Lê Hùng Phong: Dạy đàn như dính doping

Ảnh: Lê Anh Dũng.
Ảnh: Lê Anh Dũng.
TP - Cộng đồng guitar Việt Nam không lạ gì Lê Hùng Phong, thành viên guitar accor của ban nhạc Lãng Du, người sáng lập CLB guitar Lê Nguyễn Trần… Thế nhưng đằng sau những câu chuyện của giới biểu diễn, có một Lê Hùng Phong khác được rất đông sinh viên gọi là thầy, có nhiều người trước khi bước chân vào showbiz là nhờ thầy Phong.

Phổ cập guitar cho 15.000 người

Sinh năm 1974, tốt nghiệp guitar điện tại Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội nhưng không thỏa mãn, Phong tiếp tục học guitar cổ điển tại Nhạc viện Hà Nội,  thành danh Phong Guitar chuyên chơi flamenco và pop.

Phong đi diễn khoảng chừng chục năm, luôn “cháy vé” nhưng không thực sự “thuộc về showbiz”. Anh không có tướng nghệ sĩ, trông bề ngoài chỉn chu hiền lành dù trong lý lịch “Phong kin” cũng từng là một cái tên có trong “bảng phong thần” của một khu vực của Hà Nội.

Khoảng những năm 2000, một người quen của Phong mở quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh. Thấy tình hình làm ăn của bạn không mấy khả quan, anh đề nghị mở lớp dạy guitar miễn phí cho khách ngay tại quán. Về phần thầy, thù lao chỉ cần “5 điếu thuốc và một ly cà phê” mỗi buổi. Khóa học đầu tiên của Phong guitar bắt đầu với gần 50 học sinh. Phong kể, anh “lãi to” nhờ lớp học miễn phí ấy. Bởi vì học không mất tiền nên học sinh rất thoải mái, hỏi đủ thứ trên đời, yêu cầu cũng lắm. Có câu thầy trả lời ngay được, có câu phải khất về nhà tra cứu thêm. Nhờ thế, Phong nắm được nhu cầu của mọi người về một khóa guitar cơ bản, giáo trình xóa mù guitar cũng manh nha hình thành.

Năm 2002, Phong thành công tổ chức Festival guitar đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó anh thành lập CLB guitar Lê Nguyễn Trần, được các trường đại học mời đi dạy guitar cho sinh viên “tối tăm mặt mũi”. Ba tháng một khóa, Phong lăn lộn từ ĐH Xây dựng, sang Bách khoa, Kiến trúc, Giao thông vận tải, Ngoại ngữ, Thương mại v.v… Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Phong bảo đã dạy khoảng 15.000 người, được cộng đồng Guitar đánh giá “là một trong số rất ít những nghệ sĩ guitar cổ điển đem lại ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển sâu rộng của phong trào guitar trong giới học sinh sinh viên”.

Lê Hùng Phong: Dạy đàn như dính doping ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Khoảng chục năm đổ lại đây, Phong soạn ra một giáo trình dạy guitar ứng dụng phần mềm trên máy tính gọi là Guitar Pro, cho phép người học rút ngắn thời gian “chơi guitar thành thạo” xuống chỉ còn hai tháng.

Rất nhiều học sinh của Phong thất bại trong việc tiếp cận guitar theo phương pháp cũ, đã nhanh chóng có thể đệm đàn chỉ sau 15 buổi học. Trong một số cuộc trà dư tửu hậu, Phong bảo có thể dạy “người mù âm nhạc” sau nửa tiếng nhớ được mọi hợp âm trên đàn guitar. Những người lần đầu nghe chuyện này đều cá là không thể. Kết cục Phong “đã thắng không biết bao nhiêu chầu bia”!

Trong lớp học của thầy Phong, học trò nhỏ nhất 8 tuổi, học trò lớn nhất bảy mấy tuổi. Bác Nguyễn Ngọc Thụ (65 tuổi, nguyên kỹ sư điện của Tổng công ty Điện lực I) từng học guitar từ nghệ sĩ nổi tiếng Hải Thoại, vẫn đều đặn đến lớp vào mỗi sáng thứ 7. Những trường hợp mấy anh em cùng học thầy Phong hoặc bố mẹ rồi đến con cùng theo học là chuyện không hiếm. Sinh thời, ca sĩ Trần Lập cũng từng đích thân chở con trai đến lớp của thầy Phong để gửi gắm.

Để chuyên nghiệp hóa các khóa dạy guitar, hướng tới sẽ tổ chức thi lấy chứng chỉ quốc tế cho học viên (giúp học sinh cộng điểm khi du học) hàng năm thầy Phong đều tổ chức thi sát hạch và mời những giảng viên chính quy đến chấm. Thầy Ngô Đăng Quang (trưởng khoa Guitar Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội) cho biết: “Cách dạy của Phong thực sự làm tôi ngạc nhiên, không ngờ chỉ trong một thời gian rất ngắn (6 tháng đến một năm) mà học sinh đã có đầy đủ tố chất để thi vào các trường chuyên nghiệp”.

Lê Hùng Phong: Dạy đàn như dính doping ảnh 2

Những học trò đặc biệt

Một trong những học trò lâu năm nhất của Lê Hùng Phong phải kể đến bà Wantanabe (người Nhật, vợ Tổng giám đốc linh kiện Honda Việt Nam). Trước đó, bà Wantanabe đã ba lần mời Phong làm gia sư nhưng anh đều từ chối. Nhân một cơ duyên, Phong nhận lời làm thầy giáo cho bà Wantanabe, cũng không ngờ cái duyên ấy kéo dài suốt 5 năm. Khi chia tay, học trò người Nhật tặng thầy một cây guitar rất “xịn” kèm số tiền học phí gấp đôi so với những thầy dạy guitar trước đó của bà.

Ca sĩ Đồng Lan cũng từng có mối duyên âm nhạc đặc biệt với Lê Hùng Phong. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, cô đều nhấn mạnh lời cám ơn với “thầy Phong”: dạy cô chơi guitar, kéo cô đi hát cùng và giới thiệu cô vào ban nhạc Lãng Du. Lan bảo, đến khi đó mới có ý niệm sẽ trở thành ca sĩ. Sau này, mỗi lần nhớ đến quãng thời gian đi hát ở Hà Nội, Lan đều sẽ nhắc tên “thầy Phong” và những suất diễn khuya, hát chưa đã, cả đội lại kéo nhau đến một quán nhỏ đàn hát cho đến khi “bị quán đuổi mới về”.

Ca sĩ Song Tú cũng đi con đường gần giống Đồng Lan: học guitar Lê Hùng Phong, được kéo vào Lãng Du band biểu diễn, sau đó chính thức bước chân vào showbiz.

Duy Tùng (trưởng nhóm nhạc Bão Biển) kể về Lê Hùng Phong: “Tôi chân ướt chân ráo lên Hà Nội tính thi vào Nhạc viện. Anh Phong (chỉ qua một lời giới thiệu) thương tôi lắm, chạy vạy cho tôi đủ kiểu. Nhưng vào trường Nghệ thuật Hà Nội thì họ đòi 27 triệu mới được thi! Nhà tôi làm gì có từng ấy tiền, qua Cao đẳng nghệ thuật trung ương thì hết hạn hồ sơ, Cao đẳng nghệ thuật Quân Đội thì cũng hết hạn… Anh Phong liền gửi tôi đến nhà thầy C. (phó khoa guitar Nhạc viện hồi đó) học với hi vọng là còn nước còn tát”…

Năm đầu tiên, đúng như thầy Phong dự đoán, Tùng trượt vì “đánh còn non”. Năm sau, Tùng thành học trò của Phong guitar. Thành danh rồi, thủ lĩnh của Bão Biển vẫn nhớ: “Nhà anh Phong ở gần chỗ tôi trọ, đạp xe tầm chục phút là tới. Anh Phong quý tôi lắm, dạy tôi học không lấy tiền, có lần hết tiền nhịn đói đi học, bấm đàn mà tay run run, anh hỏi tôi: “Sáng chưa ăn gì đúng không? Đói không, anh cho tiền sang kia ăn gì rồi vào học, xa nhà túng quá thì đến bữa sang đây ăn cơm với anh”. Tôi cảm động quá, khóc ngay lúc đó”.

Những học trò được thầy Phong dạy miễn phí không phải chỉ có Duy Tùng. Nhiều em mê guitar nhưng đến học chỉ dám rón rén ngồi cuối lớp, học phí luôn nộp muộn. Thầy Phong bảo: thầy cho con nợ, khi nào con có tiền thì trả thầy! Lại có trò quá khó khăn, thầy dặn: thầy không thu tiền học phí của con tháng này, coi như học bổng. Nhưng nếu tháng sau con học không tốt là bị cắt “học bổng”!

Anh Phong dạy tôi học không lấy tiền, có lần hết tiền nhịn đói đi học, bấm đàn mà tay run run, anh hỏi tôi: “Sáng chưa ăn gì đúng không? Đói không, anh cho tiền sang kia ăn gì rồi vào học, xa nhà túng quá thì đến bữa sang đây ăn cơm với anh”.

Duy Tùng (trưởng nhóm nhạc Bão Biển) kể về thầy Lê Hùng Phong

Thầy giáo nghèo

Thầy Phong rất đông học sinh, dạy guitar hơn chục năm nhưng để mua cho vợ con một cái Kia Moring vẫn là một kế hoạch nằm trong… mơ ước.

Hè rồi, com cóp đủ tiền mua xe thì anh lại bị một cái guitar hớp hồn. Có một Mạnh Thường Quân biết chuyện, hào sảng bảo tặng anh một nửa. Phong bảo: đợi khi buổi biểu diễn từ thiện (để gom tiền tặng trẻ vùng cao) của anh kết thúc, nếu có người muốn mua lại đàn anh sẽ trả tiền cho người ta.

Bởi vì dạy học lâu năm, Phong guitar cực kỳ đông fan. Nhiều ông bầu biết thế, muốn mời anh tham gia biểu diễn, nhưng Phong nhận lời theo cảm hứng. Nếu thấy bất cứ cảm giác “lăn tăn” nào anh sẽ từ chối, cho dù cát xê những chương trình như thế không hề thấp.

Những bản nhạc Phong soạn riêng cho guitar được nhiều nhà sản xuất tỏ ý mua lại, Phong chuyển ngay và luôn nhưng kiên quyết không lấy nhuận bút. “Họ dùng cho là may rồi”! Với lại, giữa việc “bán được mấy đồng” mà bị “củ hành củ tỏi”, anh chọn “cho mượn” để bớt việc.

Bạn bè bảo Phong mê guitar đến ngốc. Cứ nghe đến việc dạy guitar là như dính doping cho dù không ít lần cũng chính những dopping ấy làm “bẽ mặt”. Chẳng hạn, đề nghị dạy guitar miễn phí cho sinh viên một trường nghệ thuật bị từ chối thẳng vì lo trong đó có “thuyết âm mưu”. Hay là mong muốn dạy guitar cho bộ đội cũng bị xếp lại vì “chưa được duyệt”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.