Những ngày qua, ông Nguyễn Tấn Trung (59 tuổi), cư ngụ tại phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM đang tất bật với việc thu hoạch lúa để đón Tết. Theo chia sẻ của ông Trung, hiện tại chỉ có khoảng 8 hộ dân sống tại bán đảo Thanh Đa này theo nghề trồng lúa và mỗi năm trồng được hai vụ gồm vụ hè thu và vụ lúa mùa.
Được biết, những cánh đồng ở khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nằm trên dự án đã treo khoảng 20 năm qua. Do đó, vì tiếc đất bỏ không nên một số người dân đã tranh thủ trồng trọt các loại cây ngắn ngày (bao gồm cây lúa) để cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Tấn Trung cho biết: “Hiện thời những người làm lúa bây giờ ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, cỡ chừng khoảng 8 người. Khoảng 3 năm về trước còn khoảng 10-20 người. Thời gian sau những người già, có tuổi thì không làm nữa, thuê nhân công không có. Lớp trẻ thì đi làm công nhân, phụ hồ, lao động mỗi ngày thường xuyên cho nên bây giờ hiện chỉ còn khoảng vài hộ làm lúa”.
Cũng theo “lão nông” Sài Gòn này, hiện tại việc làm lúa của gia đình ông chỉ dừng lại ở tính chất đủ ăn, không có làm dư thừa để mang đi bán. Mọi việc đồng áng trên vài mẫu ruộng đều do một tay ông làm.
“Ở đây ai cũng vậy thôi, mỗi người có chừng vài sào nên từ chỗ gieo trồng, chăm sóc đều dùng tay, sử dụng sức người. Cho nên mức độ cơ giới hoá ở đây hầu như không có, đều giữ cách làm truyền thống mà cha ông truyền lại” – Ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, việc trồng lúa của gia đình ông chỉ dừng lại ở chỗ tự cung tự cấp, làm ra hạt gạo chỉ để dùng trong gia đình và không buôn bán vì năng suất không cao.
Công cụ thô sơ được ông Trung dùng để đập, tuốt lúa thành từng hạt
Sau khi đập lúa để tuốt hạt xong, ông Trung sẽ gom hạt vào bao