> ‘Có ca sĩ không biết đọc nốt nhạc’
> Đàm Vĩnh Hưng rơi lệ, ôm chầm NS Nguyễn Ánh 9
Anh kể nhiều hôm bà con ở miền Tây đang rầu ruột vì tôm đổ bệnh chết hàng loạt, nửa đêm gọi điện cầu cứu cách chữa, vẫn không quên bắt anh chàng “ca lên một bài bọn tao nghe cho đỡ buồn, mầy!”.
Cuộc thi “Tiếng hát nông dân” của địa phương miền Tây nọ đang chiêu mộ những ca sĩ chân đất, từ 16 đến 75 tuổi, không bị bệnh mãn tính, có thẻ Hội viên Hội nông dân. Những ai trước đó từng đoạt giải thi hát cấp tỉnh trở lên sẽ chỉ được làm khán giả. Liên hoan “Tiếng hát đồng quê” do các Hội nông dân nhiều tỉnh tổ chức nở rộ, nô nức đến hẹn lại lên.
Báo Lao Động vừa có mấy kỳ phóng sự thú vị, tả cảnh hát hò tưng bừng của nông dân “gộc” xứ Nẫu Phú Yên. Cà phê nhạc sống ngay bên bờ ruộng, tay xoa chân đập mấy cái là cầm mic…hát ngay. Rồi những khi trúng mùa, lễ lạt, kể cả giỗ kỵcũng thuê ban nhạc về chơi ngay tại nhà. Có huyện có cả trăm dàn nhạc sống, vắt chân lên cổ chạy sô không hết.
Giờ, cứ mở tivi ra là nghe hát. Đủ các chủng loại hát hò, nhiều nhất vẫn là các cuộc thi hát chiếm hết cả giờ vàng. Thí sinh thi hát vì danh tiếng, tiền tài. Ca sĩ, và kể cả người không biết nốt nhạc, cũng rủ nhau làm giám khảo, để tranh thủ “diễn”. Trẻ con đua hát nhạc người lớn để cạnh tranh… chất giọng với bậc cha chú, nhạc Việt vắng bóng, toàn xài nhạc ngoại. Có ca sĩ còn hát để…trả nợ!
“Le Nhaque” là cách gọi người “nhà quê” Việt một cách hài hước từ đầu thế kỷ trước. Nông dân hát mộc, không biết nốt, không có dụng cụ chỉnh, tăng âm hiện đại để “bơm” chất giọng, nhưng thừa sự vui vẻ hồn nhiên.
Có ông nhạc sĩ vừa thẳng thừng trên báo, rằng bây giờ “99% ca sĩ không đọc được nốt”. Ca hát chuyên nghiệp mà không đem lại gì về giá trị nghệ thuật, thăng hoa cảm xúc, mà chỉ chuốc thêm bực mình vì những chiêu trò, thì thà nghe Le Nhaque hát. Ít ra còn thoát được mồ hôi.