Các DN cho rằng, điểm sáng nổi bật có sự chuyển biến rõ nhất là tiếp cận nguồn thông tin về thị trường, công nghệ tốt hơn; đường sá, sân bay; điện nước, xử lý rác thải tốt hơn; cung ứng lao động có tay nghề; cán bộ công quyền có thái độ, ý thức trách nhiệm cũng được cải thiện.
Tuy nhiên, điểm đáng ngại của giới kinh doanh là lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm và giá bán bình quân giảm sút. Trong số các DN được khảo sát (đang hoạt động), có 7,6% DN tạm dừng hoạt động, trung bình 2,5 tháng, ít nhất là 1 tháng, nhiều nhất là 6 tháng. Lý do dừng vì không có đầu ra, và không vay được vốn.
Năm 2013, dù lãi suất giảm 2-3% so năm ngoái, nhưng vẫn cao. Mặt khác, do tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng cao, nên các DN khó tiếp cận vốn, thời gian để vay được cũng kéo dài hơn, không như dự cảm sẽ thuận lợi trước đó của DN. Gần 35% DN không vay vốn do lãi suất cao. Gần 33% DN được hỏi vẫn phải vay lãi suất trên 12%; có trên 64% số DN được hỏi cho rằng sẽ gặp khó khăn với mức lãi này, nếu phải chịu trong dài hạn.
Tổng Thư ký VCCI, bà Phạm Thị Thu Hằng cho hay, năm 2014, trên 90% DN được hỏi sẽ giữ nguyên và mở rộng quy mô kinh doanh, do cảm nhận thấy triển vọng từ nền kinh tế và sẵn lao động có tay nghề, thậm chí cả vị trí chủ chốt. Các DN cũng kỳ vọng ở độ mở của thị trường, chính sách ưu đãi thuế và khả năng huy động vốn được cải thiện; tiếp đó là cải thiện về hạ tầng và các chương trình hỗ trợ DN.