Ba độ tuổi, bảo đảm tính kế thừa
Hội nghị Trung ương 14 vừa qua đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Theo ông, đâu là những điểm nổi bật nhất trong Hội nghị Trung ương vừa qua cùng các Hội nghị trước đó?
Phải khẳng định, việc chuẩn bị cho Đại hội lần này khá kỹ lưỡng, bài bản. Sau Hội nghị 14, Trung ương sẽ còn tiến hành Hội nghị thứ 15, trước khi bước vào Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm sau. Tất nhiên, Đại hội lần nào cũng phải chuẩn bị các nội dung về các báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng… Công tác nhân sự tuy cuối cùng nhưng lại quan trọng nhất.
Vấn đề xây dựng Đảng cũng được nói rất kỹ với hơn 20 điểm, viết rất tỷ mỉ. Hay công tác Đảng cũng đề cập kỹ càng hơn trước, tinh thần dân chủ cũng được mở rộng hơn. Việc đề xuất nhân sự vào Trung ương và cấp cao hơn cũng được triển khai khá kỹ lưỡng và dân chủ. Qua các kỳ Hội nghị, cơ cấu, số lượng nhân sự Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tiến hành qua từng khâu, từng bước.
Điểm đáng chú ý khác là, nhân sự nhiệm kỳ tới cũng được chia làm ba độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa. Trong đó, độ tuổi thứ nhất, trên 60 tuổi là thế hệ từng trải, có nhiều kinh nghiệm. Còn lớp 50 - 60 tuổi là số đông, những người đã kinh qua công tác lãnh đạo ở địa phương với độ tuổi còn tương đối trẻ. Một số ít khoảng 10% là trên dưới 40 tuổi, phần lớn trong số này là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Vì sao lại phải đưa ra tính kế thừa với ba độ tuổi, thưa ông?
Vì những người từng trải thường có nhiều kinh nghiệm, mà họ còn sức khỏe và trí tuệ, còn minh mẫn, thì rất tốt cho sự nghiệp cách mạng. Họ đóng góp ý kiến, xây dựng đường lối, chính sách tốt hơn. Điều này rất cần thiết đối với Đảng và nhân dân. Tất nhiên, càng có nhiều nhân sự trẻ tuổi thì càng tốt. Nhưng cũng không nên vì thế mà giảm bớt những người nhiều kinh nghiệm, còn sức khỏe và trí tuệ còn minh mẫn.
Điều quan trọng nhất, thế hệ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi phải là số đông. Họ là những bí thư cấp tỉnh, hoặc bộ trưởng các bộ, đóng vai trò nòng cốt, nên phải xây dựng đội ngũ này cho thật mạnh. Còn tầng lớp lớn tuổi đóng vai trò dẫn dắt thế hệ trẻ và chèo lái công cuộc kiến thiết nước nhà.
Còn với các trường hợp đặc biệt thì sao, thưa ông?
Tôi được biết, Đại hội tới đây cũng xem xét đến trường hợp đặc biệt. Còn về mặt chuẩn bị, Hội nghị Trung ương 15 mới xem xét đến những trường hợp đặc biệt, Hội nghị Trung ương 14 vừa qua chưa bàn đến. Trong số những người được giới thiệu vào Trung ương, Bộ Chính trị sẽ có một vài người quá tuổi trong diện đặc biệt. Khi ra Đại hội, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có giải trình, đề nghị tiếp tục đưa vào danh sách một số trường hợp tuy tuổi cao nhưng sức khỏe còn tốt, trí tuệ còn minh mẫn, không có điều tiếng gì.
Như chúng ta biết, nhiệm kỳ này có 4 trường hợp đặc biệt trúng cử. Trong đó, trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các trường hợp đặc biệt được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương gồm các ông: Uông Chu Lưu (Phó Chủ tịch Quốc hội); Đỗ Bá Tỵ (khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam); Bùi Văn Nam (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an). Riêng ông Huỳnh Phong Tranh (khi đó là Tổng Thanh tra Chính phủ) cũng được giới thiệu nhưng không trúng cử.
Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về xây dựng bộ máy nhân sự dự kiến tới đây?
Về nhân sự tương lai, có phần khó hơn các kỳ trước. Đây có thể coi là nhiệm kỳ chuyển giao thế hệ, lớp người tham gia kháng chiến sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Lớp người sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hòa bình chiếm số đông. Mà trong thời kỳ kinh tế thị trường, chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ, nên đánh giá con người khó hơn.
Dựa vào dân để xây dựng Ðảng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, khi lựa chọn nhân sự, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Vậy theo ông, tiêu chí nào quan trọng nhất để lựa chọn nhân sự?
Về tiêu chuẩn, trong chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đề cập trong Đại hội trước, bản thân tôi cũng tham gia soạn thảo. Nghị quyết này đề cập từng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…và trong khóa này tiếp tục được áp dụng.
Tuy nhiên, đúc kết lại một cách cô đọng vẫn xoay quanh hai yếu tố đức và tài thôi. Trong đó đức là số một, quan trọng nhất, bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cá nhân, mối quan hệ của cán bộ với nhân dân. Còn tài là kiến thức cách mạng, kiến thức xã hội, chuyên môn, nghề nào bằng cấp ấy… rồi phong cách làm việc của anh, có dân chủ không, có sâu sát không?
Ông thấy sao khi trong nhiệm kỳ này đã có hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, thi hành kỷ luật?
Dù làm tốt công tác nhân sự đến mấy cũng không tránh khỏi diễn biến của tình hình. Hôm nay anh ta là người tốt, biết đâu vài ba năm tới anh ta sẽ sa ngã vì tiền bạc, địa vị, tài sản… Mọi thứ có thể thay đổi trong quá trình công tác của mỗi người, đặc biệt diễn biến của kinh tế thị trường thường tác động mạnh lắm. Khi làm nhân sự cũng đề phòng đấy, nhưng không thể tránh hết được.
Đồng thời phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Có thể tranh thủ ý kiến nhân dân từ nơi cư trú và các cơ quan đoàn thể, nơi thường có mạng lưới thông tin hữu ích. Đặc biệt, báo chí cũng là kênh quan trọng, nhạy bén làm cho cấp lãnh đạo phải lắng nghe, cân nhắc, nghiên cứu.
Cảm ơn ông!
“Với thế hệ cán bộ trẻ, phải đưa họ về thực tiễn, rèn luyện trong thực tiễn. Ví dụ anh muốn làm bí thư tỉnh ủy thì xin mời về cơ sở, về cấp huyện làm một thời gian, để rèn luyện kinh nghiệm và kiến thức lãnh đạo, như thế mới vững vàng được”.
ông Lê Quang Thưởng