Lên phương án cách ly thương nhân nước ngoài để bán vải thiều

Người trồng vải ở tỉnh Bắc Giang bước vào mùa vụ
Người trồng vải ở tỉnh Bắc Giang bước vào mùa vụ
TPO - Lên phương án cách ly thương nhân Trung Quốc, đẩy mạnh thị trường nội địa, mở rộng sang Nhật Bản … là các giải pháp tỉnh Bắc Giang triển khai để tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh vẫn còn nguy cơ dịch COVID-19.

Lên phương án cách ly thương nhân Trung Quốc

Đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, thời điểm này bắt đầu vào vụ vải thiều sớm và chuẩn bị cho vụ vải chính (bắt đầu từ tháng 6). Năm nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019.

Năm nay, việc tiêu thụ vải trong bối cảnh vẫn còn nguy cơ dịch COVID -19 nên sẽ có những khó khăn nhất định. Trước tình hình này, tỉnh Bắc Giang có nhiều giảỉ pháp để xuất khẩu vải thiều. “ Riêng thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 50%  sản lượng vải thiều toàn tỉnh. Bởi vậy, tỉnh Bắc Giang vẫn coi trọng các giải pháp xuất khẩu sang thị trường này”.

Theo đó, ngày 15/5, tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép các thương nhân Trung Quốc (dự kiến khoảng 300 người) được phép nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều bằng visa du lịch. Đến nay, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này của tỉnh Bắc Giang.

Lên phương án cách ly thương nhân nước ngoài để bán vải thiều ảnh 1 Người trồng vải ở tỉnh Bắc Giang chuẩn bị bước vào mùa vụ thu hoạch chính

Tỉnh Bắc Giang lên phương án cách ly thương nhân Trung Quốc. Theo đó, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND các huyện trồng vải thiều để tiến hành đón, cách ly thương nhân Trung Quốc đến thu mua loại quả này theo quy định.

Ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho hay, năm nay, huyện này có khoảng 15.000 ha vải thiều, với sản lượng ước hơn 90.000 tấn (chiếm hơn 56% sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang). Hiện nay, huyện Lục Ngạn đã khảo sát xong các khách sạn và nhà nghỉ để phục vụ việc cách ly các thương nhân Trung Quốc và ngước nước khác đến thu mua vải trong huyện.

“Tính đến nay, có khoảng 300 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến huyện mua vải thiều. Các năm trước không có dịch, có từ 400 – 500 người Trung Quốc đến Lục Ngạn thu mua loại quả này”, ông Oanh nói.

Ông Oanh cho biết thêm, các năm trước, phía Trung Quốc ưu tiên việc thông quan tại cửa khẩu để thuận tiện việc xuất vải thiều sang nước này. Thời gian thông quan từ 10 – 12 tiếng/ngày. Năm nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách trên đối với mặt hàng vải thiều, với thời gian thông quan dự kiến khoảng 8 tiếng/ngày.

Mở rộng tiêu thụ trong nước và Nhật Bản

Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, năm nay, Nhật Bản chính thức chấp thuận vải thiều Việt Nam vào thị trường này. Việc này mở ra cơ hội cho quả vải Bắc Giang mở rộng tiêu thụ tại thị trường khó tính Nhật Bản.

“Quả vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu, Mỹ …có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần tiêu thụ trong nước”, đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Ông Oanh cho biết, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã triển khải việc sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Hiện huyện này có khoảng 100 ha trồng vải, với sản lượng từ 500 – 1.000 tấn được cấp mã số vùng xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đồng thời, huyện Lục Ngạn cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang hoàn thiện quy trình đóng gói, xông hơi, khử trùng vải thiều theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và được nước này kiểm tra chấp thuận.

Lên phương án cách ly thương nhân nước ngoài để bán vải thiều ảnh 2 Tỉnh Bắc Giang chuẩn bị nhiều phương án tiêu thụ vải thiều

Tính đến thời điểm này, 5 tập đoàn phân phối của Nhật Bản và Việt Nam, như Aoen, Mega MarKet…đến Lục Ngạn khảo sát và đăng ký mã vùng xuất vải thiều sang Nhật Bản, với sản lượng hàng nghìn tấn.

“Hiện giá vải sớm ở Lục Ngạn khoảng 40.000/kg. Giá này tương đương năm ngoái. Năm 2019, vải thiều Lục Ngạn bán với giá cao kỷ lục, thời điểm cao nhất lên đến 75.000/kg”, ông Oanh nói.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, lường trước khó khăn do tình hình dịch COVID - 19, tỉnh Bắc Giang cũng đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ trong nước (chiếm hơn 40%  sản lượng vải thiều).

Từ tháng 2/2020, Sở này có văn bản đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều nội địa và các Vụ thị trường Châu Á , Châu Phi, Châu Âu và Mỹ đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường này. Ngày 6/6, tỉnh Bắc Giang dự kiến hội nghị trực tuyến về tiêu thụ vải thiều, với sự tham gia của hơn 60 tỉnh trong nước và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

MỚI - NÓNG