Lấy trái mít, ổi, chuối ủ làm 'thức ăn' cho cây, nông dân Bình Phước chăm nhàn tênh lại tăng lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
Phân hữu cơ, vi sinh được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu cho nền nông nghiệp sạch. Nhận thấy điều này, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Bình Phước đã tăng cường tự sản xuất phân bón cho vườn cây của gia đình.

Phân hữu cơ, vi sinh được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu cho nền nông nghiệp sạch. Trong đó, quy trình ủ phân hữu cơ, vi sinh từ các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giảm lượng phân bón hóa học mà còn giúp cây phát triển xanh tốt, bảo vệ môi trường, sức khỏe nhà nông, người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận. Nhận thấy điều này, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Bình Phước đã tăng cường tự sản xuất phân bón cho vườn cây của gia đình.

Gia đình ông Trần Bá Ninh ở tổ 8, khu phố Phú Xuân, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng rau. Để có nguồn rau sạch cung cấp cho người tiêu dùng, gia đình ông ngoài áp dụng tiêu chuẩn VietGAP còn tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Trong đó, 50% số lượng phân hữu cơ do gia đình tự ủ.

“Khi mới bắt đầu làm nghề chưa có kinh nghiệm tôi chỉ dùng tro, trấu để bón nên cây rau không được đẹp. Lâu dần, tôi biết đến quy trình ủ phân hữu cơ nên gia đình tự ủ bằng cách kết hợp giữa phân gà, tro, trấu và vôi bột. Từ khi dùng phân bón tự ủ, tôi thấy rau đẹp, chất lượng hơn” - ông Ninh bộc bạch.

Cũng theo ông Ninh, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất giúp gia đình tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo nguồn rau sạch cho người tiêu dùng.

“Trong xu thế phát triển nông nghiệp sạch hiện nay và giá phân bón leo thang thì việc tự sản xuất phân hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp đem lại lợi ích kép, nhà nông nên hướng đến” - ông Ninh chia sẻ.

Lấy trái mít, ổi, chuối ủ làm 'thức ăn' cho cây, nông dân Bình Phước chăm nhàn tênh lại tăng lợi nhuận ảnh 1
Gia đình chị Chu Thị Mai Là, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành (Bình Phước) tự ủ phân bón hữu cơ vừa giúp giảm chi phí đầu tư chăm sóc vườn cây vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Chu Thị Mai Là ở ấp Ruộng 3, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành cũng đang áp dụng canh tác hữu cơ đối với vườn ổi của gia đình. 80% diện tích vườn ổi không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ dùng phân bón hữu cơ và vi sinh, trong đó phần lớn do gia đình tự ủ để đảm bảo chất lượng cây trồng.

Theo chị Là, việc ủ phân rất dễ làm, không tốn kém nhiều nhưng cho hiệu quả cao. “Tự ủ phân bón giúp gia đình tiết kiệm chi phí. Sản phẩm làm ra được khách hàng và thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn” - chị Là khẳng định.

Theo các nhà nông, sử dụng nhiều phân bón hóa học làm đất bạc màu, áp lực sâu bệnh ngày càng gia tăng. Trong khi đó, dùng phân hữu cơ, vi sinh cho hiệu quả bền vững, năng suất cây trồng ổn định. Tuy nhiên, phân hữu cơ, vi sinh được sản xuất trong nhà máy hoặc cơ sở lớn có giá thành cao. Vì vậy, việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp ủ phân hữu cơ, vi sinh theo các quy trình đơn giản là cần thiết.

Xác định phát triển nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, anh Hoàng Xuân Đông ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã tự nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng sản xuất phân hữu cơ, vi sinh từ những phế phẩm nông nghiệp.

“Vườn nhà tôi áp dụng phân thực vật tự ủ. Phụ phẩm dùng trái mít, ổi, chuối chín để ủ. Phân vi sinh tôi ngâm từ đậu nành gồm bã đậu, đậu bể, đậu rẻ tiền. Chế phẩm EM tôi cũng tự ủ. Tất cả được bón cho vườn cây. Từ khi tự ủ phân bón, chi phí đầu tư chăm sóc vườn đã giảm một nửa so với trước. Cây trồng cũng đạt năng suất cao hơn” - anh Đông chia sẻ.

Hiện nhiều nông hộ trong tỉnh đã quen việc tự ủ phân hữu cơ, vi sinh từ các phế, phụ phẩm nông nghiệp để chăm sóc cây trồng. Cách làm này đã cho thấy hiệu quả kép khi giảm chi phí, giảm lượng phân bón hóa học, góp phần cải thiện môi trường đất và sức bền của cây.

Về lâu dài, việc bổ sung cho cây trồng lượng đạm hữu cơ, xác bã thực vật giúp tạo độ mùn; nuôi lại hệ thống vi sinh cho nền đất, tạo sức kháng sâu bệnh tự nhiên, không phải phụ thuộc thuốc bảo vệ thực vật. Với nông dân, đây cũng là cách cụ thể nhất để nhà nông tự bảo vệ sức khỏe bản thân và người tiêu dùng.

Thực tế hiện nay cho thấy, hằng năm lượng phụ phẩm nông nghiệp thải ra rất lớn. Để tận dụng nguồn phụ phẩm này thì phương pháp ủ phân hữu cơ, vi sinh bón cho cây trồng rất thiết thực.

Theo bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chơn Thành, tỷ lệ nông dân tham gia tự ủ phân bón tăng sẽ giúp nông hộ chủ động được lượng phân bón cho cây trồng, giá phân bón công nghiệp sẽ hạ.

Những năm gần đây, giá vật tư nông nghiệp thường xuyên biến động theo hướng tăng. Trước sức ép lớn về giá phân bón tăng cao và duy trì trong thời gian dài, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương pháp tối ưu hiện nay, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận, vừa đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và góp phần thực hiện thắng lợi Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG