Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tại hội đàm cấp cao Nhật Bản - Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo với Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định (thi tiếng Nhật và tay nghề dành cho thực tập sinh đã về nước và du học sinh) tại Việt Nam.
Triển khai kỳ thi chương trình kỹ năng đặc định sẽ giúp lao động Việt đi làm việc với mức lương cao, chi phí thấp hơn. |
Thông tin này được người lao động và các doanh nghiệp (DN) đặc biệt mong chờ. Từ năm 2019, hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để triển khai chương trình “Lao động kỹ năng đặc định” nhưng trong suốt hơn 4 năm qua vẫn chưa thể triển khai. Trong khi đó tại Đông Nam Á, các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Philippines, Myanmar đã tổ chức được nhiều kỳ thi của chương trình kỹ năng đặc định, giúp người lao động những nước này đi làm việc với chi phí thấp nhưng có thu nhập hấp dẫn. Điều này tạo ra nghịch lý như Tiền Phong từng phản ánh, dù là quốc gia có lượng thực tập sinh đi làm việc tại Nhật nhiều nhất, nhưng lao động Việt phải chi hàng chục triệu đồng để sang Campuchia và Indonesia…thi đi Nhật theo chương trình kỹ năng đặc định.
Thu nhập cao như lao động bản địa
Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, so với chế độ thực tập sinh hiện nay, chương trình kỹ năng đặc định cho phép người lao động làm việc với nhiều ngành nghề hơn. Cụ thể, lao động vượt qua kỳ thi đặc định số 1 và có visa sẽ được làm việc ở 14 ngành như: Xây dựng, công nghiệp tàu biển, bảo trì, sửa chữa ô tô, nghiệp vụ hàng không, sân bay, nghiệp vụ khách sạn, điều dưỡng, hộ lý, nông nghiệp, ngư nghiệp, chế biến thực phẩm... Còn với lao động vượt qua kỳ thi đặc định số 2 có visa sẽ làm việc ở ngành: xây dựng, đóng tàu, hàng hải...
Người lao động khi tham gia chương trình sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng nghề, vé máy bay, đi lại…Đặc biệt, trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, người lao động sẽ được hưởng các chế độ lương, bảo hiểm, an toàn và bảo hộ lao động...giống như người lao động bản địa, đồng thời được làm việc vĩnh viễn tại Nhật và được bảo lãnh người thân sang sinh sống.
Theo vị này, mỗi tháng Việt Nam có khoảng 10 nghìn thực tập sinh về nước nên ngay từ khi Việt Nam ký hợp tác với Nhật, nhiều khi thực tập sinh đều bày tỏ rất háo hức.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chương trình kỹ năng đặc định do Nhật Bản ký thỏa thuận song phương với một số nước nên các nội dung đàm phán cũng khác nhau. Việc hai bên sẽ tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định vào đầu năm 2024 không chỉ có nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao, môi trường tốt mà có thể tránh được các hình thức lợi dụng, thu phí cao của những tổ chức không có chức năng.
Ngày 25/12, thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, dự kiến Nhật Bản sẽ phối hợp với Việt Nam tổ chức kỳ thi trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng và nông nghiệp vào tháng 3/2024. Cùng với đó, phía Nhật đang xúc tiến chuẩn bị để tổ chức thi năng lực tiếng Nhật cơ bản và kỳ thi trong lĩnh vực bảo dưỡng ô tô từ tháng 5/2024 trở đi.