Lao động sang Angola: Rủi ro nhưng vẫn liều

Lao động sang Angola: Rủi ro nhưng vẫn liều
TP - Trong khi các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống cạn nguồn, người lao động bắt đầu đổ xô vào các thị trường tự do đầy rủi ro. Cơ quan chức năng, doanh nghiệp khuyến cáo, nhưng người lao động vẫn liều.

> Thầy ơi, bằng tốt nghiệp bao nhiêu tiền?

Kiếm tiền mạo hiểm

Anh Nguyễn Thanh Tùng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đi làm việc tại Benguela (Angola) đã hơn 1 năm trong lĩnh vực sửa chữa điện tử. Hàng tháng anh đều đặn gửi về cho gia đình hơn 1.000 USD.

Gia đình anh Tùng cho biết, đây là lần đi thứ 2 của Tùng. Lần này, Tùng thuê cửa hàng làm việc tự do. Trường hợp như Tùng không phải hiếm tại các tỉnh miền Trung thời điểm này.

Khi các thị trường tiếp nhận lao động có thu nhập cao đòi hỏi nhiều điều kiện quá khắt khe như Nhật Bản, hoặc tạm ngừng tiếp nhận lao động như Hàn Quốc.

Các thị trường truyền thống Malaysia, Đài Loan, Ả Rập... thu nhập thấp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện Angola có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc.

Tuy nhiên, thực tế con số này lên đến khoảng 40.000 người. Trong đó khoảng 90% làm việc trong lĩnh vực xây dựng, còn lại làm điện tử và nông nghiệp. Mức lương mà doanh nghiệp sở tại trả cho lao động khá cao, trung bình từ 800 đến 1.000 USD/ tháng.

Theo ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Thắng, giữa Angola và Việt Nam chưa có ký kết thỏa thuận hợp tác lao động nên chưa có doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước nào trực tiếp khai thác thị trường này. Một số doanh nghiệp có đơn hàng với doanh nghiệp đối tác cũng không được Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thẩm định.

“Khi doanh nghiệp không khai thác, lao động chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi theo hình thức tự do. Có những trường hợp xin visa lao động 1 năm, nhưng phần lớn đi theo visa du lịch có thời hạn 3 tháng. Hết thời hạn trên, sẽ sống bất hợp pháp trên lãnh thổ Angola”, ông Xuân nói.

Không ai bảo vệ

Xung quanh thị trường này, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Đào Công Hải, cho biết, theo đúng quy trình, để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trước hết 2 nước phải ký kết thỏa thuận hợp tác lao động.

Sau đó, doanh nghiệp dịch vụ trong nước sẽ tìm kiếm cơ hội, nhu cầu sử dụng lao động ở nước tiếp nhận cụ thể và ký hợp đồng với đối tác.

Cuối cùng, doanh nghiệp trình hợp đồng, đơn hàng, cơ quan quản lý sẽ thẩm định tính khả thi và cho phép tuyển dụng. “Hiện, chưa có bất cứ doanh nghiệp nào đăng ký khai thác thị trường này”, ông Hải khẳng định.

Khi lao động tự đi, tự kiếm việc làm và sinh sống, tất yếu quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ không được bảo vệ. Theo ông Hải, thiệt thòi đầu tiên và rõ nhất là tiền lương.

Nếu chủ sử dụng lao động không thực hiện trả lương như hợp đồng đã ký kết thì lao động cũng không biết kêu ai. Nhiều lao động bị bóc lột sức lao động cũng không có cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp, ông Xuân cho rằng, nếu Angola là một thị trường thu nhập cao, ít rủi ro thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước đã không dại gì bỏ lỡ khi thị trường lao động ở nước ngoài dần bị thu hẹp.

Theo đó, ngoài chi phí visa đắt đỏ, Angola là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chủ sử dụng lao động sở tại rất ít. Lao động sang Angola chủ yếu làm việc cho chủ thuộc nước thứ 3 như Trung Quốc, Việt Nam và Bồ Đào Nha.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG