Lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ đã có mặt trên lễ đài theo dõi cuộc biểu dương lực lượng của 15.000 binh lính cùng các loại vũ khí, trong đó có một số được xem là mới nhất và mạnh nhất như máy bay không người lái siêu thanh, tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Bài diễn văn của Chủ tịch Tập nhấn vào sự nhảy vọt về kinh tế của Trung Quốc và vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản.
“Không lực lượng nào có thể làm lay chuyển vị thế của đất nước vĩ đại này. Không thế lực nào có thể ngăn người dân Trung Quốc và đất nước Trung Quốc tiến lên phía trước”, ông Tập nói. Trong buổi lễ trọng đại hôm qua, Chủ tịch Tập mặc bộ quần áo sẫm màu, giống kiểu trang phục của người tiền nhiệm Mao Trạch Đông. Vào ngày 1/10/1949, Chủ tịch Mao cũng ở quảng trường Thiên An Môn tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Đứng trên xe mui trần màu đen mang nhãn hiệu Hồng Kỳ, Chủ tịch Tập ra lệnh cho thượng tướng không quân Ất Hiểu Quang, tư lệnh Chiến khu Trung ương, bắt đầu cuộc duyệt binh, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.
Sau đó xe của Chủ tịch Tập đi chậm dọc theo Đại lộ Trường An, duyệt đội danh dự gồm 15 đội hình bộ binh và 32 đội hình khí tài quân sự với 580 loại vũ khí, trang bị.
Mỗi khi đi ngang qua một đội hình, ông Tập, qua hệ thống microphone, nói: “Chào các đồng chí” và “Các đồng chí vất vả rồi”. Binh lính đồng thanh hô vang: “Chào chủ tịch”, “Vì nhân dân phục vụ”.
Bài tường thuật trên Guardian nhắc lại rằng vào ngày 1/10/1949, không quân Trung Quốc chỉ có 17 máy bay và vì thế tại cuộc diễu binh hôm đó, các máy bay được lệnh bay qua lễ đài hai lần, để người ta có cảm giác không quân đông đảo hơn thực tế. Hôm qua, hàng chục chiếc máy bay đủ loại, trong đó có cả những máy bay hiện đại nhất và mới nhất như tiêm kích tàng hình J-20, máy bay ném bom H-6N đã diễu qua lễ đài.
Dịp kỷ niệm 70 năm lập quốc lần này là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, trong khi Liên Xô, từng là quốc gia hỗ trợ Trung Quốc trong những ngày đầu, đã không còn nữa. Trung Quốc đã nhiều năm nghiên cứu về sự sụp đổ của Liên Xô để tránh lặp lại những sai lầm tương tự.
Nhưng Trung Quốc đang phải đối đầu với những thách thức nghiêm trọng. Một cuộc chiến thương mại dai dẳng và tốn kém cùng lúc đe dọa nền kinh tế của cả Trung Quốc và Mỹ. Đang tồn tại những lo ngại từ quốc tế về chiến lược thi triển sức mạnh vượt qua biên giới của các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải cũng như các vấn đề quốc nội.
Trong diễn văn, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa “duy trì sự phồn vinh và ổn định lâu dài” của Hong Kong và nói chính phủ cam kết bảo đảm chế độ tự trị có giới hạn “một quốc gia, hai chế độ” ở thành phố này.
Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm và duyệt binh, thủ đô Bắc Kinh đã ban hành nhiều lệnh cấm, từ thả diều tới thả rông chim bồ câu hay chơi thiết bị bay không người lái (drone). Người dân sống dọc theo tuyến đường duyệt binh được lệnh rời nhà trước khi lễ diễn ra, theo Guardian.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam đã có mặt ở Bắc Kinh tham dự lễ kỷ niệm. Người ta trông thấy bà trên khu VIP trông ra quảng trường Thiên An Môn.
“Khoe” vũ khí mới
Trong dịp này, một loạt các vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại được mang ra trình diễn, bao gồm Đông Phong 41 (DF-41), loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc. Tân Hoa Xã nói DF-41 có tầm bắn 14.000km, có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân độc lập, có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên trái đất. Và cũng lần đầu tiên, Trung Quốc công khai tên lửa đạn đạo DF-17, được nói là có khả năng bay siêu thanh, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh (1.235km/h) trở lên.