Lấy ý kiến siêu tốc “Dự án kè biển 140 tỷ bỏ sót 500m xung yếu”?

Đoạn bờ biển xung yếu tại tổ 4, tổ 5 (Hòa Hiệp Bắc) được cho nằm ngoài dự án kè biển Liên Chiểu.
Đoạn bờ biển xung yếu tại tổ 4, tổ 5 (Hòa Hiệp Bắc) được cho nằm ngoài dự án kè biển Liên Chiểu.
TP - Báo Tiền Phong ngày 22/12 có bài phản ánh “Kè biển 140 tỷ đồng bỏ sót 500m xung yếu: Trưởng ban quản lý quyết từ chối trả lời”, Ban quản lý (BQL) các dự án đầu tư và xây dựng quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã có văn bản giải thích. Tuy nhiên, theo Trưởng BQL thì dự án kè biển này có tốc độ tham vấn ý kiến cộng đồng siêu tốc.

“Nằm ngoài dự án”

Theo báo cáo của BQL các dự án đầu tư và xây dựng quận liên chiểu do ông Ông Trường Phúc (Trưởng ban) ký, dự án đê kè biển Liên Chiểu - Kim Liên (đoạn từ cầu Trắng đến cảng nhà máy xi măng Hải Vân) được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt vào tháng 10/2015 với tổng mức đầu tư hơn 143 tỷ đồng; phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán vào tháng 9/2016 với tổng mức đầu tư hơn 99 tỷ đồng với tổng chiều dài tuyến là 1.500m.

Dự án lấy nguồn vốn từ ngân sách trung ương, chủ đầu tư kiêm điều hành dự án là UBND quận Liên Chiểu. Đơn vị thi công là liên danh Cty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Kiến Việt Hoa và Công ty TNHH MTV 532. Đơn vị đánh giá tác động môi trường là Cty CP Tư vấn môi trường và biến đổi khí hậu Trung bộ.

Trong khi đoạn bờ biển từ nhà máy xi măng Hải Vân đến kho xăng dầu K83 dài khoảng 2.000m thì dự án đang triển khai chỉ làm 1.500m, đoạn 500m còn lại nằm kế kho xăng dầu, là đoạn xung yếu và đang bị biển xâm thực nặng, lại không có trong dự án (thuộc tổ 4, 5, phường Hòa Hiệp Bắc).

Giải thích về việc này, ông Phúc cho biết, dự án được UBND TP phê duyệt từ năm 2015, chỉ 1.500m từ cảng nhà máy xi măng Hải Vân đến cầu Trắng. Do đó, việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để làm thiết kế dự án chỉ được làm trong phạm vi dự án. Đoạn 500m còn lại thuộc tổ 4, 5 phường Hòa Hiệp Bắc mặc dù là điểm xung yếu nhưng nằm ngoài phạm vi dự án (từ cầu Trắng đến Nhà máy xi măng Hải Vân) nên chưa được đưa vào thiết kế.

Như Tiền Phong phản ánh, đoạn 500m bị nằm ngoài dự án xây kè biển do TP Đà Nẵng phê duyệt với khoảng 60 hộ dân đang bị đe dọa. Không những vậy, tuyến đường sắt Bắc - Nam, QL1A đi ngang qua đây cũng nằm rất gần biển và có nguy cơ bị đe dọa. Đầu tháng 11/2016, UBND quận Liên Chiểu đã phải báo cáo lên thành phố về việc biển gây sạt lở nghiêm trọng ở đoạn này. 

Địa phương này đã tạm ứng ngân sách 341 triệu đồng để làm kè tạm chắn sóng. Sau đó, các sở, ngành và thành phố đã có nhiều công văn trao đổi gấp rút điều chỉnh bổ sung làm kè đoạn bị bỏ sót này. Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã giao Sở KH-ĐT phối hợp các sở khác nghiên cứu điều chuyển vốn từ dự án đê kè biển Liên Chiểu-Kim Liên bổ sung đoạn khoảng 500m còn lại.

Lỗi do đánh máy?

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP chất vấn báo cáo tác động môi trường (ĐTM) của dự án này. Theo ông Hùng, ĐTM của dự án đê kè biển Liên Chiểu đang được chuẩn bị phê duyệt, trong khi dự án đang triển khai.

 Trang 55 của ĐTM này ghi rõ nguyên nhân dẫn đến sạt lở là ở tổ 4, tổ 5 của Hòa Hiệp Bắc, đây là một trong những điểm xung yếu nhất. Tuy nhiên, khi thiết kế dự án này, vì chưa có ĐTM một dự án xây dựng đê kè dài hơn 2.000m được lập với kinh phí 140 tỷ đồng mà bỏ sót 500m này.

Ông Hùng thắc mắc: Dự án này được phê duyệt ngày 30/10/2016 và giao UBND quận Liên Chiểu làm chủ đầu tư. Ngày 22/6/2016, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng quận Liên Chiểu gửi văn bản để tham vấn ý kiến cộng đồng. 

Sau đó, ngày 23/6/2016 (tức là sau 1 ngày) UBND phường Hòa Hiệp Bắc có văn bản trả lời là ý kiến cộng đồng đồng ý với ĐTM. Trong khi đó, biên bản họp lấy ý kiến tham vấn cộng đồng được tổ chức vào 8 giờ ngày 2/6/2016, trước ngày có văn bản lấy ý kiến 20 ngày.

Giải thích việc này, Trưởng BQL các dự án đầu tư và xây dựng quận Liên Chiểu cho rằng, ngày 22/6/2016, BQL gửi văn bản số 61/BQLCDA kèm theo ĐTM để tham vấn ý kiến cộng đồng tại khu vực thực hiện dự án và nhận được văn bản trả lời số 162/UBND ngày 23/6/2016 của Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc đồng ý với các nội dung được trình bày trong báo cáo đính kèm.

“Do sai sót trong quá trình đánh máy về nội dung biên bản cuộc họp tham vấn cộng đồng dân cư trong khu vực dự án, dẫn đến việc thời gian họp trong biên bản bị đánh nhầm thành 8 giờ ngày 2/6/2016. Thời gian đúng là 8 giờ ngày 22/6/2016”, ông Phúc giải trình.

Theo giải thích này, thì ngày 22/6/2016, BQL dự án gửi công văn kèm ĐTM để tham vấn thì ngay lập tức 8h sáng cùng ngày đã có biên bản lấy ký kiến cộng đồng. Nếu đúng vậy, đây có thể xem là dự án có tốc độ, quy trình lấy ý kiến tham vấn ĐTM nhanh nhất từ trước đến nay.

Trưởng BQL  bị nhắc nhở vì thái độ không chuẩn mực

Liên quan đến việc ngày 20/12, phóng viên liên hệ BQL để nắm thông tin về dự án, tuy nhiên, ông Ông Trường Phúc đã quyết liệt, lớn tiếng từ chối trả lời cũng như cung cấp thông tin dự án, dù trước đó Chánh văn phòng UBND quận đã có chỉ đạo, ông Đặng Công Chúng (Chánh văn phòng UBND quận Liên Chiểu) cho biết: Chủ tịch UBND quận đã gọi ông Phúc lên làm việc để nhắc nhở và yêu cầu rút kinh nghiệm về thái độ không chuẩn mực khi làm việc với báo chí.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.