“Ca sĩ” bây giờ nhiều như lá chuối rừng, cứ sau một cuộc thi một gameshow nào đó là vài cái tên lại nổi lên, tên Ta tên Tây tên Hàn… chả thiếu gì; giọng sang giọng sến đủ cả.
Sâu-bít Việt cứ như cái chợ, ngày nào mà chả có thức ăn tươi sống, nhưng cũng như nhiều loại thức ăn, người nghe không khó để nhận ra ca sĩ nào ép chín vội, ca sĩ nào được ông bầu “bơm thuốc” kích thích nổi lên như bong bóng trong cơn mưa, ca sĩ nào nhờ kỹ thuật phòng thu mà giọng hát bỗng đẹp như… trái cây Trung Quốc.
Bởi vậy, khi nghe dư luận xôn xao về một ca sĩ có nghệ danh là Lệ Rơi tôi cũng chẳng buồn chú ý.
Nhưng chưa kịp nghe một bài hát nào do Lệ Rơi hát (à quên, cover lại, như người ta nói) thì tôi đã phải nghe, đọc khá nhiều về chàng, ở báo mạng, ở Facebook, và ở cả những cuộc cà phê từ vỉa hè đến trong quán xá.
Đã định bỏ qua như đã bỏ qua rất nhiều những tin tức (mình) khác bây giờ tràn lan trên báo như cải sau mưa, nhưng rồi dư luận về chàng, khen ngợi hay chê bai, bênh vực hay đả kích, tán dương hay ném đá, bao dung hay đố kỵ… làm cho tôi, cuối cùng vẫn phải tò mò - sự tò mò rất đỗi đàn bà – vào Youtube tìm. Ở đó là một danh sách dài dằng dặc các bài hát của chàng Lệ Rơi, với cùng một khuôn hình cùng một “phim trường” cùng một cảm xúc… cùng một giọng hát quả là có một không hai!
Những bài “hit” của các ca sĩ “hot” được chàng Lệ Rơi cover lại theo một kiểu không giống ai, từ nhịp điệu đến cách phát âm, tiếng Việt tiếng Anh đều vô cùng “độc” đến mức nghe một lần là không muốn “đáo” thêm lần nữa. Ấy vậy nhưng hầu hết các bài hát của Lệ Rơi luôn đạt hơn trăm ngàn lượt xem, Google tên chàng có đến 2.480.000 kết quả trong 0,15 giây! Một con số đáng kinh ngạc và là mơ ước của nhiều người “nổi tiếng”.
Và như vậy quá đủ để truyền thông “dậy sóng” vì chàng!
Sau cảm giác vui vui và được cười sảng khoái khi nghe chàng hát, đọc những gì người ta viết, tôi chỉ thấy thương hơn chàng Lệ Rơi chân đất.
Ừ thì hát không hay nhưng hay hát, đã sao? Ừ thì “tự tin giai đoạn cuối” khi post hàng loạt bài lên Youtube, nhưng Internet để làm gì khi không mang lại cho con người quyền tự do tối thiểu là bày tỏ chia sẻ với đồng loại?
Ừ thì hát lăng nhăng lít nhít, nhưng toàn là những bài “hit” của “hot” đấy chứ? Ừ thì “nông dân mà bày đặt làm ca sĩ”, có sao đâu, còn hơn chán vạn người làm “nghề khác” chỉ qua một đêm bỗng dưng trở thành “sao” trên những tờ báo mạng!
Ừ thì “giọng hát thảm họa”, nhưng khối thảm họa sờ sờ trước mắt kia kìa, sao không mấy ai lên tiếng?!
Chàng nông dân chất phác chắc chắn không thể ngờ “hiệu ứng” mà mình gây ra lại ghê gớm đến thế! Chỉ là cho vui theo yêu cầu của bạn bè – như chàng tự giới thiệu trước mỗi bài hát – vậy nên ai không thấy vui, không muốn vui thì đừng xem nữa, xem rồi thì đừng ném vào Lệ Rơi những lời miệt thị nặng nề và xin cũng đừng tò mò đổ về nhà chàng, nơi vườn ổi bình yên là nguồn sống của gia đình chàng.
Sự “bần cùng niềm vui” có làm cho người ta trở nên bần cùng về nhân cách? Niềm vui của một người bỗng làm cho thiên hạ có cớ để xả vào nhau những lời dao búa nhăm nhăm như muốn “giết chết” cả người “bỗng dưng vui” và những người muốn vui theo.
Thiên hạ trên những mạng xã hội vốn tự xem mình là vô tư và duyên dáng, thành ra nhiều lúc quá “vô duyên”, mà số ấy, không thể nói là ít. Thành ra, bây giờ làm người vô tư thật thà như chàng Lệ Rơi đâm ra khó “sống”, lệ mà cũng khó có quyền được rơi.
Có câu chuyện về Nữ thần Tự Do như thế này.
Cô giáo hỏi: Vì sao Nữ thần Tự do lại cầm cây đuốc mà không cầm thứ khác? Các học sinh lần lượt nêu những lý do khác nhau. Đến một em kia: Thưa cô, vì bà ấy là nữ thần tự do nên muốn cầm gì mà chả được!
Ra vậy, nhiều người cũng hiểu tự do là muốn làm gì nói gì mà chả được, thảo nào cái “làng mình” nó thế!
2/7/2014
* Tác giả là nhà báo, tiến sĩ khảo cổ học, hiện sống tại TP.HCM. Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.