Như Tiền Phong phản ánh, những ngày qua, các quán cà phê cạnh đường tàu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã đông đúc trở lại, nhiều du khách bất chấp nguy hiểm dạo chơi, tạo dáng chụp ảnh trên đường tàu.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết: Từ cuối năm 2018 đến trước khi có dịch Covid -19 bùng phát (đầu năm 2020), lượng du khách trong và ngoài nước đến khu vực tuyến đường sắt thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm để quay phim, chụp ảnh ngày càng đông và tập trung chủ yếu tại đoạn đi qua địa bàn 2 phường Hàng Bông, Cửa Đông, do vậy đã phát sinh nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch như cà phê, giải khát, ăn nhanh… tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông đường sắt, cũng như mất trật tự, an ninh xã hội.
Du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh trên đường ray |
Ông Quân cho hay, trước tình trạng nêu trên, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng của quận, phường tăng cường xử lý vi phạm TTATGT đường sắt trên địa bàn quận; tổ chức cho 100% các hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường sắt ký cam kết không tái vi phạm hành lang an toàn đường sắt, nhất là các hộ kinh doanh không bày bàn ghế cho khách ngồi gây cản trở giao thông đường sắt; triển khai phương án bố trí lực lượng cắm chốt thường xuyên liên tục hàng ngày từ 8h00 đến 22h00...
Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh Covid 19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường (nhất là ngành du lịch), du khách lại tiếp tục có xu hướng đến tham quan, chụp ảnh tại nơi đây.
"Để đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông đường sắt, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Công an quận, UBND các phường, các ban ngành đoàn thể tiếp tục duy trì phương án nêu trên và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; tăng cường lực lượng tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh không lấn chiếm" - ông Quân nói.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân |
Chưa thể xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn
Vẫn theo ông Quân, soi chiếu các quy định của pháp luật, các căn nhà hai bên đường ray thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm được đề cập đều vi phạm hành an toàn đường sắt. Tuy nhiên, theo Điều 39 của Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ có quy định, những công trình hiện hữu nằm trong phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định của Nghị định này nhưng chưa ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đường sắt, nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, tạm thời cho phép giữ nguyên hiện trạng nhưng chủ công trình không được cơi nới, xây dựng thêm và phải cam kết với chính quyền địa phương, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
"Như vậy, hầu hết các hộ dân đang sinh sống tại đây đều nằm trong khu vực hành an toàn đường sắt. Tuy nhiên, các hộ đã sinh sống ổn định trong thời gian trước khi Luật đất đai và Luật đường sắt có hiệu lực, do vậy việc di dời, tái định cư các hộ dân này đòi hỏi nhiều nguồn lực và thời gian của Thành phố. Vì vậy, chưa thể xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn. Trong giai đoạn trước mắt, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục duy trì các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như đã nêu trên và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm nhằm đảm bảo TTĐT, TT an toàn giao thông đường sắt" - ông Quân cho hay.
Địa bàn quận Hoàn Kiếm có hệ thống đường sắt quốc gia (Hà Nội – Hải Phòng) được người Pháp xây dựng từ năm 1901 và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 16/6/1902 (đi qua địa bàn 6 phường Cửa Nam, Hàng Bông, Cửa Đông, Hàng Mã, Đồng Xuân, Phúc Tân).
Sau hơn 100 năm tồn tại, do nhiều yếu tố lịch sử nên đến nay toàn bộ phạm vi bảo vệ đường sắt của đoạn tuyến đi qua địa bàn quận Hoàn Kiếm đều có các hộ dân sinh sống (nguyên gốc là nhà ở của nhân viên ngành đường sắt). Chỉ tính riêng phạm vi bảo vệ đường sắt và hành lang an toàn đường sắt đi qua địa bàn 2 phường Cửa Đông, Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm có 68 nhà ở, gồm 111 hộ dân, 440 nhân khẩu, nhà ở tại đây được xây dựng từ những năm 1960, khoảng cách mép ngoài đường ray đến tường nhà trung bình từ 2m đến 3,65m.