Tuyên bố cho biết, việc Mỹ mở rộng sản xuất tên lửa cho hệ thống phòng không nhằm mục đích tăng cường khả năng quân sự của nước này cũng như hỗ trợ các đồng minh ở nước ngoài, bao gồm cả Ukraine.
Kiev được cho là đang vận hành ít nhất 4 hệ thống Patriot do Mỹ và Đức cung cấp. Vào tháng 5, Hà Lan đưa ra sáng kiến chung nhằm cung cấp thêm một tổ hợp phòng không cho Ukraine, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cung cấp những bộ phận cấu thành riêng biệt cho tổ hợp phòng không này.
Giữa tháng 6, Nhà Trắng xác nhận sẽ tạm dừng các đơn đặt hàng tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống tên lửa phòng không Patriot của một số quốc gia, đến khi Ukraine nhận đủ vũ khí này để bảo vệ lãnh thổ.
Trong một diễn biến mới, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga có thể tiếp tục sản xuất và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất.
Phát biểu tại cuộc họp với các thành viên thường trực Hội đồng an ninh Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đã cam kết không triển khai các tên lửa này, nhưng Mỹ đã tái khởi động sản xuất và đưa tới Đan Mạch cũng như Philippines, vì vậy Nga cũng phải có động thái.
"Moscow đã thực hiện đúng lời hứa của mình là không sản xuất cũng như triển khai những tên lửa này chừng nào Mỹ không triển khai những hệ thống như vậy ở bất kỳ đâu trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Washington triển khai những tên lửa như vậy ở nước ngoài", tổng thống Putin nói.
Patriot do Mỹ sản xuất, được coi là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, tên lửa PAC-3 MSE được đánh giá là phiên bản mạnh nhất của hệ thống Patriot. Tên lửa này có tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm-diệt mục tiêu chính xác, cho phép đánh chặn nhiều mục tiêu trên không, như: Tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Tên lửa PAC-3 MSE có chiều dài 5,21 m, trọng lượng 312 kg, được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km, tốc độ bay Mach 5.