Lên TPHCM nhập viện cả tuần mới khai báo nhập cảnh trái phép từ Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
Lên TPHCM nhập viện cả tuần mới khai báo nhập cảnh trái phép từ Campuchia
TPO - 2 mẹ con chèo xuồng từ Campuchia về An Giang, sau đó lên TPHCM điều trị tại một bệnh viện tuyến đầu từ ngày 20/4 nhưng đến ngày 26/4 mới khai báo nhập cảnh trái phép, dẫn đến hậu quả phải cách ly khẩn cấp 40 nhân viên y tế liên quan để theo dõi, xét nghiệm…

Sáng 28/4, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Đoàn kiểm tra còn có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, báo cáo với đoàn kiểm tra của Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết mới hôm 27/4, HCDC phát hiện có 2 trường hợp là mẹ con nhập cảnh trái phép.

“Họ chèo xuồng từ Campuchia vượt qua biên giới ở An Giang rồi về Bệnh viện Từ Dũ khám bệnh do thai 32 tuần, bị ra huyết. Vào bệnh viện Từ Dũ từ ngày 20/4 nhưng đến ngày 26/4, cả hai mẹ con mới khai nhập cảnh trái phép. Rất may là 2 trường hợp này đều âm tính. Tuy nhiên, qua chuyện này cho thấy có nguy cơ xuất hiện các trường hợp khác tương tự” – bác sỹ Nguyễn Trí Dũng nói.

Lên TPHCM nhập viện cả tuần mới khai báo nhập cảnh trái phép từ Campuchia ảnh 1

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC)

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, đến nay TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 254 ca mắc COVID-19, trong đó có 68 ca nhiễm cộng đồng và 225/254 trường hợp đã khỏi bệnh. TPHCM đã trải qua 75 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Về trường hợp 2 mẹ con người nhập cảnh trái phép không khai báo, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết Bệnh viện Từ Dũ đã nhanh chóng cách ly, thực hiện xét nghiệm khẩn cấp 40 nhân viên y tế liên quan. Kết quả xét nghiệm lần đầu của tất cả nhân viên đều âm tính.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở các nước lân cận, có thể nhiều người bệnh sẽ tìm cách vào Việt Nam và tìm đến các bệnh viện lớn để điều trị. Ngành y tế đang nỗ lực tổ chức khai báo y tế, tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K để tránh lây nhiễm trong cơ sở y tế.

Lên TPHCM nhập viện cả tuần mới khai báo nhập cảnh trái phép từ Campuchia ảnh 2

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm việc với TPHCM về phòng chống dịch COVID-19

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, chỉ một tháng qua, thành phố đã phát hiện 108 người nhập cảnh trái phép và con số phát hiện được chỉ là phần nổi của tảng bang. Số lượng thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói với những trường hợp nhập cảnh trái phép, quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm và cách ly, phòng dịch theo đúng quy định.

“Từ ngày 27/4, người dân TPHCM ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang. Thành phố đã bắt đầu xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng hay tập trung đông người” – ông Phong cho hay.

Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trong quý 1/2021, công an cả nước đã phát hiện gần 1.400 vụ nhập cảnh trái phép, trong đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhiều trường hợp.

Lãnh đạo Bộ Công an khuyến cáo các tỉnh cần tăng cường kiểm soát biên giới cả đường biển và đường bộ, huy động tuyến sau bọc lót cho lực lượng tuyến đầu để khi tuyến đầu bị thủng hoặc có sơ hở thì tuyến sau sẽ phát hiện kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Về công tác tuyên truyền, thượng tướng Nguyễn Văn Sơn cho rằng cần tập trung vào người dân dọc biên giới và những người làm nghề biển bởi đã có một số trường hợp dùng thuyền đón bà con từ nước ngoài về.

“Phải tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức, không bao che tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép” – thượng tướng Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng cảnh báo có tình trạng một số đối tượng không phải chuyên gia, nhà kinh tế nhưng vẫn được doanh nghiệp bảo lãnh nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra những người thuộc diện được doanh nghiệp bảo lãnh để quản lý chặt, tránh nguy cơ bùng phát dịch.

Một ngày, thêm 59.056 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Ngày 28/4, Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước đã có 318.792 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2. Các địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình tiêm chủng nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đúng đối tượng.

Theo đó, tính đến 16 giờ ngày 27/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 318.792 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.Chi tiết 59.056 người được tiêm tại 48 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong ngày 27/04/2021 như sau:

- Đợt 1: Quảng Ninh: 393 người; Bộ Công an: 1.809 người; Bộ Quốc phòng: 2.301 người

- Đợt 2: Hà Nội: 8.668 người; Hải Phòng: 60 người; Nam Định: 900 người; Ninh Bình: 90 người; Bắc Ninh: 972 người; Phú Thọ: 1.844 người; Vĩnh Phúc: 656 người; Hải Dương: 6.411 người; Hưng Yên: 1.827 người; Thái Nguyên: 912 người; Bắc Cạn: 84 người; Quảng Ninh: 742 người; Hoà Bình: 492 người; Hà Tĩnh: 976 người; Lai Châu: 317 người; Lạng Sơn: 288 người; Tuyên Quang: 228 người; Hà Giang: 824 người; Cao Bằng: 1.006 người; Yên Bái: 770 người; Lào Cai: 2.460 người; Sơn La: 108 người; Điện Biên: 1.335 người; Quảng Bình: 295 người; Quảng Trị: 138 người; TT- Huế: 649 người; Tp. Đà Nẵng: 143 người;

Quảng Nam: 232 người; Quảng Ngãi: 313 người; Bình Định: 1.169 người; Phú Yên: 1.265 người; Khánh Hòa: 1.406 người; Bình Thuận: 990 người; Ninh Thuận: 1.057 người; Kon Tum: 1.865 người; Đắc Lắc: 2.877 người; Đắk Nông: 339 người; Lâm Đồng: 1.324 người; Cần Thơ: 1.217 người; Sóc Trăng: 1.921 người; Bến Tre: 271 người; Trà Vinh: 87 người; Vĩnh Long: 937 người; Bình Phước: 866 người; Cà Mau: 722 người; Bạc Liêu: 2.387 người; Hậu Giang: 113 người.

Bộ Y tế: Tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây ra cộng đồng

Bộ Y tế đã có công văn hoả tốc gửi UBND tỉnh Yên Bái đề nghị điều tra, xử lý trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên khách sạn tại Yên Bái lây nhiễm trong khu cách ly.

Tại công văn số 3440/CV-BCĐ do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi UBND tỉnh Yên Bái đề nghị điều tra, xử lý đối với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Bộ Y tế cho biết:

Ngày 26/4/2021, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận 01 trường hợp bệnh nhân nam, 63 tuổi, có địa chỉ tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, là lễ tân khách sạn, bệnh nhân có tiền sử dịch tễ phục vụ hàng ngày tại khu cách ly có chuyên gia Ấn Độ đang cách ly tại khách sạn (trước đó đã ghi nhận 04 trường hợp chuyên gia Ấn Độ cách ly ngay sau nhập cảnh ngày 18/4/2021, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại khách sạn này). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan trong khu cách ly và ra cộng đồng; Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia điện và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái chỉ đạo tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế.

Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng (bao gồm: người thân, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ tại khách sạn, người tiếp xúc gần...) để tiến hành xét nghiệm khẳng định.

Tổ chức giám sát chặt chẽ hàng ngày tình hình sức khỏe và tổ chức cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Tiến hành ngay việc xử lý, phun khử trùng triệt để môi trường tại nơi bệnh nhân thường trú; các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình, quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây ra cộng đồng.

Thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Chỉ đạo Sở Y tế báo cáo hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch COVID-19 về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, email: baocaobtn@gmail.com) theo quy định.

Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện.

Bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly các chuyên gia Ấn Độ tại Yên Bái là ca bệnh 2857 đã được Bộ Y tế công bố chiều ngày 27/4.

Các điểm du lịch tại Cà Mau: Đảm bảo phòng chống dịch COVID-19

Ngày 27/4, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Y tế Cà Mau về công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện “Hương rừng U Minh” năm trong chuỗi sự kiện Cà Mau - điểm đến 2021.

Sở Văn hoá- Thể thao - Du lịch Cà Mau báo cáo công tác chuẩn bị sự kiện “Hương rừng U Minh” đã hoàn tất, nhiều hoạt động sẽ diễn ra hấp dẫn như: trưng bày các sản phẩm đặc trưng, ẩm thực của huyện U Minh, Hội thi ẩm thực với chủ đề “Mắm”, Hội chợ thương mại tổng hợp, Trò chơi dân gian sông nước U Minh, tham gia các điểm du lịch sinh thái…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chỉ đạo phải đảm bảo công công tác phòng chống dịch bệnh, lễ khai mạc dự kiến tổ chức vào tối ngày 29/4/2021 sẽ dời lại vào sáng ngày 30/4/2021, rút ngắn các nội dung trong chương trình khai mạc, không tổ chức văn nghệ trong lễ khai mạc.

Các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động mọi người tham gia sự kiện phải thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh xuyên suốt sự kiện. Tại các địa điểm diễn ra các hoạt động của sự kiện phải bố trí máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khẩu trang y tế và tổ chức khai báo y tế cho khách tham quan.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho rằng, sự kiện “Hương rừng U Minh” đã chuẩn bị chu đáo, quảng bá đầy đủ hình ảnh, con người vùng đất U Minh nhưng phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách khi đến tham quan cũng như tham gia các hoạt động trong sự kiện.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng khách du lịch về Cà Mau đông hơn, các cơ quan phòng chống dịch phải tăng cường công tác phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ địa bàn có nhiều điểm tham quan du lịch.

Công bố phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV - 2 tại Hà Tiên

Ngày 28/4, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố thành lập phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Quốc Cường - Phó Viện trưởng Viện Pasteur (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR là một trong những kỹ thuật xét nghiệm hiện đại và phổ biến nhất hiện nay, có độ chính xác cao, cho kết quả nhanh và có thể sử dụng để xét nghiệm số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn.

Việc xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên góp phần chẩn đoán chính xác các trường hợp tiếp xúc gần với vùng dịch và ca bệnh nghi nhiễm COVID-19. Đồng thời, nâng cao năng lực xét nghiệm của Trung tâm Y tế TP. Hà Tiên trong việc đáp ứng nhanh với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay.

Ngay sau lễ công bố, Phòng xét nghiệm được hoạt động dưới sự hướng dẫn giúp đỡ của Viện Pasteur TP. HCM, Trung tâm CDC của tỉnh, sau đó Viện Pasteur TP HCM chuyển giao kỹ thuật dần cho đội ngũ y tế ở Hà Tiên để đội ngũ này có thể độc lập thực hiện.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.