Đồng nát
Trên bãi san lấp công trình ầm ào tiếng máy xúc, máy ủi gần Khu đô thị Ao Sào (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Đan và chị Huê đang đi nhặt đồ đồng nát. Cầm trên tay chiếc búa nhỏ, mỗi khi tìm được miếng bê tông có dính chút sắt thép, hai chị lại ra sức đập để gỡ lấy. Hai chị quê ở Nam Định, đã luống tuổi, tóc đã hai màu. Chị Huê bảo, tranh thủ người ta đổ san lấp công trình, những đồ còn sót lại sẽ lộ ra, nhặt nhạnh lại cũng được một chút. Từ sắt thép, vỏ lon, vỏ bao, chai nhựa đến bìa các tông, các chị đều nhặt hết. Bình thường, hai chị em thường đi mua, đi nhặt đồng nát trên các tuyến phố, nhưng nay thấy có bãi san lấp, hai chị em dừng lại mót đồ. “Cũng chẳng được đáng là bao, nhưng có còn hơn không”, chị Đan nói.
“Mình có lẽ sẽ bán đến sát Tết mới về quê. Chỉ mong dịch COVID-19 không căng thẳng trở lại, chứ nếu không thì gia đình khó có cái Tết đầy đủ”.
Anh Dương (quê Nam Định)
Hai chị thuê chung một phòng trọ ở Định Công, trung bình hết khoảng 700.000 đồng/người/tháng tính cả tiền điện, nước. Chị Huê bảo, chủ nhà không cho thuê nhiều người một phòng, có lẽ vừa để đảm bảo an toàn cháy nổ. Ngày nào nhiều việc, mua và nhặt được nhiều đồ, mỗi chị cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Trừ các chi phí ăn, ở, cũng có chút tiền gửi về quê. “Đợt dịch vừa rồi, hai chị em tranh thủ về quê, ở lại cũng không đi làm được. Chúng tôi cũng vừa mới lên lại được một thời gian. Chỉ mong dịch COVID-19 không quá căng thẳng, mọi người còn kiếm thêm được chút ít trang trải từ giờ cho đến Tết”, chị Huê chia sẻ. Các chị bảo, bản thân cũng đã được tiêm vắc xin, dù dịch căng thẳng cũng vẫn yên tâm phần nào để đi làm. Con cái các chị cũng đã lớn, trưởng thành rồi, tuy nhiên, còn sức khỏe, các chị vẫn đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Bốc vác, bán rong
Gần phố Trương Định, hai phụ nữ trung niên và một nam giới cùng nhau đẩy mấy xe phế thải vật liệu xây dựng từ trong ngõ ra đường lớn, xúc lên ô tô đang chờ sẵn bên đường. Chị Nam, khoảng ngoài 40 tuổi, quê ở ngoại thành Hà Nội, bảo, từ sáng đến giờ đã làm được 3 chuyến xe. Công việc của chị là xúc, vận chuyển phế thải vật liệu xây dựng từ công trình dân dụng ra xe rồi đến đổ tại khu vực san lấp công trình.
Những lao động tự do ở Hà Nội đang phấp phỏng khi Tết đến gần mà dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp Ảnh: Hoàng Phong |
“Mỗi ngày một người được trả công 500.000 đồng”, chị Nam nói. Tính ra, nếu làm cả ngày, chị Nam và đồng nghiệp có lẽ phải xử lý cả chục chuyến xe với hàng tấn gạch vỡ, bê tông vụn… “Nếu có việc, bọn mình sẽ làm cả ngày, cả đêm”, chị Nam nói. Chị bảo, do ở Hà Nội, công việc của chị không bị ảnh hưởng nhiều, trong đợt dịch trước, việc vẫn có nhưng ít. Dịp cuối năm, nhiều gia đình tranh thủ sửa chữa, xây dựng mới công trình nên nhiều việc. Tận dụng thời gian này, chị cố gắng kiếm thêm bù lại những ngày không có việc trước đây.
Không quá vất vả như chị Nam, anh Dương, quê ở Nam Định, lại chọn nghề bán kẹo lạc - đặc sản quê anh. Anh mới trở lại với công việc sau khi trạng thái bình thường mới được kích hoạt, lượng tiêu thụ hàng hóa không nhiều. Anh Dương bán mỗi gói kẹo lạc 20.000 đồng, mỗi gói bánh mè xửng 25.000 đồng, mỗi ngày cũng bán được khoảng chục gói.
“Đợt dịch vừa rồi mình trọ lại ở Hà Nội, cũng túc tắc bán hàng. Vừa rồi ở quê lại gửi hàng lên nên mình tiếp tục chạy đi bán. Cũng khó khăn lắm”, anh Dương kể. Anh Dương khoe, bản thân đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin COVID-19, tự tin đi bán kẹo khắp thành phố. Sắp tới, nếu được, anh sẽ tiêm thêm mũi 3 cho chắc chắn để tiếp tục chạy xe bán hàng, kiếm tiền lo cho con cái ở quê.