Lê Minh Sơn: ‘Nỗi đau’ về vi phạm tác quyền trên Internet ngày càng nhức nhối

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đau đáu với ấp ủ để nhạc sĩ sống bằng tác phẩm, đặt viên gạch “Đầu tiên, Tử tế và Minh bạch” để bảo vệ tác quyền, nhạc sĩ Lê Minh Sơn kỳ vọng giải quyết “nỗi đau” vi phạm tác quyền trên Internet.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể, ba năm trước anh từng hết sức kinh ngạc và bất bình khi nghe đài giới thiệu Tình đất của ca sĩ Anh Thơ, Gió mùa về của Trúc Nhân hay Nồng nàn Hà Nội gắn với một nhóm nhạc. Các nhạc sĩ sáng tác thường bị quên, bị “lờ đi” nên Lê Minh Sơn rủ người bạn giỏi công nghệ là ông Nguyễn Ngọc Hân cùng tạo ra MCM Online-xây dựng hệ sinh thái xuất phát từ khát vọng giải quyết “nỗi đau” chung về vi phạm tác quyền trên Internet ngày càng nhức nhối.

“Từ lâu tôi ước muốn tất cả các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam phải được tôn trọng, được xin phép khi sử dụng. Bản nhạc là đứa con tinh thần, là tài sản, là trí tuệ, là mồ hôi, là máu nên những tài sản vô giá này cần được bảo vệ, được trân trọng. Các nhạc sĩ cần được cung cấp thông tin đầy đủ về tác phẩm của mình được ai sử dụng, sử dụng ở đâu, sử dụng như thế nào. Nhạc sĩ cần được trả thù lao khi tác phẩm của mình được biễu diễn, được các bên khai thác kinh doanh”, Lê Minh Sơn nói.

Lê Minh Sơn: ‘Nỗi đau’ về vi phạm tác quyền trên Internet ngày càng nhức nhối ảnh 1

Lê Minh Sơn nói về mong muốn giải quyết "nỗi đau" vi phạm tác quyền trên Internet.

Lê Minh Sơn và cộng sự âm thầm xây dựng hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM, chính thức ra mắt ngày 22/2. MCM được xây dựng bằng hai công nghệ-bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking. Giải pháp bảo vệ và đánh dấu trên từng bản nhạc giúp tác giả có thể đo đếm chính xác số lượt sử dụng, theo dõi việc phân phối sử dụng tác phẩm trên internet.

“COVID-19 là cú hích cho nền công nghiệp âm nhạc và thu âm toàn cầu khi bản phát hành âm nhạc trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tới 18% trong năm 2021. Việc này có tác động lớn từ các nhạc sĩ khi họ có thêm các khoản thu nhảy vọt từ việc bán bản quyền trực tuyến cũng như ghi nhận xu thế nghe nhạc trực tuyến streaming đang chiếm 62% doanh thu trên toàn cầu. Nếu Việt Nam quản lý tốt vấn đề bản quyền trên Internet sẽ thúc đẩy ngành âm nhạc trực tuyến, thúc đẩy doanh thu rất lớn”, ông Ngọc Hân nói.

Lê Minh Sơn: ‘Nỗi đau’ về vi phạm tác quyền trên Internet ngày càng nhức nhối ảnh 2

Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ, thắc mắc một số vấn đề bảo vệ tác quyền của MCM.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, việc ra mắt hệ sinh thái là dấu mốc quan trọng trong hoạt động âm nhạc từ góc độ công nghệ bản quyền âm nhạc. “Bảo vệ bản quyền cũng như sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề trong nước mà cũng có những cam kết quốc tế quan trọng. Thực tế diễn ra đang phức tạp, gần như các nhà có tác quyền vẫn chưa được bảo vệ và cũng gây nhức nhối trong vấn đề quản lý”, ông nói.

Lê Minh Sơn: ‘Nỗi đau’ về vi phạm tác quyền trên Internet ngày càng nhức nhối ảnh 3

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn-đại diện MCM- và rapper Rica ký kết ủy quyền tác phẩm âm nhạc.

Đông đảo nghệ sĩ, nhà quản lý có mặt đều tò mò về MCM của Lê Minh Sơn như nhạc sĩ Giáng Son, NSƯT Trần Ly Ly-Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn-, rapper Rica…

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) nhận định, trong thời đại công nghệ số phát triển thì vấn đề bảo vệ bản quyền cũng rất sôi động đặc biệt câu chuyện bản quyền trong lĩnh vực số không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Chính vì sự thuận tiện trong môi trường số các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh chóng rộng rãi hơn. Nhưng bản quyền nếu thực hiện được thì mới có thể khuyến khích các tác giả đầu tư sáng tác.

Ngày 17/2/2022, hiệp ước của tổ chức SHTT thế giới về bảo vệ bản quyền tác giả WCT chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế. Ra mắt hệ sinh thái bảo vệ bản quyền là một trong những công cụ cùng góp phần bảo vệ bản quyền. “Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn, nhất là bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi đồng bộ hệ thống luật pháp cùng với sự tham gia các hiệp ước quốc tế thì chuyện thực thi, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền với sự góp phần của các nền móng công nghệ sẽ hiệu quả hơn”.

MỚI - NÓNG