Lắp hộp đen gần 800.000 xe vì ai, mục đích gì?

TP - Tổng cục Đường bộ phát triển một hệ thống công nghệ để giám sát hành trình xe ô tô, nhưng trên hệ thống lại không biết xe đó đi tới điểm cụ thể nào, vượt tốc độ thì không được phát hiện ngay để cảnh báo. Hệ thống dùng chủ yếu để kiểm tra khi sự đã rồi.

Gần 5 năm qua, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) triển khai lắp đặt hệ thống giám sát hành trình bắt buộc với xe ô tô. Tới nay cũng có gần 800.000 xe được lắp đặt, đơn giá mỗi thiết giám sát hành trình khoảng 4 triệu đồng, tính ra số tiền doanh nghiệp chi cho lắp đặt thiết bị này khoảng 3.200 tỷ đồng. Đó là chưa tính tiền doanh nghiệp phải bỏ ra để thuê đơn vị vận hành thiết bị và truyền tải dữ liệu.

Chi số tiền lớn như vậy, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thấy được lợi từ thiết bị giám sát hành trình. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn gặp phiền hà vì phần mềm tổng hợp dữ liệu của Tổng cục Đường bộ quản lý bị lỗi. Như có doanh nghiệp phản ánh, cùng một thời điểm, một xe được ghi nhận vượt tốc độ tới 5-7 lần, một điều không thể xảy ra, dù chỉ trên lý thuyết, trừ khi chiếc xe đó “phân thân” thành 5-7 chiếc. Khi bị xử phạt, doanh nghiệp thắc mắc khắp nơi, mới biết do thống kê từ hệ thống của Tổng cục Đường bộ chuyển về như thế.

Về phần quản lý nhà nước, dù được thiết kế phần mềm để tổng hợp thông tin, nhưng các chức năng cần nhất là cảnh báo nhằm ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông lại chưa được… thiết kế. Như trường hợp xe chạy quá tốc độ, hệ thống ghi nhận thông tin nhưng không hề đưa ra bất kể cảnh báo nào cho các nhân viên nhà nước biết xe đó vượt tốc độ để cảnh báo, hoặc ngăn chặn. Chỉ khi các tai nạn đáng tiếc xảy ra, cơ quan quản lý mới tìm thông tin về hành trình của xe đó trên hệ thống, và sử dụng nó xử lý hậu tai nạn. Hay việc các xe khách chạy tuyến cố định nhưng không vào bến xe đón trả khách, mà thực hiện việc này ngoài bến hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ cũng không dễ để phát hiện, chỉ vì bản đồ còn “chưa chi tiết lắm”, dù hệ thống được gọi tên là “giám sát hành trình”.

Vậy nên, để xử lý các xe vi phạm, dù có cả một hệ thống phần mềm, nhưng cơ quan nhà nước phải có người trực tiếp ra đường để xem biển số xe vi phạm; hoặc đợi phản ánh của người dân, báo chí với biển số xe cụ thể, sau đó mới truy xuất từ phần mềm để xử lý. Cũng vì cách làm thủ công đó, nên có hẳn hệ thống phần mềm, ứng dụng công nghệ, nhưng vẫn cần đội ngũ thanh tra, cảnh sát đứng ra đường xử lý. Và cũng vì thế, các xe khách chạy xuyên tâm các thành phố lớn, chạy không vào bến, lập bến cóc vẫn đầy rẫy, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Rõ ràng, việc lắp thiết bị giám sát hành trình xe ô tô vì đa mục tiêu chưa đạt được bao nhiêu. Khi mục tiêu để doanh nghiệp quản lý tốt hơn với tài xế và phương tiện của mình không phải đơn vị nào cũng đạt được. Thậm chí, có đơn vị mất tiền mua phải hàng “rởm” gốc từ chợ trời, dù đơn vị cung cấp được cấp phép hẳn hoi. Còn với cơ quan quản lý nhà nước, dù có hệ thống hiện đại, nhưng vẫn phải duy trì đội ngũ nhân sự rải khắp các tuyến đường để phát hiện vi phạm, thậm chí “ăn chia” để bỏ qua vi phạm khi có thể. Còn nguy cơ mất an toàn giao thông được ghi nhận nhưng không được cảnh báo kịp thời, chỉ khi tai nạn xảy ra, người và tài sản cũng đã thiệt hại, dữ liệu mới được truy xuất để quy tội lái xe. Không hiểu vài nghìn tỷ đồng được “bắt buộc” doanh nghiệp chi ra lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình ô tô vì ai, mục đích gì?

MỚI - NÓNG