Lập công ty 'ma' chỉ tuyển nữ mang thai để làm giả hồ sơ nhận trợ cấp thai sản

0:00 / 0:00
0:00
Có công ty không hoạt động sản xuất, kinh doanh gì, chỉ tuyển hoặc mượn giấy tờ của những phụ nữ có thai, hoặc trong tuổi sinh con, sau đó hợp thức bằng hợp đồng lao động và đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Khi đóng BHXH đủ 6 tháng, sẽ làm giả hồ sơ để đề nghị hưởng chế độ thai sản.

BHXH tỉnh Vĩnh Long phát hiện, Công ty TNHH Truyền thông Online mở hàng loạt mở hàng loạt chi nhánh tại nhiều địa phương ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, sau đó mượn hồ sơ của phụ nữ đang mang thai, làm hợp đồng, đóng BHXH. Khi đủ điều kiện đóng BHXH 6 tháng, đã làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản để trục lợi (thực tế không tuyển lao động, không có hoạt động kinh doanh). Thời điểm bị phát hiện hành vi trên, công ty này đang đề nghị trợ cấp thai sản cho 5 trường hợp, với số tiền hơn 119 triệu đồng.

BHXH Việt Nam cho biết, những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân đối thu - chi quỹ BHXH, BHTN, tính tuân thủ pháp luật bị ảnh hưởng.

Qua công tác giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHTN, cơ quan BHXH đã phát hiện, phối hợp phát hiện và đề nghị xử lý theo thẩm quyền nhiều vụ việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN.

Lập công ty 'ma' chỉ tuyển nữ mang thai để làm giả hồ sơ nhận trợ cấp thai sản ảnh 1

Một trang trên mạng xã hội Facebook giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương để thu mua sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi.

Về lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, ngoài hành vi như trường hợp của Công ty TNHH Truyền thông Online (Vĩnh Long), còn có trường hợp người lao động thoả thuận với chủ sử dụng chỉ đóng BHXH 6 tháng; hoặc tăng mức lương tính đóng BHXH lên cao bất thường trong thời gian 6 tháng trước nghỉ sinh để hưởng trợ cấp thai sản, và hưởng mức cao. Cụ thể, BHXH Lâm Đồng đã phát hiện và từ chối thanh toán 15 trường hợp tăng lương không đúng quy định, số tiền từ chối giải quyết hơn 300 triệu đồng.

Có người lao động sử dụng các chứng từ giả, hoặc được các cơ sở y tế cấp khống giấy tờ khám chữa bệnh (thực tế không đi khám chữa bệnh) để thanh toán chế độ nghỉ ốm, phục hồi sức khoẻ. Cụ thể, bước đầu phát hiện tại Hà Nội có 600 lượt chứng từ với số tiền đề nghị thanh toán 600 triệu đồng; Bắc Giang phát hiện 200 giấy ra viện với số tiền đề nghị thanh toán hơn 250 triệu đồng; hay tại Đồng Nai phát hiện hàng loạt phòng khám đa khoa cấp giấy nghỉ ốm khống để làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH;

Trước đó, năm 2021, BHXH tỉnh Bình Dương phát hiện Công ty CP Bệnh viện đa khoa Hồng Phúc Sài Gòn cấp khống hàng nghìn giấy chứng nhận nghỉ ốm (lao động không khám chữa bệnh), với số tiền đề nghị BHXH thanh toán lên tới hàng tỷ đồng,

Có một số đơn vị sử dụng lao động để nghị BHXH giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ với người lao động đang trong thời gian đi làm, hoặc nghỉ phép, nghỉ không lương, nghỉ điều trị tai nạn lao động. Như BHXH Thừa Thiên - Huế phát hiện và thu hồi trợ cấp ốm đau, thai sản số tiền hơn 1,2 tỷ đồng của 842 lượt người đề nghị giải quyết hưởng nhưng không nghỉ việc; BHXH tỉnh Long An phát hiện 731 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản nhưng vẫn hưởng tiền lương, tiền công, số tiền thu hồi về quỹ hơn 400 triệu đồng...

Với lạm dụng, trục lợi BHXH một lần, có tình trạng uỷ quyền nhận, thực chất là mua – bán sổ BHXH. Cụ thể, một số đối tượng lợi dụng nhu cầu cần tiền của người lao động tại các khu công nghiệp mất việc, không chờ 1 năm mà muốn có tiền sớm, nên đứng ra thu gom sổ BHXH qua hình thức cầm cố, uỷ quyền nhận chế độ BHXH một lần. Hành vi mua - bán số BHXH diễn ra ngang nhiên và hết sức phố biến, rất khó để cơ quan BHXH phân biệt. Tình trạng này người lao động chỉ nhận được số tiền bằng 40-50% giá trị thực trên sổ BHXH, gây bất ổn xã hội, về lâu dài tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội.

Về lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN, phổ biến là việc người lao động mất việc được nhận trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, nhưng khi có việc làm mới không khai báo với Trung tâm dịch vụ việc làm để dừng trợ cấp, mà vẫn nhận khoản trợ cấp. Năm 2021, cơ quan BHXH phát hiện và phải thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai của hơn 22.500 trường hợp, với số tiền gần 62 tỷ đồng; năm 2020 phải thu hồi hơn 11.700 trường hợp với số tiền gần 62 tỷ đồng; trong 5 tháng đầu năm 2023 phát hiện hơn 2.800 trường hợp hưởng sai phải thu hồi số tiền hơn 15 tỷ đồng. Tính từ năm 2021 tới cuối tháng 5/2023, số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai còn phải thu hồi lên tới hơn 25 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam cho biết, đã đẩy mạnh công tác phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN; phối hợp với ngành LĐ-TB&XH các Trung tâm dịch vụ việc làm để chia sẻ thông tin, kịp thời phát hiện và ngăn chặn trục lợi BHTN; tăng cường phối hợp với cơ quan điều tra để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Riêng với trục lợi từ hưởng BHXH một lần, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương quán triệt việc tiếp nhận và trả kết quả, đặc biệt trong việc ủy quyền giải quyết hưởng và nhận chế độ BHXH một lần. Qua đó nhằm phát hiện các trường hợp nghi vấn để xác minh và hạn chế các trường hợp mua - bán sổ BHXH.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.