Lão kình ngư kể chuyện Hoàng Sa

Lão kình ngư kể chuyện Hoàng Sa
TP - Vậy là hơn 60 năm qua, ba thế hệ trong gia đình họ Nguyễn ấy đã xuôi ngược trên vùng biển Hoàng Sa thân yêu.

>Những nấm mộ cát linh thiêng
>Ngày Khao lề thế lính
>Khát vọng ngư dân Việt

Lão ngư Đỗ Bạn hồi ức câu chuyện Hoàng Sa
Lão ngư Đỗ Bạn hồi ức câu chuyện Hoàng Sa.

Những “Hùng binh Hoàng Sa” thời hiện đại

Về xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), nghe ngư dân truyền nhau câu chuyện ngư dân xã mình lặn lội bằng chiếc thuyền câu ra tận Hoàng Sa để đánh cá từ thời Pháp thuộc. Có nhiều ngư dân đã qua đời. Tên tuổi gắn với Hoàng Sa của họ chỉ còn được con cháu lưu giữ. Có những người bỏ mạng trên đường ra Hoàng Sa và trở về.

Một trong số họ còn sống là lão ngư Đỗ Bạn (sinh năm 1925), nay đã vào tuổi 87, hiện đang sinh sống tại xã Nghĩa An. Anh Đỗ Văn Thanh (52 tuổi), người con trai đầu của ông, sau này cũng trở thành thuyền trưởng nối nghiệp cha đi về Hoàng Sa.

Trong ngôi nhà cũ kỹ, thắp một nén hương lên bàn thờ, lão ngư Đỗ Bạn nhắc lại tên 2 ngư dân đã cùng ông ra Hoàng Sa thời trẻ. Đó là ông Đỗ Ry và Tạ Hóa. Ông Ry và ông Hóa đều không còn.

Bà Xiêm, vợ ông vẫn khỏe mạnh và khá minh mẫn, giúp chồng hồi ức lại những khúc đoạn của chuyện xưa.

“Hồi đó tôi ra Hoàng Sa, đường đi xa quá, đi hoài không thấy đảo, đi miết không thấy đường về nhà. Trời nước mênh mông, không có bóng một con thuyền nào hết…” – ông Bạn chậm rãi kể lại câu chuyện tưởng chừng đã lãng quên.

Năm 1952, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa còn là một cù lao nằm biệt lập và bị ngăn cách bởi con sông đổ ra cửa biển Cổ Lũy. Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào con tôm con cá và những chuyến đi hàng qua các địa phương lân cận.

Ở làng cù lao này, ngư dân đi biển đã từng ra tới Hoàng Sa, vì sản vật quý hiếm ở đó nhiều vô kể. Vậy là ông Bạn quyết định nhổ neo đi một chuyến ra Hoàng Sa.

Một buổi sáng sớm cách đây 60 năm, lựa đúng mùa gió nồm, vợ chồng ông trút gạo lên thuyền, chuẩn bị đầy đủ củi nấu, lưới chài. Ông tạm biệt vợ và đứa con đầu mới sinh được vài tháng rồi cùng 2 ngư dân Đỗ Ry, Tạ Hóa cứ nhằm hướng đông căng buồm xuất bến. Thuyền được gắn thêm một chiếc máy nhỏ xíu.

Ông Bạn nhớ lại: Trời nổi gió tốt thì cứ căng 2 buồm tiến ra hướng đông. Đi suốt 5 ngày 5 đêm theo hướng sao trên trời, chiếc thuyền ra đến đảo Hai Trụ thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Cá ở Hoàng Sa nhiều lắm. Thả lưỡi câu xuống, giật lên là có cá to. Nhiều đàn cá to bơi kín vùng nước. Câu cá ngon, các ngư dân chỉ cắt lấy vi, lấy bóng cá, xẻ thịt phơi trên thuyền để chở về bờ. Chỉ sau vài ngày, trên thuyền toàn là sản vật thượng hạng của biển mà ngư dân đi câu gần bờ không thể đánh bắt được.

Trụ ở Hoàng Sa được 10 ngày, ba ngư dân giật buồm giong thuyền hướng về đất liền theo hướng đảo Lý Sơn.

Tượng đài Hoàng Sa Bắc Hải trên đảo Lý Sơn Ảnh: Hải Anh
Tượng đài Hoàng Sa Bắc Hải trên đảo Lý Sơn Ảnh: Hải Anh.

Hò vè giữa Hoàng Sa

Gần nhà ông Bạn có ông Nguyễn Mạnh, sinh năm 1908 (nay đã mất) cũng đi thuyền câu ra Hoàng Sa cách đây hơn 60 năm.

Ông Nguyễn Đồng (sinh năm 1930), con trai ông Mạnh, kể lại: “Cha tôi đi Hoàng Sa để làm nghề câu. Đi cùng thời với cha tôi có nhiều người bỏ mạng vì bão trên biển. Thời đó cứ cho thuyền ra Lý Sơn đậu ngay cái đèn biển của Pháp. Sau đó 5 giờ sáng cho thuyền căng buồm ra Hoàng Sa”.

Theo ông Đồng, cha của ông cho thuyền đến các đảo Bom Bay, Hai Trụ để câu cá. Mỗi chuyến đi Hoàng Sa kéo dài hơn nửa tháng. Để đi khỏi lạc, ông Mạnh cứ nhìn sao máng trên trời mà đi, vừa đi vừa coi gió, chế lượn để thuyền không bị chệch hướng.

Biển Hoàng Sa rất nhiều cá. Ban đêm, nếu lỡ vướng lưới thì ngư dân cũng không dám xuống gỡ vì cá mập bơi từng bầy.

Trong hồi ức của ông Đồng, thì ông Mạnh đã sáng tác ra nhiều hò vè về Hoàng Sa. Tới mỗi hòn đảo ông làm một bài hò vè. “Người thuộc nhiều câu hò vè về Hoàng Sa là ông Bốn Nã, nhưng ông Nã cũng đã mất nên hầu như thất truyền”. Đến đời ông Đồng chỉ còn nhớ chút ít.

Để đóng một chiếc thuyền vững chãi ra Hoàng Sa, ông Mạnh đóng loại thuyền câu 3 buồm, chiều dài 15 mét, rộng 6 mét. Thuyền đóng theo kiểu lận mê, chốt đóng thuyền loại tốt, be 2 bên được chồng cao thêm 2 lớp để chở nặng, chốt để đóng vào phên lót đáy thuyền được chọn từ tre của Bình Định.

Đi Hoàng Sa, ngư dân trên thuyền phải kiêng cữ nhiều thứ để cầu may. Tất cả mọi vật dụng trên thuyền được gọi với cái tên khác đi. Bắt cá thì gọi là trứng, cơm gạo gọi là mố, tàu gọi là tiều, cá chuồn gọi là giếng.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn .

Thắp lên bàn thờ cha một nén hương, ông Đồng ngậm ngùi: “Thời cha tôi đi Hoàng Sa, người ta chết cũng nhiều, nhưng rồi vẫn cứ đi”. Đến thời ông Đồng, sắm được thuyền, ông lại nối nghiệp cha đi Hoàng Sa.

Bây giờ, đến lượt con ông, tức cháu nội cụ Nguyễn Mạnh là thuyền trưởng Nguyễn Ty cũng đang có mặt trên một con tàu ngược xuôi đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa.

Thuyền có công suất lớn, trang bị hiện đại nên việc ra Hoàng Sa với thuyền trưởng Ty dễ dàng như đi chợ. Vậy là hơn 60 năm qua, 3 thế hệ trong gia đình họ Nguyễn ấy đã xuôi ngược trên vùng biển Hoàng Sa thân yêu.

Nhắc chuyện đi câu ở Hoàng Sa thời ấy và bây giờ, những ngư dân Nghĩa An luôn say sưa, trong mỗi câu chuyện có âm thanh của biển trời, sóng nước của Hoàng Sa, biển và đảo của cha ông…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.