Khách sạn Vị Hoàng, 1 trong 4 khách sạn lớn nhất ở Nam Định, với hàng trăm phòng nghỉ, cũng rơi vào tình trạng "cháy" phòng trước lễ hội Đền Trần. Vào khoảng 10h hôm nay (17/2), lễ tân của khách sạn này thông báo với khách hỏi thuê phòng: “Chúng tôi chỉ còn duy nhất một phòng đôi, giá là 1.500.000 đồng cho đêm mai (thời điểm khai hội Đền Trần). Nếu muốn đặt phòng, quý khác phải đăng ký ngay vì liên tục có khách điện đến đặt phòng cho đêm mai”.
Ở 3 khách sạn lớn còn lại là Sơn Nam, Lakeside 1, Lakeside 2, nhân viên lễ tân đều thông báo đã hết phòng cho ngày 18/2. Nhân viên lễ tân của khách sạn Sơn Nam chia sẻ với khách: “Chắc anh năm nay mới đi khai ấn lần đầu. Nếu muốn có phòng đẹp hôm khai ấn, anh phải đặt phòng trước đó cả nửa tháng, nếu không phải ở phòng nhà nghỉ vừa xấu, vừa đắt”.
Quanh khu vực bán kính 2 km cách đền Trần, dọc trục đường 10, đường Trần Thánh Tông, khu đô thị Hoà Vượng, xã Lộc Vượng mật độ nhà nghỉ khá dầy. Thế nhưng khi khách hỏi thuê phòng vào sáng 17/2, hầu hết các cơ sở lưu trú ở khu vực này đều trả lời giống nhau: “Đã hết phòng cho đêm mai, 14 tháng Giêng”.
Lác đác ở khu vực này có một vài nhà nghỉ còn phòng nhưng mức giá được "hét" chóng mặt. Đơn cử, nhà nghỉ T.D còn khoảng 8, 9 phòng nhưng thông báo giá phòng ngày 18/2 là 2.000.000 đồng/phòng đôi 2 giường to, 1.000.000 đồng/phòng đôi 2 giường nhỏ, 700.000 đồng cho phòng đơn 1 giường. Theo người dân bản địa, mức giá này cao gấp 3 lần so với ngày thường.
Một vài nhân viên lễ tân ở các nhà nghỉ còn “bật mí”: “Một số chủ khách sạn ở thành phố Nam Định chấp nhận “đánh cược”. Thời điểm này, họ đóng cửa, không nhận khách đặt phòng đêm khai ấn. Tối mai, họ mới mở cửa nhận khách lỡ độ đường. Giá phòng lúc đó là... trên trời, có khi lên tới vài ba triệu/phòng mà khách vẫn phải ở vì không còn chỗ trú chân”.
Ở các khu vực xa đền Trần hơn như đường Trần Nhân Tông, đường 21 phía bên kia cầu Đò Quan, đường Song Hào…, số lượng phòng được đặt cho đêm mai cũng chiếm tới hơn 60%. Giá phòng dao động từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng/phòng đôi, 500.000 đồng đến 700.000 đồng/phòng đơn, cao gấp 2 lần giá ngày thường.
Không chỉ phòng nghỉ, các dịch vụ khác, đặc biệt là hàng ăn, cũng tăng giá. Anh Trần Văn Tuấn, một du khách cùng gia đình đi lễ đền Trần ngày 16/2, cho biết: Dịp trước Tết Nguyên Đán, một quán ăn trên đường Đông A tính giá 350.000/nồi lẩu, bây giờ tăng lên 500.000 đồng.
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và tỉnh Nam Định kiểm tra an toàn thực phẩm tại khu vực đền Trần
Chị Trần Thị Hoa, một chủ quán ăn trên đường Đông A, thừa nhận việc tăng giá là có thật. “Năm nào cũng thế, các đầu mối cung cấp thực phẩm cho nhà hàng, quán ăn đều “găm hàng” từ trước khai ấn cả tuần. Giáp khai ấn họ bảo nhau tăng giá nên nhà hàng cũng phải tăng theo. Chưa kể khai ấn diễn ra nửa đêm, tiền công đầu bếp, nhân viên đều phải tăng gấp 3 họ mới chịu làm”, chị Hoa lý giải.
Một cán bộ Quản lý thị trường của tỉnh Nam Định cho biết việc quản lý giá phòng và hàng ăn rất khó vì giá phòng, giá ăn chỉ tăng đột biến vào đêm khai ấn, khách hầu hết đặt phòng, thỏa thuận giá với chủ nhà nghỉ, khách sạn, không lấy hoá đơn và đặc biệt là không phản ánh việc bị “chặt chém” này đến cơ quan chức năng lên không có cơ sở giải quyết.
Công an Nam Định tổng duyệt phương án bảo vệ đêm khai ấn tại đền Trần
Theo bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Đền Trần, dù đã huy động tối đa lực lượng liên ngành, nhưng do lượng người đổ về trong đêm khai ấn quá lớn, lên tới vài vạn người nên khó tránh khỏi bỏ sót. Bà Oanh đề nghị: “Chúng tôi đã thông báo số điện thoại của đường dây nóng, đồng thời bố trí các chốt trực ở tất cả các điểm “nóng” trong lễ hội đền Trần. Nếu bị "chặt chém", gây khó dễ, đề nghị người dân điện vào đường dây nóng, tôi khẳng định sẽ có lực lượng chức năng đến để ngăn chặn hiện tượng này”.