Một số nhà văn thời chống Mỹ thường thật thà tâm sự: Chẳng rao bán sách bao giờ, cũng ngại không tham gia ra mắt sách và ngại tự xếp hạng đứa con của mình, vì tâm lí của họ chưa xem sách như một “món hàng”, chưa xem mình là “người bán hàng” đặc biệt. Còn Lê Hoàng thì khác, hãy nghe anh quảng cáo “Donald Trump và cô bé Sài Gòn”: “Đây là câu chuyện kỳ lạ nhất trên đời mà các bạn đọc từ trước tới nay. Tôi tin chắc chắn là như thế. Kỳ lạ đến mức bạn phải nghĩ nó là sự thật chứ không thể được viết ra bởi một trí tưởng tượng điên rồ”. Cũng chưa thấy đơn vị nào “đánh thuế” việc quảng cáo sách, cho nên thị trường sách thoải mái “lăng xê”. Lê Hoàng thích nói gì liên quan đến cuốn sách của anh cũng được. Tin hay không tin tùy thuộc “thượng đế”.
Nhưng chẳng hiểu thế nào nhân vụ “Donald Trump và cô bé Sài Gòn”, Lê Hoàng lại quất liên tiếp vào làng văn: “Tôi thấy người viết nước mình cực kỳ lười, cực kỳ hay kêu ca, cực kỳ chậm và cực kỳ giống nhau. Kết quả là ra nhà sách người đọc chỉ thấy toàn những tạp bút, những mẩu viết lăng nhăng ngôn tình. Yêu đương thế này, thất tình thế kia…”. Những nhà văn Việt chủ trương viết ngắn đi, hãy tham khảo lời phê của Lê Hoàng: “Cứ ra hiệu sách mà xem, hầu hết sách văn học Việt Nam hiện nay đều vô cùng mỏng, đặc biệt là văn học dành cho giới trẻ thường chỉ trên dưới hơn 100 trang”. Anh cho rằng: “Rất nhiều khả năng như vậy là sơ sài”. Hình như khi tưởng tượng “Donald Trump và cô bé Sài Gòn” Lê Hoàng cũng có tí mộng mơ: “Điện ảnh Mỹ đứng đầu thế giới mọi người có biết tại sao không? Tại vì đa số phim bom tấn của nó là phim viễn tưởng. Cả nhân loại đều xem chiến tranh giữa các vì sao, mặc dù nhiều người chưa tự bay lên khỏi mái nhà”.
Sau những phát ngôn của Lê Hoàng, những “thượng đế” nhẹ dạ mơ làm tổng thống có khi nhanh chóng đi mua sách của anh. Còn ai đó ôm ấp giấc mơ giải Nobel văn chương sẽ có ngày đến tay nhà văn Việt lại khấp khởi mừng thầm. Đang mùa kết nạp hội viên, Hội nhà văn Việt Nam nên chăng lưu ý trường hợp Lê Hoàng, “cha đẻ” của những “câu chuyện kỳ lạ? (Nên nhớ, Lê Hoàng còn là tác giả truyện dài, “Anh không là con chó của em”, cũng được quảng cáo là “một câu chuyện kỳ lạ”).