Lên biên giới nghe chuyện cười

Lên biên giới nghe chuyện cười
TP - Người dân miền tây xứ Nghệ, vẫn còn đói nghèo. Nhưng tiếng cười đã giữ cho họ tinh thần lạc quan. Ngược rừng đầu năm lên miền tây, mà cười... “đứt phanh”.

> Tết sớm ở Cổng Trời

Chợ Mường Lống
Chợ Mường Lống.

Năm nào cũng vậy, người dân ở “phủ” người Mông (thuộc xã Mường Lống, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An) đều đón Tết sớm hơn miền xuôi cả tháng trời. Và lần này trở lại nơi này (được ví là “thủ phủ cây thuốc phiện” một thời) cũng vậy.

Sau nửa ngày trời chạy xe máy vượt đèo, leo dốc, vừa đặt chân lên đỉnh Cổng Trời (nơi có độ cao cách mực nước biển hơn 1.564m) chúng tôi đã được anh Lầu Bá Lỳ, một người quen sống ở bản Mường Lống 2 ra tiếp đón.

Đứng trên đỉnh Cổng Trời nhìn xuống bản làng Mường Lống người đông như hội. Anh Lỳ cho biết, hôm nay là phiên chợ gần cuối của năm nên người dân khắp nơi đổ về đây vừa đi chợ để mua bán hàng và vừa để uống rượu thịt nướng.

Đến cổng chợ thấy một người gãy tay đang bó bột trắng toát ngồi uống rượu bên đường chào anh Lỳ. Sau khi giới thiệu rồi cạn một ly, tôi hỏi: “Bác làm sao mà bị gãy tay thế kia?”. Người đàn ông trả lời “Do say rượu xuống dốc ngã xe máy, nhưng may mà gãy tay phải”. Hỏi tiếp “Vì sao lại may?”. Ông cụ trả lời: “Nếu gãy tay trái thì bể mất cái đồng hồ con gái mới cho”. Nói rồi ông cụ giơ chiếc đồng hồ ra khoe và tôi biết ngay giá trị chiếc đồng hồ này không quá một trăm nghìn đồng trên thị trường.

Người dân miền tây xứ Nghệ
Người dân miền tây xứ Nghệ.

Qua hàng lợn nít (lợn con), tôi và anh bạn đồng nghiệp được một trận cười “đứt phanh”. Tôi hỏi một bà bán lợn: “Lợn bán bao nhiêu một con thế bà ơi?”. Bà già đáp: “À, cán bộ mua đi, lợn ta tốt lắm đó”. Tôi xách con lợn trong rọ lên hỏi “Lợn tốt sao lại trụi lông hết thế này?” Bà bán lợn miệng nhai trầu nhổ cái toẹt ra giữa đất, nói: “Mười phiên rồi không trụi thì còn chi nữa”. Anh Lỳ giải thích, ý bà bán lợn nói rằng, bà ấy mang đi mười phiên rồi mà vẫn chưa ai mua nên lông nó bị rụng hết.

Chúng tôi qua hàng bán mèo. Thấy ông cụ người Mông bán ba bốn con mèo, anh bạn giơ mèo lên hỏi “Mèo bắt chuột tốt không bác?”. Liền được trả lời “Chuột thì ta không biết nhưng gà con thì phát một”.

Chiến sỹ bộ đội biên phòng ở thung lũng Tha Đo kể: Hôm trước có một chiến sỹ lái xe biên phòng chạy về xuôi. Qua dốc Tha Đo thì trời tối. Hai bóng đen xuất hiện, chĩa súng săn vào đầu xe.

Chú lái xe mặt tái mét, tưởng gặp “phỉ”. Nhưng sau đó người kia hỏi “Phe ta hay phe địch? Phe địch là ta bắn”. Chú lái xe nói: “Phe ta”. Thế là bên kia hạ súng xuống nói “Phe ta thì cho ta đi nhờ xe với”. Chú lái xe sau đó phải cho họ đi nhờ xe ra tận trung tâm huyện Kỳ Sơn.

Ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn phá lên cười: “Phà ơi, tôi sống ở đây bao nhiêu năm rồi, làm lãnh đạo xã cũng gần mười năm rồi…nhiều chuyện lắm”. Ở đây chuyện gì người ta cũng đưa ra ủy ban nhờ chủ tịch giải quyết. Có cô gái bản tố anh hàng xóm hiếp dâm, anh hàng xóm nói không hiếp. Ông Nhìa gọi hai người vào phòng ủy ban, hỏi người đàn ông kia “Sao anh lại hiếp dâm chị này?”. Anh hàng xóm trả lời “Thưa chủ tịch, ta không hiếp thật mà. Chị ta đồng ý đấy”. Tôi quay sang hỏi người phụ nữ “Sao chị đồng ý mà lại tố cáo anh ta hiếp là sao”. Người phụ nữ cúi mặt: “Đồng ý thì ta nỏ đồng ý mô, nhưng thấy tiền thì ai nỏ lấy”.

Va quệt giao thông ngoài đường, cũng chạy lên xã kêu chủ tịch. Chiếc xe máy chở hàng rong của một chị người huyện Diễn Châu lên buôn bán ở các bản làng Nậm Cắn, va quệt vào chiếc xe đạp đi sai đường của một người dân bản Mông.

Chiếc xe máy bị hư hỏng một số bộ phận, còn chiếc xe đạp chỉ bị sang vành. Dứt khoát, người đi xe đạp trái đường bắt chị đi xe máy phải đền tiền: “Nếu ta đi trái đường nhưng nhà chị đừng đi xe máy ra đường thì ta có bị húc không?”.

Đằng sau cuộc sống khó nghèo, khắp các bản làng của núi rừng miền tây xứ Nghệ còn đó chuyện cười hồn nhiên, dung dị, giúp người dân lạc quan, vui vẻ vượt lên gian khổ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG