Lê Minh Sơn: 'Đau đớn vì thức ăn bẩn'

Lê Minh Sơn đưa các nhân vật dân gian Cám, Cu Sứt, Chú Tễu... vào đêm nhạc sắp tới. Ảnh: Thanh Tuấn.
Lê Minh Sơn đưa các nhân vật dân gian Cám, Cu Sứt, Chú Tễu... vào đêm nhạc sắp tới. Ảnh: Thanh Tuấn.
TP - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn trở lại sân khấu với đêm nhạc duy nhất Tiếng khóc kêu trong hũ, Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 18/11. Anh đang học đàn đáy, học hát xẩm để trình diễn trong đêm nhạc. Chỉ có 2 giọng hát chưa từng xuất hiện giúp Sơn chuyển tải các thông điệp âm nhạc về một số vấn đề xã hội nóng bỏng. Lê Minh Sơn là tác giả của format Du ca Việt phát trên VTV nhưng đang dừng, chờ tài trợ.

Bài “Tiếng khóc kêu trong hũ” anh viết hộ Cám với động cơ gì?

Tôi cảm thấy cần phải thay đổi chút suy nghĩ về Tấm và Cám. “Vì người đàn ông chị yêu em cũng yêu/ Vì người đàn ông chị khát em cũng khát/ Bàn chân em to bàn chân em thô em cũng muốn nhỏ lại/ Đôi giày chị đi em cũng muốn đi vừa”. Cô Cám là người rất đáng yêu. Kể cả bà dì ghẻ cũng không xấu nếu xét ở góc độ người mẹ muốn làm tất cả những điều tốt cho con mình. Tất nhiên, dân gian đưa vào một số yếu tố quá kinh dị như làm mắm thì mình không hướng đến.

Hai năm Du ca đi qua 18 tỉnh đã làm anh thay đổi như thế nào?

“Người ta làm show kiếm tiền còn mình làm show để nói tiếng thế hệ của mình. Không có tiếng nói, không biết thế hệ chúng ta đang nghĩ gì, làm gì hay chỉ biết cảm thán trên Facebook. Cứ bảo giới trẻ thích nhạc Hàn vì nhạc Việt không ai làm cả. Muốn định hướng phải làm đi, không thể nào chỉ ra rả ôi âm nhạc Việt Nam hay lắm. Khi Du ca đến ĐH Vinh, 20 ngàn sinh viên không thể tưởng tượng sao ví dặm lại hay như thế. Tuyên truyền về danh hiệu di sản được UNESCO công nhận dễ, lột tả được cái hay cái đẹp của ví dặm trên sân khấu không phải ai cũng làm được”.     

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn

Đi về mới ra được Tiếng khóc kêu trong hũ. Thấy nhiều vấn đề xã hội quá. Mà tôi thích đụng chạm đến những vấn đề gai góc. Ngày xưa thông điệp mà mình tự hào là À í a: Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi… Chính trên quê mình cũng thế. Kiện cáo tùm lum hết cả. Dân đúng là không có đất thì rất khổ. Tất nhiên là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng làm ào ạt như vậy thì đúng là kinh khủng quá. Ví dụ cứ mua 20 triệu/sào và đẩy lên bán 40 triệu/m. Như thế thì đúng là bi kịch cho bà con. Gần đây cũng có nhiều vấn đề thực sự đau đớn về thức ăn. Dạo này tôi ăn chay nhiều hơn ăn thịt mới thấy rau và nguồn thực phẩm không biết tin ai bây giờ. Làm sao mà chúng ta có thể tự trồng một vườn rau an toàn. Người nông dân bây giờ trồng hai ruộng rau, một để ăn, một để bán, đấy chính là bài Hai ruộng rau. Hay Sứt sựt sừn sưn đưa ra vấn đề: “Ngày xưa các cụ nhà ta vẽ lên trong chiếu chèo Cu Sứt/ Ngày nay trong chiếu đời đầy rẫy sứt mẻ về tâm hồn/ Sứt mẻ về nhân cách/ Được mỗi hình thức miễn chê…”.

Nhưng rút cuộc những bài hát như thế cũng vẫn thiên về giải trí mà thôi…

Tôi không nghĩ thế. Âm nhạc của tôi người ta cho là giải trí nhưng đó đều là những vấn đề mình đau đáu. Ví dụ một bức tranh cổ động hoặc một bài báo đọc xong người ta để đấy, nhưng một bài hát sẽ ở lại cùng thông điệp của âm nhạc. Như thông điệp Hai ruộng rau đưa ra, người nghe cũng phải nhức nhối chứ. Dần dần người ta cũng phải hướng thiện chứ không thể sống mãi như thế này được.

Nhạc của anh có tính xã hội và tính kịch, sao anh không làm nhạc kịch?

Tiếng khóc kêu trong hũ chính là một trích đoạn trong nhạc kịch của tôi đấy. Đấy chính là vở nhạc kịch pop dân gian đầu tiên của Việt Nam, nhưng không có tiền để dựng...

Dùng chất liệu dân gian đồng thời in thuyết minh bằng tiếng Anh, phải chăng anh muốn hướng tới thị trường quốc tế?

Đã đến lúc. Giờ mình mới đủ sự tự tin về ngôn ngữ âm nhạc cũng như sự từng trải, nắm bắt được thị trường cũng như xu hướng thế giới. Với người nước ngoài, ngoài bản sắc của ông bà chả có gì để nói cả. Người nước ngoài đến đây xem Hội An, chơi Bờ Hồ chứ mấy ai đi xem khách sạn Hilton.

Ba năm vừa rồi tách khỏi sinh hoạt showbiz sôi động, anh rút ra điều gì?

Sôi động thì báo chí vẫn mô tả. Nhưng lâu lắm không có cái gì rúng động trong giới nhạc. Tôi để ý 10 năm nay gần như không có tác phẩm âm nhạc nào đưa ra tạo được tiếng vang, tạo được xu hướng để kéo con người đến gần với con người hơn. Hầu hết toàn là cổ động, hầu hết chỉ toàn là kiếm ăn, bắt chước. Bài hit giỏi lắm được 6 tháng 1 năm- hết. Một luồng sinh khí đậm chất dân tộc không có, mà phải cập nhật với thế giới văn minh. Để người ta đến và nghe ra à người Việt Nam là như thế. Đấy là khát vọng của tôi, chứ tôi không kỳ vọng bản thân có thể làm được điều đó.

MỚI - NÓNG