Lao động tự do chật vật mưu sinh mùa COVID-19

Lao động tự do ở Hà Nội chật vật, không có người thuê
Lao động tự do ở Hà Nội chật vật, không có người thuê
TP - Họ từng phải nhờ sự trợ giúp gạo từ những cây ATM gạo, ATM mỳ tôm mới vượt qua những ngày khó khăn do mất việc làm trong năm 2020,  khi dịch COVID-19 bùng phát. Giờ đây, những lao động tự do tại Hà Nội đang bắt đầu một năm mới đầy chật vật.

Chiều mồng 4 Tết, sau khi thu dọn xong gánh hàng ngày đầu tiên đi bán hàng trở lại, chị Lê Thị Hoa (34 tuổi, Hà Nam) bất ngờ nhận được tin, các quán cafe, trà đá, quán ăn, gánh hàng rong…trên đường phố Hà Nội phải tạm dừng hoạt động. Gắn bó với các con đường, ngõ ngách của Hà Nội gần 10 năm, chưa bao giờ gánh hàng rong của chị Hoa lại khởi đầu một năm mới đầy bấp bênh như vậy.

Chị Hoa cho biết, trước đây, ngày nào chị cũng dậy từ 4h sáng, chạy xe hơn 10 cây số lên phố Hai Bà Trưng bán hàng. Gánh hàng của chị là ngô, khoai, sắn và mấy loại bánh như bánh giò, bánh đúc, bánh khoai…

Mỗi ngày, chị Hoa từng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, trừ đi các khoản chi tiêu, chị tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, cả tháng trời giãn cách xã hội, chị không kiếm được đồng nào. Một thân, một mình nuôi 3 đứa con, may nhờ có sự giúp đỡ của ATM gạo, ATM mỳ tôm, gia đình chị mới đủ sức vượt qua những ngày xảy ra dịch bệnh. Những tưởng cuộc sống mưu sinh ổn định trở lại khi dịch tạm lắng. Ai ngờ thêm đợt dịch lần này.

“Từ hôm hàng rong bị cấm, tôi chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, chi tiêu tằn tiện, ăn uống lay lắt qua bữa. Tháng này, tôi còn không biết lấy tiền ở đâu ra trả tiền phòng”, chị Hoa nói và cho biết thêm, những người bán hàng rong cùng ở trong xóm chị ở trọ đa phần đã bỏ về quê. Chưa bao giờ người bán hàng rong lại rơi vào hoàn cảnh túng thiếu như đợt dịch này.

Ngồi cả ngày, không ai thuê

Có mặt từ sáng sớm ở chân cầu Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Trần Văn Tiến (Nam Định) cùng với nhiều lao động tự do khác chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để được thuê mướn. Hai vợ chồng anh lên Hà Nội với hy vọng “bán sức” kiếm sống. Từ đào móng, phụ hồ, đến dọn dẹp nhà cửa theo giờ…có người thuê là vợ chồng anh đều nhận. Nhưng từ Tết đến nay, vợ chồng anh vẫn chưa “mở hàng” cuộc nào. “Mấy hôm nay vật vờ mãi mà không ai thuê”, anh Tiến nói.

Tại cầu chui Long Biên, ngã tư Giảng Võ, Dốc Bưởi,… đội quân lao động tự do, hay lao động mùa vụ cũng đang rơi vào tình trạng “ế ẩm sức”.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 850 nghìn lao động tự do làm nghề xe ôm, bán hàng rong, trà đá... Đây là nhóm lao động dễ chịu tác động xấu nhất, khi các biện pháp chống dịch được triển khai. Trong đợt hỗ trợ lần thứ 1, thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội, thành phố đã hỗ trợ cho nhóm này mỗi người 1 triệu đồng trong vòng 3 tháng.

MỚI - NÓNG