Năm nay, các hoạt động trong lễ khai ấn diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20/2/2019 (tức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng Âm lịch) - UBND TP Nam Định cho biết, tại buổi họp báo về tổ chức Lễ khai ấn đền Trần năm 2019 diễn ra chiều nay, 21/1.
Cụ thể, ngày 15/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) sẽ tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Ngày 16/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) sẽ tổ chức lễ rước nước, tế cá. Đêm 18/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) sẽ diễn ra nghi lễ chính là lễ khai ấn.
Sau khi rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, 14 cụ cao niên đại diện dòng họ Trần sẽ thực hiện nghi lễ đóng ấn vào lúc hơn 23 giờ đêm. Việc phát ấn cho người đi lễ và du khách thập phương sẽ được bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau, 19/2.
Về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, văn hoá lễ hội tại lễ khai ấn đền Trần năm nay, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Di tích đền Trần, Phó trưởng Ban tổ chức (BTC) lễ khai ấn đền Trần năm nay cho biết, việc đặt camera giám sát tại đền Trần từ năm 2018 đã phát huy hiệu qủa rõ rệt, ngăn chặn được nhiều hành vi phản cảm, thiếu văn hoá và mất an ninh trật tự trong lễ hội. Vì vậy, năm nay BTC sẽ tiếp tục đặt 16 camera giám sát tại đền Trần. Đến nay, lễ khai ấn đã đảm bảo phục dựng đầy đủ các nghi lễ truyền thống gồm khai ấn, rước kiệu ngọc lộ và rước nước, tế cá.
Để ngăn chặn việc xuất hiện ăn mày, ăn xin tại lễ hội, UBND thành phố đã cử đoàn công tác chuyên ngành trực tại đền Trần trong thời gian diễn ra lễ hội, phát hiện là cử xe đưa ăn xin, ăn mày tới trung tâm bảo trợ xã hội. Đối với vấn nạn “chặt chém” du khách, Nam Định tổ chức 3 đoàn kiểm tra tuần hành liên tục trong thời gian diễn ra lễ hội, nhất là thời điểm khai ấn (ngày 18/2), đồng thời niêm yết đường dây nóng tại các điểm trông giữ xe, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn… để “xử lý nóng” các tình huống.
Đối với vấn đề được dư luận quan tâm là tại lễ hội khai ấn năm 2018 vẫn xuất hiện tình trạng một số người, được cho là quan chức có hành vi ném tiền lên kiệu ấn, cướp lộc trên ban thờ, bàn lễ để cầu quan, cầu lộc, tạo hình ảnh phản cảm cho lễ hội, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nam Định, Trưởng BTC lễ hội khai ấn đền Trần năm 2019 thừa nhận đúng là vẫn có những hành vi thiếu văn hoá này.
Tuy nhiên, theo bà Oanh, ngay sau lễ khai ấn năm 2018, BTC đã trích xuất camera, xác định không có công chức, viên chức, cán bộ do thành phố quản lý tham gia hành vi phản cảm này. “Nếu không phải là đối tượng do thành phố quản lý thì không thể xử lý được. Năm nay, trong phương án an ninh, chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng an ninh và nhân viên nhà đền giám sát chặt chẽ quan khách, người dự lễ, ngay khi thấy có biểu hiện sẽ nhắc nhở, ngăn chặn ngay”, bà Oanh nói.
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nam Định, Trưởng BTC lễ hội khai ấn đền Trần năm 2019 cho biết: Đến nay, Nam Định đã phục dựng đủ 3 nghi lễ chính của lễ hội này là lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước tế cá và lễ khai ấn, hiện đang tiến hành thuê chuyên gia, các nhà nghiên cứu để phục dựng một số hoạt động ở phần Hội như điệu múa Bài Bông (điệu múa mừng chiến thắng) và một số trò chơi dân gian cổ để tái hiện đầy đủ lễ hội này.