Nhiều năm trở lại đây thương mại điện tử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày một phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, có không ít những “phù thủy” lợi dụng những sơ hở trong mua bán trực tuyến để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thậm chí có những đối tượng sử dụng tài khoản thanh toán trực tuyến, tài khoản ngân hàng do trộm cắp được để “rút” ra hàng tỷ đồng để ăn tiêu.
“Rửa CC chùa” tậu ôtô tiền tỷ
Hoàng Anh Tuấn (SN 1983, trú tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) vốn không có nghề ngỗng gì ổn định. Dù vậy, người ngoài nhìn vào cũng phải ít nhiều “kính nể” khi thấy anh ta chuyên sử dụng hàng hiệu với “dế” Vertu, cưỡi trên con xe BMW trị giá cả tỷ đồng. Cuối năm 2015, cùng với việc bóc gỡ đường dây trộm cắp tài khoản thanh toán quốc tế (còn gọi là “CC chùa”) của các đối tượng Lê Văn Nguyễn; Nguyễn Trọng Hồng; Đặng Quang Thành Thanh (đều SN 1990 và cùng trú tại tỉnh Bắc Ninh) Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội cũng đã làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản của Tuấn. Tổng số tiền mà Tuấn “rửa” được lên tới 3 tỷ đồng.
Theo Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội khoảng tháng 9/2015, các trinh sát đã phát hiện đường dây của các đối tượng Nguyễn, Hồng, Thanh. Cả ba đều là cử nhân chuyên ngành công nghệ thông tin, thuê nhà ở chung tại phố Hoàng Ngân (Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ba đối tượng này đã tấn công vào nhiều trang thương mại điện tử quốc tế chiếm đoạt được hơn 48 ngàn thông tin tài khoản thẻ tín dụng. Nguyễn và Thanh bán được khoảng 34 ngàn thông tin cho các đối tượng với giá từ 1 - 7 USD/thông tin “CC chùa”. Tổng số tiền thu được là hơn 400 triệu đồng, trong đó Nguyễn và Hồng mỗi đối tượng hưởng lợi khoảng 150 triệu đồng, Thanh hưởng lợi khoảng 100 triệu đồng.
Về phần đối tượng Hoàng Anh Tuấn, không phải ngẫu nhiên mà anh ta có thể “rửa” được một số lượng lớn “CC chùa” đến thế. Từ năm 2010 đến nay, giới “underground” (hay “thế giới ngầm” của các hacker) Việt Nam không ít kẻ vinh danh cho Tuấn là “phù thủy” rửa “CC chùa”. Qua điều tra của cơ quan chức năng, có thể thấy Tuấn là người có rất nhiều “mánh mung” để có thể biến số tiền trong tài khoản ăn cắp thành “tiền tươi, thóc thật”. Tuấn cũng rất “quái” khi chỉ ngồi ở Việt Nam mà có thể thực hiện trót lọt nhiều thương vụ ở nhiều quốc gia: Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á… để kiếm được những khoản kếch xù.
Tuấn tỏ ra nghiên cứu rất kỹ các mánh lới để rửa “CC chùa” sao cho an toàn nhất. Anh ta thực hiện qua rất nhiều bước vòng vèo, chỉ nghe các trinh sát Phòng PC 50 kể mà chúng tôi cũng thấy “hoa mắt nhức đầu”. Đầu tiên, Tuấn sử dụng tài khoản chat “Philiplam”, “Linh longiness” mua các tài khoản thẻ tín dụng từ giới underground với giá từ 1-7 USD/thẻ. Trong vòng 2 năm, chỉ riêng việc mua “CC chùa”, Tuấn đã phải chi đến hơn 400 triệu đồng.
Sau khi đã mua được “CC chùa”, Tuấn lập nhiều hộp thư điện tử để mở tài khoản tại các trang web thanh toán trực tuyến như www.a…com; www.c…com. Để tăng hạn mức chuyển tiền, nhận tiền, Tuấn nhờ người thân trực tiếp mở tài khoản và thẻ ATM, thẻ Visa debit, Master Card, Gift Card… tại các ngân hàng: VCB, Viettinbank, Techcombank, Sacombank, Đông Á… hoặc mua lại thẻ của người khác với giá từ 200 - 500 ngàn đồng.
Để có thể vượt được hàng rào bảo mật của các trang mua sắm trực tuyến có địa chỉ tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, Tuấn lên mạng mua thông tin có trong hộ chiếu, bằng lái xe, hóa đơn tiền điện, tiền nước của một đối tượng tên là Sâm với giá 15 USD/thông tin. Từ đó Tuấn đã có thể tha hồ mua sắm hoặc chuyển tiền một cách thông suốt.
Ngoài ra, để tránh việc bị phát hiện nơi ở và phù hợp với các thông tin ghi trong “CC chùa”, Tuấn tiếp tục lên mạng Internet để mua “IP” và dùng phần mềm để thay đổi địa chỉ IP của máy tính. Sau khi đã thực hiện đủ các bước nhằm xóa dấu tích việc ăn cắp tiền trong tài khoản ngân hàng cũng như trên các trang mua bán trực tuyến mà chủ sở hữu là người nước ngoài, lúc này Tuấn bắt đầu thực hiện việc chiếm đoạt tiền (rửa tiền) để chi tiêu cho mục đích cá nhân của mình.
Tuấn vào các trang mạng cá độ bóng đá như www.1…com mở nhiều tài khoản khác nhau, đồng thời sử dụng “CC chùa” nạp tiền vào tài khoản Money… hoặc Netel… (là các hệ thống thanh toán trực tuyến, thiên về hỗ trợ cho các trang cá độ online) để chơi cá độ bóng đá. Tuấn sử dụng tiền này để cá độ trực tiếp với nhà cái hoặc dùng thủ đoạn mỗi lần chơi Tuấn đăng nhập vào một tài khoản khác nhau để đặt cả 2 cửa “tài” và “xỉu”. Như vậy, dù thắng hay thua thì vẫn có một số tiền nhất định chảy về tài khoản của Tuấn. Và lúc này đó là tiền tương đối “sạch”.
Tiếp đó Tuấn đặt lệnh chuyển ngược lại số tiền này về các tài khoản Money… hoặc Netel… rồi tiếp tục chuyển sang các tài khoản ngân hàng của mình tại Việt Nam để rút tiền hoặc bán tiền “ảo” cho người khác để kiếm lời. Chỉ riêng những phi vụ này đã kiếm lại cho Tuấn số tiền lên đến hơn 800 triệu đồng.
Bên cạnh chiêu trò trên, Tuấn còn vào các trang chơi Poker (xì tố) trực tuyến và dùng nhiều hòm thư khác nhau để mở tài khoản chơi rồi sử dụng “CC chùa” để nạp vào tài khoản. Tuấn thuê một đối tượng tên Trường trên mạng và sử dụng tài khoản của Tuấn để chơi. Nếu thắng, Trường sẽ chuyển tiền cho Tuấn vào tài khoản của vợ Tuấn. Riêng việc này cũng mang lại một món kha khá cho Tuấn.
Các trang web mà “phù thủy” Hoàng Anh Tuấn thường xuyên sử dụng để trộm cắp tiền từ “CC chùa”.
Một “sân chơi” lớn mà Tuấn có thể dùng “CC chùa” mua được trên mạng để “rửa” thành tiền sạch là Tuấn đầu tư tài chính tại trang web http://coin…com. Đây là trang web thuộc dạng đầu tư mạo hiểm trên mạng. Tuấn đăng ký tài khoản qua trang web này, chuyển tiền từ “CC chùa” vào để mua các gói đầu tư với giá từ 299 đến 599 USD. Khi đó mỗi ngày trang web này sẽ trả lãi cho Tuấn qua tài khoản tại trang doge…info, với lãi suất 30%/tháng. Tuấn dùng tiền lãi để bán cho các đối tượng khác có nhu cầu. Tiền “sạch” sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của vợ Tuấn. “Mảng” này cũng mang lại cho anh ta khoảng 500 triệu đồng.
Cuối năm 2014, Tuấn đánh hơi thấy có một số dân “phượt” có nhu cầu mua vé khu vui chơi giải trí Sentosa ở Singapore. Từ đó Tuấn nảy sinh ý định sử dụng “CC chùa” để đặt vé và bán lại kiếm lời. Tuấn lập nhiều hộp thư điện tử vào trang web rwsen…com để đặt mua vé trực tuyến với giá 50 USD. Sau đó Tuấn bán lại cho những người cần với giá “siêu rẻ” là từ 10 đến 15 USD. Chỉ bằng trò này, Tuấn đã thu được hơn 900 triệu đồng.
Ngoài ra, Tuấn cũng bán những “CC chùa” mà anh ta mua được cho các đối tượng khác có nhu cầu với giá 7,5 - 15 USD/tài khoản. Riêng mảng này Tuấn thu về được khoảng 60 triệu đồng.
Nhưng đúng là “của thiên trả địa”, sau khi đã chiếm đoạt được nhiều tỷ đồng từ những trò phù thủy mua bán “CC chùa”, Tuấn lại vác tiền đi chơi cá độ bóng đá. Tuấn “say đắm” hai mạng Ibet…com, và nhacai…com và lỗ đến 2 tỷ đồng. Dĩ nhiên, Tuấn cũng sống vung vinh với tiền ăn cắp được. Anh ta đã thửa hẳn xe ôtô hạng sang BMW, điện thoại Vertu và ăn tiêu xả láng. Sau rốt, Tuấn đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giam theo Điều 226b Bộ luật hình sự.
Mánh mung của “nữ hoàng” đồ hiệu
Không được “hoành tráng” như Hoàng Anh Tuấn, song đối tượng Trần Hoàng Thanh P. (SN 1990, trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) chỉ trong khoảng 6 tháng cuối năm 2015 đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo bán hàng qua mạng Internet. Bị hại của P. lên tới hàng chục người cùng số tiền cả trăm triệu đồng. Cuối năm 2015 đầu năm 2016, PC 50 Công an TP Hà Nội đã phối hợp với PC46 Công an TP Hồ Chí Minh làm rõ hành vi lừa đảo của P. cùng người tình.
Với nickname trên mạng xã hội là “E. Nguyen”, đối tượng P. thường rao bán nhiều đồ hiệu với giá rẻ. Và nếu ai tham lam sẽ rất dễ bị mắc lừa. Một trong những thương vụ của P. là vào cuối tháng 11/2015, P. nhận đơn đặt hàng của khách tại Hà Nội mua 3 chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 12 triệu đồng. Sau khi nhận đủ tiền mà khách chuyển qua Ngân hàng Techcombank, P. đã rút luôn ra để tiêu xài mà không hề nghĩ đến việc chuyển hàng cho khách. Sau đó P. chặn Facebook của khách hàng này nhằm cắt đứt liên lạc.
Ít ngày sau, cũng qua tài khoản Facebook “E. Nguyen”, đối tượng P. nhận đơn đặt hàng của một khách tại TP Hồ Chí Minh đặt mua 2 chiếc đồng hồ hiệu Modavo trị giá hơn 11 triệu đồng. Sau khi đã nhận đủ tiền, P. tiếp tục biến mất không một hồi âm, đồng thời chặn Fcebook của khách hàng này nhằm cắt đứt liên lạc. Thống kê cho thấy có khá nhiều khách hàng ham đồng hồ hàng hiệu giá rẻ khác cũng trở thành nạn nhân của P.
Ngoài việc chuyên bán đồng hồ hàng hiệu, P. và bạn trai tên Nguyễn Hoàng Anh T. (SN 1995, trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) còn lên mạng lừa bán điện thoại Iphone. Một trong số những nạn nhân của P. và T. là chị Phạm Thị H. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Tháng 9/2015, chị H. sử dụng tài khoản Facebook “H. Tròn” đặt một chiếc điện thoại Iphone 6s 64 GB, màu hồng, trị giá 21 triệu đồng. P. yêu cầu chị đặt cọc 70% giá trị, tương đương 15 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng của T. tại Ngân hàng Techcombank. Số tiền còn lại 6 triệu đồng sẽ được yêu cầu chuyển nốt khi hàng sắp về. Giao dịch này chưa hoàn tất song chị H. đã được P. rủ hợp tác làm ăn.
Cụ thể chị H. có nhiệm vụ rao bán các mặt hàng điện thoại Iphone mà P. cung cấp, chị H. sẽ được lợi từ 500 - 700 ngàn đồng với mỗi chiếc điện thoại bán được. Đồng ý với đề nghị này, vài ngày sau chị H. tìm được khách muốn mua 1 chiếc điện thoại Iphone 6s Plus 128Gb với giá 28 triệu đồng. P. thông báo với chị H. rằng hàng sắp về và đề nghị chị chuyển nốt số tiền mua điện thoại còn lại. Tuy nhiên khách hàng của chị H. sau đó đã hủy đơn hàng và không mua nữa nên chị H. chỉ chuyển nốt số tiền 6 triệu đồng để lấy chiếc Iphone 6s 64Gb chứ không lấy chiếc Iphone 6s Plus 128gb.
Lúc này, P. nói với chị H. là hiện tại hàng về chỉ có chiếc iphone 6s Plus 128gb chứ không có chiếc iphone 6s 64GB nhằm mục đích ép chị H. phải mua chiếc điện thoại này. Sau khi tranh cãi, H. và P. đã thỏa thuận với nhau là H. sẽ giúp P. bán chiếc iphone 6s Plus 128gb sau đó P. sẽ đồng ý để H. chuyển nốt số tiền 6 triệu đồng để lấy chiếc điện thoại iphone 6s 64gb. Như vậy, chị H. đã chuyển cho P. tổng số tiền là 21 triệu đồng. Sau nhiều ngày không nhận được điện thoại chị H. đã đòi lại tiền, tuy nhiên P. chặn nick facebook của chị H., cắt đứt mọi liên lạc với chị H..
Ngoài những thương vụ trên, P. và T. còn thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền khách mua hàng qua việc order (đặt mua) bánh ngọt. Khoảng tháng 11/2015, qua tài khoản Facebook “E. Nguyen”, P. nhận đơn đặt bánh bánh ngọt của khách hàng tại Hà Nội. Giá trị đơn hàng này là hơn 6 triệu đồng. Do trục trặc trong khâu vận chuyển khiến số bánh bị hỏng nên khách đã hủy và đòi lại tiền, tuy nhiên P. đã không làm theo và chặn facebook của người này và cắt đứt liên lạc. Tháng 9/2015, qua tài khoản Facebook “E. Nguyen”, P. nhận hai đơn đặt bánh trung thu của hai khách đặt hàng tại Hà Nội. Giá trị các đơn hàng lần lượt là 2,2 triệu đồng và 4 triệu đồng. Hai khách này chuyển tiền cọc cho P. qua một tài khoản của ngân hàng Techcombank. Do hàng chuyển đến bị chậm so với thời hạn nên khách đã hủy và đòi lại tiền nhưng P. đã không thực hiện.
Được biết P. và T. đều là hai đối tượng không nghề nghiệp, đang phải ở nhờ nhà mẹ đẻ. P. và T. khai tại Cơ quan Công an là chúng mưu sinh bằng nghề bán bánh trên mạng, tuy nhiên do quá ế ẩm nên đành phải xoay sang bán hàng hiệu, điện thoại… Tuy nhiên, hai đối tượng hầu như chỉ bán “vịt giời”, khiến cho nhiều bị hại rất bức xúc. Vì P. đang nuôi con nhỏ dưới 14 tháng tuổi nên PC50 Công an TP Hà Nội đã tiến hành chuyển vụ án sang PC46 Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, làm rõ.