra tìm được chút sóng rơi nào giữa hồ nước mênh mông.

Đến khi có thuyền ra đón thì đã gần 22 giờ đêm. Rồi anh kể chuyện thương lũ trẻ tới trường mà chỉ có nắm cơm với ít muối lạc, ít cá kho cho vào túi bóng. Sắp tới anh tính sẽ vận động mọi người trong trường đóng góp tiền mua tặng mỗi em một chiếc cặp lồng để vừa giữ ấm thức ăn, vừa để nhỡ có rơi xuống nước thì không bị làm sao…

Đồng Mậm, cuối tháng 11/2013

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.