Lễ hội Bánh mỳ sẽ quy tụ 120 gian hàng của các đơn vị kinh doanh nhà hàng ẩm thực, các tiệm bánh mì, các nhà cung cấp nguyên liệu không chỉ tại TPHCM mà còn cả các doanh nghiệp trong các tỉnh thành khác, các nhà cung cấp nước ngoài...
Bánh mì Việt |
Ngoài việc giới thiệu những loại Bánh mì truyền thống đã trở thành thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, Lễ hội cũng giới thiệu nhiều loại bánh mì nổi tiếng khắp thế giới như bánh mỳ Pháp, bánh mì Ý. Đặc biệt Lễ hội sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề "Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam" với việc giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì do các đầu bếp nổi tiếng đảm nhận. Cũng tại Lễ hội Bánh mì, thương hiệu bánh mì Nguyên Sinh sẽ tổ chức trình diễn làm Bánh mì và phát miễn phí cho những người tham dự Lễ hội.
Bánh mì Việt đã từng được tôn vinh |
Không chỉ triển lãm- giới thiệu về Bánh mì, BTC Lễ hội Bánh mì lần đầu tiên này còn dành không gian với chương trình khởi nghiệp từ xe bánh mì cho phụ nữ và học viên ngành bánh; chương trình tôn vinh "Tốp thương hiệu bánh mì lâu đời và nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam". Các chuyên gia ẩm thực, chuyên gia kinh tế sẽ giới thiệu những ưu thế về kinh doanh Bánh mỳ trong việc khởi nghiệp, định hình thương hiệu riêng khẳng định sự sáng tạo món ăn phong phú từ bánh mỳ.
Ngày 20/3/2023, chuyên trang ẩm thực mang tên TasteAtlas đã vừa công bố danh sách 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới do du khách bình chọn, trong đó Bánh mì của Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách này.
Theo đại diện BTC Lễ hội Bánh mì, bánh mì Việt Nam làm nên thương hiệu là nhân bên trong với sự đa dạng từ rau, củ quả đến thịt, cá, trứng đã qua chế biến. Chính vì thế, Bánh mì Việt Nam có thể là món ăn chơi hay là món ăn chính trong bữa ăn, thậm chí chỉ một ổ bánh mì cũng sẽ tạo được một bữa ăn với đầy đủ dinh dưỡng.
Một xe Bánh mì trên đường phố tại TPHCM |
Theo BTC, thế giới đã có Ngày Bánh mì 16/10 thì Việt Nam cũng cần có ngày Bánh mì Việt Nam. Bởi với vị trí và vai trò quan trọng, Bánh mì Việt Nam cũng xứng đáng có một ngày để tôn vinh như thế. Trong từ điển Oxford đã ghi danh từ “Banh mi VietNam” vào ngày 24/3/2011, chính thức ghi nhận món ăn này bằng tên gọi thuần Việt nên BTC mong muốn ngày 24/3 sẽ được gọi là Ngày Bánh mì Việt Nam.