Hàng loạt nguy cơ khiến dịch COVID-19 có thể xâm nhập Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra phòng chống dịch tại Tiền Giang
Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra phòng chống dịch tại Tiền Giang
TPO - Tại cuộc họp chiều 27/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá dịch tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ xâm nhập cao từ bên ngoài, đặc biệt từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia vào khu vực biên giới Tây Nam.

Tuần qua, số người nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia láng giềng có chiều hướng tăng. Trong đó có 483 trường hợp nhập cảnh trái phép, tăng 160 trường hợp so với tuần trước đó. Do vậy, biện pháp cấp thiết được Ban chỉ đạo quốc gia đề cập tại cuộc họp là tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đặc biệt là đường mòn, lối mở để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết, sáng 27/4, các đơn vị gồm biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, quân y… đã họp về việc triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch đối với khu vực, theo đó là chống dịch xâm nhập.

Bộ Quốc phòng thống nhất, ngoài việc sử dụng camera để giám sát việc ra vào tại khu vực biên giới đường bộ, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ được trang bị thiết bị hỗ trợ nhìn ban đêm để quản lý có hiệu quả hơn biên giới trên biển. Lực lượng bộ đội làm nhiệm vụ nơi biên giới đã phát tờ rơi và tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, phát hiện và báo cho chính quyền các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc về nước mà không được cách ly y tế.

Bên cạnh đó, sẵn sàng phối hợp với các địa phương mở rộng cơ sở cách ly tập trung, cũng như chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tình huống về dịch bệnh. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên đề nghị: “Ban chỉ đạo kiến nghị Chính phủ không thu phí cách ly y tế vì người nhập cảnh qua đường bộ đều là những người lao động nghèo. Nếu không thu phí thì người dân sẽ yên tâm, không trốn. Muốn quản lý tốt theo tôi phải tổ chức cho người dân trở về một cách hợp pháp thì họ sẽ không trốn chui, trốn lủi”.

Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đề nghị, ngành y tế tăng cường công suất xét nghiệm trên diện rộng, đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm… Để chủ động đối phó với diễn biến mới và nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát trở lại, cần bổ sung công nghệ xét nghiệm mới như test xét nghiệm nhanh kháng nguyên, giống như Nhật Bản đang sử dụng hiệu quả. Hiện Bộ Y tế chưa có kế hoạch cũng như chưa cho phép nhập khẩu loại xét nghiệm này…

Ban chỉ đạo thống nhất kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ về công nghệ để phục vụ kiểm soát xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới và địa phương có vùng biên.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế báo cáo bằng văn bản phương án đầu tư công nghệ và nâng cao năng lực xét nghiệm, phối hợp với Bộ Công an rà soát việc thực hiện các quy định tại các khu cách ly dân sự, không để lây nhiễm chéo; kiện toàn đội COVID cộng đồng, đội truy vết, đáp ứng nhanh và tăng cường tập huấn, diễn tập các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; sẵn sàng các thiết bị, vật tư trong đó có máy thở có thể đáp ứng được trong tình huống có nhiều ca bệnh.

Từ trước đến nay vẫn duy trì duyệt cấp visa; những trường hợp người nước ngoài nhập cảnh được kiểm soát dựa trên sự đồng ý của các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an và giao thông vận tải. Đến nay đã đưa hơn 1 nghìn người Việt từ Ấn Độ về nước và chỉ còn hơn 100 người vẫn đang được Đại sứ quán hỗ trợ, giữ liên hệ chặt chẽ, trong đó một số bà con có nguyện vọng về nước đang được thu xếp đưa về.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình hiện nay, Ban chỉ đạo thống nhất quan điểm, đối với bà con đi từ biên giới đường bộ về chủ yếu là những người khó khăn, sẽ đề nghị Chính phủ xem xét khi vào các khu cách ly tập trung được nhà nước hỗ trợ kinh phí xét nghiệm, ăn ở. Còn với địa bàn xa Việt Nam, kêu gọi người dân tuân thủ biện pháp chống dịch của nước sở tại, hạn chế tối đa việc di chuyển trong mùa dịch. Nếu buộc phải về nước thì phải đăng ký để được sắp xếp. Nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước nhưng mật độ các chuyến bay, cơ quan ngoại giao làm đầu mối tổng hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phù hợp với tình hình chống dịch ở khu vực và nước sở tại, cũng như tình hình dịch trong nước; đồng thời trên cơ sở phải an toàn”.

MỚI - NÓNG