Chuyện lão nông Phan Văn Chánh (54 tuổi, ở thôn Hanh Đông, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) tài hoa, một tay gây dựng cơ đồ, bỏ xa nghèo khó được nhiều người truyền tai nhau đầy ngưỡng mộ.
Một tay dựng nhà
Ngôi nhà của lão nằm ở cuối thôn Hanh Đông (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc), nhìn ra dòng Thu Bồn. Ngôi nhà khang trang, nội thất từ bàn ghế, tủ kệ đến giường, nôi đều được làm bằng tre, lão nói thích tự tay làm và bài trí. Đây là ngôi nhà thứ 3 trong đời. Trước kia, cũng trên mảnh đất này lão từng dựng ngôi nhà tre.
Đó là khoảng năm 1982, khi cưới vợ và xin ra riêng. Người ta hay nói dựng nhà rồi cưới vợ. Nhưng hầu hết thanh niên ở đây thì phải chọn cách ngược lại nếu không muốn để đến già đời. Ở cái vùng quê đất cằn đá sỏi quanh năm đói nghèo, kiếm cái ăn còn khó nói gì đến chuyện dựng nhà, đành phải chấp nhận cảnh cả mấy thế hệ sống chung trong ngôi nhà tạm bợ. Dù vậy, nhưng trong đầu chàng trai trẻ luôn nuôi ý định phải vươn lên, thoát khỏi cảnh đói nghèo. “Làm thằng đàn ông ít nhất cũng phải có chí khí vươn lên, làm sao không để vợ con phải cực khổ, ít nhất phải có được mái nhà đàng hoàng. Chưa kể, sau anh còn bầy em nheo nhóc phía dưới cần được nâng đỡ, chở che” – anh thầm nghĩ, và nhắc mình phải phấn đấu.
Chuyện chàng trai nghèo cưới được vợ đẹp cũng khiến nhiều người trong làng bất ngờ. Đi nghĩa vụ quân sự về thấy gia cảnh nhà nghèo khó, Phan Văn Chánh chỉ biết tối ngày cật lực làm việc. Hết cùng mẹ lên rừng lấy củi bán, lại thấy anh hì hụi ở mấy sào ruộng và nhận làm thuê cho các hộ khác. Rồi nhờ một người quen giới thiệu, anh sang làng bên xin đan thuê cho mấy nhà đan thúng, thuyền. Từ nhỏ, cậu bé Chánh đã được ba truyền dạy cho cách đan manh, đan thúng, nay tìm được trúng cái việc yêu thích nên cứ thế cặm cụi làm. Chẳng bao lâu anh trở thành thợ cừ nhất, ai cũng thán phục. Cũng vì nết chăm chỉ và tài hoa, anh được ông chủ gả cho cô gái trong nhà.
“Thấy ổng hiền lành, chăm chỉ làm ăn nên tui mến mến rồi nhận lời cưới. Sau ni cả khi bị mất 1 tay rồi ổng vẫn cáng đáng được mọi chuyện trong nhà, không để vợ con phải khổ” – bà Phạm Thị Tám, vợ ông nhìn chồng trìu mến.
Ông Chánh bị cụt một cánh tay phải trong một lần đi làm thuê bị máy ép mía cắt đứt, năm ấy mới vừa tròn 22 tuổi. Khó khăn lại như nhân lên. Chánh tập làm quen mọi việc bằng tay trái, chế các vật dụng để phù hợp với mình. “Giờ nghĩ lại cứ như cơn ác mộng vậy. Khó khăn liên tục ập đến, có lúc không lạc quan được nữa, cũng may vợ con biết ý nên liên tục động viên” - ông nói.
Ngôi nhà tre được ông dựng lên sau 1 tuần. Hồi đấy giữa làng bỗng dưng mọc lên ngôi nhà tre khiến ai cũng lạ lẫm, kéo tới xem. Một người trong làng năn nỉ để lại với giá 2 chỉ vàng. Tích cóp thêm một thời gian, ông lại xây ngôi nhà gỗ. Ngôi nhà do ông thiết kế nhiều nét độc, lạ nên một người quen ở làng bên sang hỏi mua, 6 chỉ vàng. Đến ngôi nhà thứ 3 ông chọn cách đổ bê tông kiên cố, nhưng vẫn giữ sở thích xài đồ bằng tre nên luôn tìm cách sáng chế các vật dụng trong nhà.
Hô biến gốc tre thành món đồ tiền triệu
Khoảnh sân rộng trước nhà là nơi ông trưng dụng hành nghề. Đồ nghề không nhiều, chỉ máy cưa, máy mài, dao, rựa, quạt... và một góc sân chất đầy những gốc tre. Hầu hết các vật dụng được ông chế lại để có thể thuận dùng với một tay trái.
Cầm trên tay gốc tre xù xì, ngắm nghía hồi lâu ông gật gù, rồi lấy dao cắt tỉa rễ xung quanh. Thuần thục dùng máy cưa và mài cho nhẵn. Tất thảy được căn đo tỷ lệ bằng mắt chứ không dùng đến thước đo, vậy nhưng chưa một lần phải uổng phí vứt bỏ đi vì lỗi. “Cái khó cho người muốn học nghề cũng ở đây, căn đo không chuẩn là hỏng hết. Muốn thế không phải chỉ học mà còn phải mê và một chút năng khiếu” – ông lý giải.
Mê tre từ lâu, nhưng nếu nói việc mày mò, sáng chế ra các sản phẩm nội thất bằng tre để dùng và bán đó là khoảng sau năm 2006. Ông kể, sau trận lũ năm 2006, những gốc tre trôi theo dòng lũ dạt vào bờ rất nhiều nên nhặt về và rồi thâu đêm với những ý tưởng. “Cả đêm ổng cứ chong đèn hết soi kỹ gốc tre rồi lại lấy giấy bút ra vẽ. Nhiều người nói ông bị khùng, hết chuyện làm lại đi ôm mộng với gốc tre. Rồi hôm sau ổng đục đục đẽo đẽo rồi cho ra bộ bàn ghế khiến ai cũng bất ngờ”- bà Tám nhớ lại.
Bộ bàn ghế tre đầu tiên ông tặng cho đứa con gái ở TPHCM. Sau đó nhiều người thấy và gọi điện đặt làm. Những bộ tiếp sau càng ngày càng được trau chuốt hơn không chỉ đảm bảo độ bền mà còn chú ý đến tính thẩm mỹ. Nếu lúc đầu chỉ là bộ bàn ghế thẳng thì dần dà ông tận dụng những đường cong của gốc tre để tạo dáng cho vai ghế, giường, nôi… Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn, các gốc tre phải tương xứng nhau thì mới cân đối và đẹp được. “Lúc mới làm, vì chỉ còn 1 cánh tay nên các động tác đều rất khó khăn. Dao cứa, tre đâm chảy máu. Đụng vào dao, rìu, cưa dễ đứt tay như chơi nên phải nghĩ cách chế các vật dụng để thuần sử dụng bằng tay trái” – ông chia sẻ.
Để các sản phẩm có được độ bền cũng cần phải rất kỹ trong việc chọn tre, và xử lý trước khi làm. Tre được tìm mua trên gò phải là tre đanh, già đủ 5 năm tuổi trở lên rồi đem về ngâm dưới bùn ít nhất 3 tháng để không bị mối, mọt ăn rồi mới đưa lên phơi khô và chế tác. Nhờ kỹ ở tất cả các khâu nên các sản phẩm của ông khiến khách hàng hài lòng cả về độ bền và thẩm mỹ.
Mỗi bộ bàn ghế tre ông bán với giá từ 20 triệu (bộ 5 món) đến 32 triệu (bộ 9 món). Sản phẩm của ông giờ có mặt ở TPHCM, miền Tây, Đà Nẵng... nhiều người nước ngoài mê đồ tre cũng tìm đến hoặc nhờ liên hệ để đặt hàng. Vậy nhưng, hầu như cầu không đủ cung. “Có muốn làm nhiều để phục vụ nhu cầu khách cũng không được vì chỉ có một mình làm. Nhiều người cũng tìm đến để học nghề nhưng chỉ được một thời gian rồi rút dần. Nếu không cầu kì, tỉ mẩn, không mê thì ít ai trụ được với nghề. Mình vẫn trưng dụng, mong có người kế nghiệp lắm nhưng chưa thấy ai theo được. Cả 3 thằng con trai cũng không đứa nào theo nghề của cha” – ông nói.
Ông Chánh có niềm đam mê khác là làm từ thiện. Ông nói giờ cuộc sống bớt khó rồi, không còn đói nữa nên có cơ hội là đi làm từ thiện. Không theo tổ chức, phong trào và cũng không đi đâu xa, ông bỏ tiền túi tặng quà cho những người nghèo ở địa phương. Trận mưa lũ mới đây, ông trao 100 suất quà cho các hộ dân bị ảnh hưởng. “Mình đang ấp ủ dự định sẽ tổ chức đấu giá 1 bộ sản phẩm lấy tiền làm từ thiện, trao cho những người nghèo. Thiện là ở Tâm, có ít giúp ít, nhiều giúp nhiều, cơ bản là chân tình chia sẻ với nhau lúc khó” – ông nói.