Lãnh đạo Nhật, Hàn, Úc điện đàm với ông Biden

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhìn về phía Triều Tiên từ phía Hàn Quốc trong Khu phi quân sự vào tháng 12/2013 ảnh: Getty Images
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhìn về phía Triều Tiên từ phía Hàn Quốc trong Khu phi quân sự vào tháng 12/2013 ảnh: Getty Images
TP - Trong các cuộc điện đàm với ông Joe Biden, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia (Úc) hôm qua tái xác nhận kế hoạch thiết lập quan hệ chặt chẽ với tổng thống đắc cử Mỹ để giải quyết các vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu và an ninh khu vực. Trong khi đó, chuyên gia nói, quan hệ Mỹ -Triều khó có thể tiến triển dưới thời ông Biden.

Lãnh đạo của ba đồng minh châu Á chủ chốt - Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Australia Scott Morrison - cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu khác công nhận chiến thắng ngày 3/11 của ứng viên đảng Dân chủ trước đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, người cho đến nay vẫn từ chối công nhận kết quả bầu cử.

Chiến thắng của ông Biden diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán về quân sự và kinh tế trong khu vực, và sau nhiều năm quan hệ đôi khi hỗn loạn giữa các đồng minh châu Á và Mỹ dưới thời ông Trump về các vấn đề bao gồm thương mại, quốc phòng và môi trường.

Tất cả các bên bày tỏ quyết tâm tăng cường quan hệ song phương và giải quyết các vấn đề toàn cầu như đại dịch coronavirus và biến đổi khí hậu, văn phòng của Biden cho biết.

Thủ tướng Suga đã nói chuyện với ông Biden qua điện thoại và khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hai nước.

“Tổng thống đắc cử Biden nói rằng, ông ấy mong muốn củng cố liên minh Mỹ-Nhật và cùng nhau hợp tác để đạt được một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Suga nói với các phóng viên, theo tường thuật của Reuters.

Ông Biden trước đó đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Canada và Pháp, nhưng Trung Quốc và Nga cho đến nay vẫn chưa chúc mừng tổng thống đắc cử Mỹ.

Hôm 11/11, ông Biden đã bổ nhiệm ông Ron Klain làm chánh văn phòng Nhà Trắng. Anthony Blinken, một nhà ngoại giao và là người thân tín lâu năm của ông Biden được coi là một lựa chọn khả dĩ cho ghế ngoại trưởng hoặc cố vấn an ninh quốc gia, cả hai đều đóng vai trò quan trọng đối với các đồng minh châu Á.

Phát biểu với ông Moon Tae-in, ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc, nhấn mạnh đồng minh châu Á là “yếu tố then chốt của an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, phát ngôn viên Kang Min-seok của ông Moon cho biết.

Quan hệ Mỹ -Triều

Ông Biden nói sẽ không gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không có điều kiện tiên quyết và sẽ áp dụng “chính sách ngoại giao có nguyên tắc” với Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo NBC, một số chuyên gia cho rằng, ông Biden có thể lặp lại những sai lầm của cựu Tổng thống Barack Obama, người với “sự kiên nhẫn chiến lược” đã bị một số người chỉ trích là quá thụ động, tạo điều kiện cho Triều Tiên xây dựng kho vũ khí hạt nhân.

Nhưng dù ông Biden có áp dụng chiến thuật nào đi chăng nữa, thì một thực tế vẫn tồn tại: Triều Tiên khó có thể sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, thứ mà nước này coi như một chính sách bảo hiểm chống lại những nỗ lực của nước ngoài nhằm lật đổ chế độ của họ.

Cristina Varriale, một nhà nghiên cứu về phổ biến vũ khí và chính sách hạt nhân tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, một tổ chức nghiên cứu, cho rằng: “Đối với tất cả những sai lầm trong cách tiếp cận Triều Tiên rất độc đáo của chính quyền ông Trump, mối quan tâm chính của tôi là cách tiếp cận của ông Biden sẽ giống với ông Obama”.

“Điều đó không thực sự hiệu quả”, bà nói. “Thời điểm ông Trump nhậm chức vào năm 2016, Triều Tiên đã đạt được một số tiến bộ với chương trình hạt nhân”.

Chính sách về Triều Tiên của ông Trump khác xa so với chính sách của người tiền nhiệm. Ông hứa sẽ đáp trả bằng “lửa và sự giận dữ” khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân vào năm 2017, trước khi trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ bước chân tới Triều Tiên và gặp nhà lãnh đạo của nước này. Tuy nhiên, ông Trump đạt rất ít kết quả về việc phi hạt nhân hóa.

Theo các quan chức và nhà phân tích Mỹ, ông Kim chưa bao giờ ngừng chế tạo đầu đạn hạt nhân và tên lửa. Ông đã làm chậm quá trình thử nghiệm, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng, điều này là do ông hài lòng hơn với những mốc quan trọng mà mình đã đạt được, hơn là bất kỳ thiện chí nào đối với Washington.

MỚI - NÓNG